TN - Đất & Người

Một cựu chiến binh tích cực xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến xã Ia Drăng hỏi cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn ai cũng biết, bởi ông khá nổi tiếng trong việc làm kinh tế giỏi và tích cực đóng góp cùng địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Lái chiếc xe SorentoR trị giá gần 1 tỷ đồng, cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.

Rời quê hương Duy Tiên-Hà Nam, năm 1984 ông Tuấn đưa gia đình vào sinh sống, lập nghiệp tại thôn Nhân Đức ( xã Ia Drăng-Chư Prông). Nói là lập nghiệp song gia tài mà hai vợ chồng này có chỉ là “sức người” cùng với đó là một đứa con 2 tuổi. Để bám trụ lại mảnh đất mới, hai vợ chồng phải lặn lội nắng mưa với công việc làm thuê làm mướn kiếm đủ gạo, mắm qua ngày. Dù vậy, có những ngày không người thuê, hai vợ chồng phải nhường những hạt gạo ít ỏi còn lại để nấu cháo cho con. Khó khăn, thiếu thốn và cả cơ cực, đôi lúc người cựu chiến binh ấy cũng nản, định bỏ cuộc đưa vợ con trở về quê.

 

Ảnh: Phương Dung
Ảnh: Phương Dung

Nhưng rồi với quyết tâm và cả sự kiên trì của người lính đã giữ ông ở lại, hơn nữa đã quyết tâm ra đi mà trở về tay trắng cũng…ngại! Nhưng ở lại rồi làm thế nào để vượt qua những khó khăn? Sau bao nhiêu trăn trở, cuối cùng hai vợ chồng ông đi đến thống nhất: Vẫn đi làm thuê kiếm sống qua ngày, còn những ngày không ai thuê thì hai vợ chồng đi khai hoang đất trồng lúa, đậu và chăn nuôi thêm heo, gà. Một năm sau, hai vợ chồng ông cùng xin vào làm công nhân của Công ty cao su Chư Prông (nay là Công ty TNHH MTV cao su Chư Prông) và cuộc sống cũng dần được cải thiện.

Dành dụm được ít tiền, năm 1993, gia đình ông quyết định trồng cây cao su-mặc dù số hộ trồng cây cao su khi ấy chưa nhiều, nhưng thấy vườn cây của Công ty Cao su Chư Prông luôn xanh tốt nên ông đã mạnh dạn trồng thử. Hơn nữa, gia đình ông được Công ty cao su Chư Prông cho ký nợ tiền giống cây, công vận chuyển và hỗ trợ quy trình kỹ thuật, còn bản thân ông cũng có kinh nghiệm khi là công nhân kiến thiết vườn cây của công ty. Tuy nhiên, khi vườn cây hình thành cũng là lúc gia đình kiệt quệ về tài chính, trong khi vẫn cần tiền thuê nhân công, tiền đầu tư phân bón…

Để thoát khỏi những khó khăn trước mắt, gia đình bàn nhau “Lấy ngắn nuôi dài” - vừa chăn nuôi thêm heo, 20 con bò và trồng trọt cây hoa màu. Loay hoay giải quyết những khó khăn tưởng là trước mắt ấy, gia đình ông cũng phải mất đến 3 năm, có lúc còn phải bán bớt vườn cây-phần vì thiếu vốn, phần vì không có lao động. Cũng may khi vườn cây cao su bắt đầu cho thu hoạch cũng là lúc giá mủ cao su ổn định và hai năm trở lại đây giá mủ cao su khá cao. Song từ lúc đặt cây giống đầu tiên đến khi cho thu hoạch, gia đình ông phải mất đến 7 năm mới trả hết những khoản nợ nần nào tiền cây giống, tiền vận chuyển cho Công ty đến tiền vay ngân hàng.

Hiện tại, gia đình ông đang sở hữu 14,5 ha cao su tiểu điền, 3 ha hồ tiêu (3 năm tuổi) và 1 ha cà phê đang cho thu hoạch, mỗi năm trừ các khoản chi phí còn cho thu nhập gần 1,3 tỷ đồng. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho các thành viên trong gia đình, ông còn giải quyết lao động thời vụ từ 20-30 lao động chủ yếu là người địa phương; tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 12 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5 đến 3,7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn cho anh em, bạn bè, đồng chí vay 450 triệu đồng không lấy lãi. Những người con của cựu chiến binh này cũng không phụ công của gia đình khi 3 trong 4 người con đã tốt nghiệp đại học, người con út năm nay đang thi đại học.

Song điều đặc biệt ở cựu chiến binh này không chỉ giỏi làm kinh tế mà chính là tấm lòng-ông đã đóng góp 300 triệu đồng để chung tay cùng địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, trước đó, một số hộ dân trong thôn vẫn phải sống trong cảnh thiếu điện sinh hoạt nên ông đã tự nguyện đóng góp 140 triệu đồng để kéo đường điện sinh hoạt cho cá nhân và cho thôn xóm. Hơn nữa, ông đã đóng góp 160 triệu đồng để “biến” con đường đất lầy lội, bụi mù dài 1.000m thành con đường bê tông liên thôn kiên cố, sạch sẽ.

Ngoài ra, ông còn tích cực trong các phong trào vì cộng đồng, riêng với hội viên cựu chiến binh ông thường giúp đỡ bằng cách cho vay tiền từ 10-20 triệu đồng không tính lãi, hướng dẫn hội viên có nhu cầu về cách trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, cao su… Chia sẻ về những việc mình đã làm, ông cười: “Đã từng trải qua quá trình rèn luyện trong quân đội nên tôi luôn nghĩ phải làm thế nào để cuộc sống của bản thân và nhiều đồng đội, anh em được sống tốt hơn”. Đặc biệt, người bạn đời của ông cũng luôn đồng tình, ủng hộ những việc ông đã làm còn với các con, ông luôn răn dạy chúng phải biết sống vì người khác.

Ông Mai Khắc Tuấn-Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện, và từng là trưởng phòng tổ chức của Công ty Cao su Chư Prông nên ông khá hiểu về cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn. “Anh Tuấn là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định và liên tục là lao động giỏi của công ty. Dù có những giai đoạn khó khăn nhưng gia đình anh đã kiên trì khắc phục và vươn lên để phát triển kinh tế. Và khi cuộc sống gia đình khá giả, anh Tuấn đã giúp đỡ nhiều người khác, tạo điều kiện cho anh em hội viên vay vốn phát triển kinh tế, đặc biệt anh Tuấn đã bỏ tiền ra để làm đường điện, đường liên thôn phục vụ nhu cầu chung cho người dân trong thôn, xóm”- ông Mai Khắc Tuấn nhấn mạnh.

Phương Dung
 

Có thể bạn quan tâm