Phóng sự - Ký sự

Một ngày với Nam Vang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ thủ phủ Siem Raep- cố đô, nơi có Biển Hồ rộng lớn, đã từng phát triển rực rỡ của đế chế Khmer một thời (từ sau thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XV), sau nhiều lần thất bại trong cuộc chiến tranh với quân Xiêm, vua Khmer là Ponhea Yat (1434-1446) đã phải dời đô về vùng đất Bà Penh xuống phía Đông, nơi có Wat Phnom (đền trên đồi), sau này có tên gọi là Phnom Penh hay Nam Vang. Vào thế kỷ XIX, nơi này phát triển khá sầm uất, tiếng Khmer thường gọi Krong Chakto Nuk (thành phố bốn mặt) vì nó nằm trên ngã tư của các dòng sông Mê Kông, Bassac và Tonle Sap.
Tuy đến Phnom Pênh lần đầu nhưng cái tên Nam Vang, tôi đã từng được nghe người Nam bộ nhắc đến từ lâu với những món ăn hấp dẫn như hủ tiếu Nam Vang, khô rắn Nam Vang… Có lẽ đây là vùng đất không mấy xa lạ đối với người Việt ở phía Nam xưa kia vì các cư dân sinh sống dọc theo triền sông Mê Kông có chung những yếu tố văn hóa tương đồng và nhất là việc giao lưu buôn bán giữa các vùng miền dựa vào con đường thủy thuận lợi vốn có mà thiên nhiên ban tặng. Chính vì sự gần gũi và giao thương truyền thống giữa hai lãnh thổ cận kề mà người Việt hiện nay sang sinh sống, làm ăn ở thủ đô Phnom Pênh khá đông đúc; nhiều người trong số đó trở nên thành đạt, giàu có.
Tác giả trước Hoàng Cung (Campuchia).
Tác giả trước Hoàng Cung (Campuchia).
Tôi gặp một nữ Giám đốc người Việt khá trẻ (sinh sau năm 1975) của một Công ty Xuất nhập khẩu tư nhân ở Nam Vang-cô Lê Hồng Thuyên có văn phòng đóng tại 310 đường Monivong-Phnom Pênh, và được biết, hiện nay Việt kiều ở Campuchia nói chung và Phnom Pênh nói riêng đều làm ăn khá thuận lợi; có tổ chức Hội Doanh nhân Việt kiều nhằm gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong việc kinh doanh trên xứ người. Tôi dạo một vòng quanh chợ trung tâm ở thủ đô và được nói tiếng Việt thỏa mái với đồng hương là những người ở Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ… họ sang Campuchia đã lâu và kinh doanh khá ổn định. Nhiều người đã gắn bó qua mấy thế hệ với người bạn đời của mình là dân bản địa, bây giờ con cháu nói tiếng Việt hơi lơ lớ giọng Khmer Nam Vang.
Trong lịch sử Campuchia có những thời biến động lớn, các thế lực xấu kích động, nhất là thời kỳ dưới chế độ diệt chủng Pôn Pốt (Khmer Đỏ) Việt kiều bị kỳ thị, khủng bố và bị bắt giết khiến cho bà con phải lẩn trốn hoặc trở về Việt Nam. Anh chàng hướng dẫn viên du lịch Som Yin-người Khmer chính gốc lấy cô vợ Việt ở An Giang, đang định cư ở Siem Raep có vẻ rất căm giận khi tôi nhắc tới cái thời Pôn Pốt kinh hoàng. Thì ra gia đình anh cũng là nạn nhân trực tiếp, bố mẹ đẻ bị bọn Khmer Đỏ giết chết và anh đã may mắn thoát thân. Som Yin kể rằng, người Campuchia không ai muốn nhắc đến cái bóng ma diệt chủng khủng khiếp ấy. Họ cố quên đi những nỗi đau mất mát một thời đầy máu và nước mắt để vươn dậy xây dựng lại đất nước trong hoang tàn.
Ở Phnom Pênh dưới thời Pôn Pốt là một địa ngục trần gian, tất cả các cơ sở văn hóa, giáo dục đã bị phá tan tành, phố xá không ánh đèn, không người, không ngựa xe… Đến nay, dù thành phố lớn nhất Vương quốc Campuchia này bước đầu được hồi sinh nhưng trên da thịt của nó vẫn còn đó những vết thương chưa lành hẳn.
Chợ trung tâm ở Phnom Pênh. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Chợ trung tâm ở Phnom Pênh. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Dấu ấn còn lại tương đối khá nguyên vẹn là cụm di tích Hoàng cung tại Phnom Pênh. Theo tài liệu lịch sử Campuchia thì Hoàng cung này được xây dựng vào năm 1866 và lần lượt các hạng mục khác cũng được hoàn thành mãi đến năm 1876 mới có hiện trạng như ngày nay. Như vậy, so với kinh thành Huế dưới thời nhà Nguyễn- Gia Long của Việt Nam thì Hoàng cung của thời vua Norodom (1834-1904) được xây dựng cách nhau nửa thế kỷ.
Điểm đặc biệt của quần thể di tích này là một phần cung điện vẫn còn là nơi làm việc của Hoàng gia và nhà vua. Hôm chúng tôi có mặt tại Hoàng cung để tham quan thì tại Điện Chanchaya và phòng khánh tiết (nơi đặt ngai vàng) đã diễn ra cuộc đón tiếp đại sứ đến trình quốc thư và chào xã giao nhà vua. Những lúc như vậy, du khách đành đứng nhìn từ xa mà không thể vào trong “mục sở thị”. Nhìn chung các công trình kiến trúc của Hoàng cung mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Khmer, chỉ duy nhất điện Napoleon (xây dựng năm 1876) là có mang chút phong cách kiến trúc phương Tây trộn lẫn với kiến trúc Khmer.
Tuy không bề thế, hoành tráng như những kinh thành đồ sộ của vua chúa Trung Hoa hay các nước khác nhưng Hoàng cung Campuchia cũng để lại một phong cách khá ấn tượng cho du khách. Một điểm nhấn mà không ai có thể bỏ qua trong quần thể Hoàng cung, đó là chùa Bạc, còn gọi là chùa Phật ngọc lục bảo (Wat preah morakat). Nét độc đáo ở đây là toàn bộ nền chùa đều lát bằng bạc sáng loáng, bên trong trưng bày hàng ngàn hiện vật, tượng Phật bằng vàng và ngọc trông đến lóa mắt. Quả thật tôi thật sự bị choáng ngợp trước một “bảo tàng” vô giá toàn bằng vàng bạc, những thứ mà thiên hạ mơ ước về sự giàu sang.
Tôi từng nghe người Campuchia trước đây có thói quen dùng vàng bạc để trao đổi, mua bán thay vì đồng tiền như ngày nay. Và đến khi được mục sở thị những khối vàng trong chùa Bạc thì tôi tin đó là sự thật. Người ta còn nói rằng, trong thời kỳ Pháp đô hộ và sau này dưới chế độ Pôn Pốt một số hiện vật quý giá trong chùa Bạc đã bị mất, đến nay chưa tìm lại được. Quả là đáng tiếc!
Chiều buông, tôi lững thững về phía trước Hoàng cung ngắm nhìn dòng Mê Kông lộng gió và thầm thán phục những người Khmer xưa đã biết chọn vùng đắc địa này để đặt kinh đô. Tuy nhiên, bên cạnh một Hoàng cung uy nghi, sang trọng thì đâu đó dưới xóm chài trên dòng Mê Kông vẫn còn những “người lữ thứ” là hậu duệ của người Champa xưa còn sót lại cho đến ngày nay, trải qua bao thế hệ giờ họ vẫn đang lênh đênh trên dòng sông mênh mông nước… Bỗng nhiên lòng tôi gợn lên một chút buồn man mác khi nghĩ về sự hưng phế trong lịch sử ngàn năm.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm