Một "Hạ Long giữa đại ngàn"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều nơi nổi tiếng gắn liền với biệt danh “Hạ Long trên cạn” như Thung Nai ở Hoà Bình, Tràng An ở Ninh Bình hay hồ Tà Đùng ở Đắk Nông. Tuy nhiên, nếu có dịp đến Tuyên Quang, bạn sẽ phải thốt lên bởi khó nơi nào khơi gợi về hình ảnh “rồng phun châu nhả ngọc” xuống mặt nước phẳng lặng hơn hồ Na Hang – Lâm Bình.

 

Hồ Na Hang – Lâm Bình của Tuyên Quang được ví như
Hồ Na Hang – Lâm Bình của Tuyên Quang được ví như "Hạ Long trên cạn giữa đại ngàn".
 




Tôi vô tình có cơ hội thăm hồ Na Hang – Lâm Bình vào một buổi sáng tháng 10 trong hành trình ngắn ngày ở khu vực đông bắc mà điểm nhấn chính là hồ Ba Bể, Bắc Kạn. Không ai trong đoàn kỳ vọng nhiều vào điểm đến lướt qua này cho đến khi vừa đặt chân đến khu bến thuyền ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.


 

 




Hàng chục chiếc thuyền sẵn sàng chờ đón khách dù mùa này là mùa thấp điểm du lịch ở đây. Điều đó mang đến sự khoan thai và tận hưởng cho cả đoàn mà không cần chen chúc và chờ đợi. Chỉ sau khoảng vài phút đi qua luồng nước nhỏ, cả một hồ nước rộng mênh mang hiện ra trước mắt.

 

 





9 giờ sáng, những áng mây trắng bồng bềnh vẫn chờn vờn quanh các ngọn núi bao quanh hồ, khiến tôi như mơ màng trong tiên cảnh. Ngồi trên thuyền chưa ấm chỗ, ai nấy trong đoàn đều phải đứng dậy để ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng. Với tôi, vẻ đẹp của hồ Na Hang có chút phảng phất nét hoang sơ của hồ Ba Bể với những con thuyền nằm lẻ loi giữa khoảng nước mênh mông, cây cối hoang sơ.

 

 



Cũng ở đó, tôi như bắt gặp hình ảnh những đảo đá vôi của di sản thiên nhiên Hạ Long khi thuyền đi qua các đảo nổi, cột đá tự nhiên giữa mặt hồ. Tuy nhiên, dù đã tham quan vịnh Hạ Long trên dưới chục lần, tôi mới chỉ được ngắm các đảo đá ẩn hiện trong sương, chứ chưa từng chiêm ngưỡng cảnh mây ôm núi trữ tình như đã thấy ở hồ Na Hang – Lâm Bình.

 

 



Chuyến tham quan tưởng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng đưa tôi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Khoảng 10 giờ, những tia nắng bắt đầu xuyên thủng làn mây, làm bừng sáng cả không gian. Trước mắt chúng tôi là dãy 99 ngọn núi trùng điệp nối tiếp nhau gắn với truyền thuyết phượng hoàng bay về để tìm kinh đô mới. Ấn tượng nhất trong hệ thống núi đá vôi là danh thắng Cọc Vài, theo tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu. Cột đá tự nhiên này nổi giữa lòng hồ, gắn với sự tích về chàng trai khổng lồ Tài Ngào đắp đập ngăn dòng để giữ nước.

Do thời gian có hạn, chúng tôi chỉ dừng một nơi trong vô số điểm tham quan quanh hồ. Đó là thác Khuổi Nhi. Nhưng chừng đó cũng đủ mọi người trong đoàn thoả mãn. Cập bờ để leo thác, chủ thuyền dặn mọi người đi dép đã được chuẩn bị sẵn hoặc đi chân không, bỏ giày ở lại do phải lội nước.


 

 




Đường lên thác còn nguyên sơ với lối mòn đi xuyên các rừng cây, con suối, nhiều đoạn dốc đứng chưa có bậc, người dân mới chỉ tận dụng đá tự nhiên để bước và lắp thêm một số rào chắn để vịn tay. Thế mà cứ đi vài bước, đoàn lại “lạc” mất vài người vì mải mê chụp ảnh dù được thông báo càng lên cao càng đẹp.

Thật vậy, sau khoảng 30 phút leo dốc, hiện ra trước mắt chúng tôi là dòng thác trắng như dải lụa đổ từ độ cao hàng chục mét. Đẹp nhất là phần nước rủ xuống hồ nước dưới chân thác trông như tấm màn che ẩn giấu hang bí mật bên trong.


 

 



Theo tình nguyện viên ở đây, vào mùa hè, hồ nước tự nhiên này có rất đông người tới tắm. Ngày chúng tôi tới nước khá lạnh nhưng bù lại là trải nghiệm có một không hai: massage cá. Những con cá nhỏ chỉ bằng ngón tay sống quanh mép hồ, chỉ cần có người bước chân xuống nước là chúng thi nhau rỉa, tạo cảm giác tê tê, buồn buồn.

 




Trở lại thuyền, kết thúc chuyến tham quan ngắn ngủi, in hằn trong tâm trí tôi là ấn tượng về một trong những hồ nước đẹp nhất Việt Nam. Nếu có dịp quay lại, với tôi nơi này chắc hẳn sẽ không còn là điểm lướt qua nữa, mà là nơi phải đến và sẽ giới thiệu cho bạn bè.

HẢI LONG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm