Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Một số vấn đề lưu ý khi thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bầu cử nhân sự cấp ủy là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi kỳ đại hội Đảng. Để thống nhất thực hiện công tác bầu cử cấp ủy trong toàn Đảng, trên cơ sở tiếp tục thực hiện Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Quy chế bầu cử trong Đảng”, ngày 20-3-2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TW về “Một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng” nhằm hướng dẫn những vấn đề rất cụ thể để các cấp ủy Đảng thống nhất tổ chức công tác bầu cử tại đại hội Đảng.



Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh: Khi tổ chức Đảng giới thiệu đảng viên ứng cử, bầu vào các chức danh lãnh đạo Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở thì phải thực hiện theo Điều 13 Quy chế bầu cử trong Đảng và các quy định, hướng dẫn có liên quan. Về số lượng và danh sách đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội; cơ quan tiếp nhận hồ sơ ứng cử, đề cử của đảng viên: Theo khoản 1, khoản 2, Điều 4 thì cấp ủy triệu tập đại hội dự kiến số lượng và danh sách đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội, trình đại hội biểu quyết thông qua. Cấp ủy triệu tập đại hội giao ban tổ chức của cấp ủy tiếp nhận, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đối với các trường hợp ứng cử, đề cử, thực hiện theo các khoản 4.1 và 4.2, Mục 4 của Hướng dẫn số 03. Về kiểm phiếu bằng máy vi tính: Nếu kiểm phiếu bằng máy vi tính, cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy phải lựa chọn nhân viên kỹ thuật bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, giới thiệu cho đoàn chủ tịch quyết định. Thống nhất sử dụng phần mềm kiểm phiếu do Quân ủy Trung ương chỉ đạo sản xuất; Ban Tổ chức Trung ương chịu trách nhiệm quản lý, cung cấp.

 Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: T.N
Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: T.N



Về thủ tục, hồ sơ ứng cử, đề cử được quy định như sau: Việc ứng cử, đề cử ở đại hội đại biểu Đảng bộ cơ sở: Đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì làm đơn ứng cử (Mẫu số 1, Hướng dẫn 03-HD/TW) nộp Đảng ủy cơ sở; đại biểu chính thức của đại hội khi đề cử đảng viên chính thức không phải là đại biểu của đại hội để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì chuẩn bị phiếu đề cử (Mẫu số 2, Hướng dẫn 03-HD/TW) nộp cho đoàn chủ tịch đại hội; phiếu đề cử phải có ý kiến đồng ý của người được đề cử. Đối với việc ứng cử, đề cử ở đại hội Đảng bộ cấp huyện và tương đương trở lên: Thủ tục, hồ sơ ứng cử: Đại biểu chính thức nếu ứng cử để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì làm đơn ứng cử (Mẫu số 1, Hướng dẫn 03-HD/TW) nộp đoàn chủ tịch đại hội. Đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử cho cơ quan tổ chức của cấp ủy triệu tập đại hội chậm nhất là 15 ngày làm việc trước ngày khai mạc đại hội. Thủ tục, hồ sơ đề cử: Đại biểu chính thức của đại hội nếu đề cử đảng viên chính thức trong Đảng bộ không phải là đại biểu của đại hội để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì chuẩn bị hồ sơ đề cử, nộp đoàn chủ tịch đại hội. Tại đại hội (hội nghị), nếu việc ứng cử, đề cử được tổ chức tại các đoàn đại biểu thì trưởng đoàn đại biểu tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử nộp đoàn chủ tịch đại hội (hội nghị). Việc ứng cử, đề cử đối với cấp ủy viên từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương thực hiện theo Điều 13 Quy chế bầu cử trong Đảng.

Về trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội: Tại đại hội, người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng. Đối với việc cho rút và không cho rút khỏi danh sách bầu cử: Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị) và những người xin rút khỏi danh sách bầu cử; đề xuất cho rút khỏi danh sách bầu cử những trường hợp vi phạm Điều 13 Quy chế bầu cử trong Đảng, những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo đại hội xem xét, quyết định. Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử chưa đủ số dư 30% so với số lượng cần bầu thì đoàn chủ tịch đề xuất với đại hội (hội nghị) biểu quyết thông qua danh sách bầu cử. Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì tiến hành các thủ tục lấy phiếu xin ý kiến đại hội (hội nghị) đối với những người ứng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị).

Việc lấy phiếu xin ý kiến đối với những người ứng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị): Đoàn chủ tịch lập tổ giúp việc kiểm phiếu xin ý kiến là những thành viên của đoàn thư ký. Trường hợp cần thiết đoàn chủ tịch có thể lựa chọn một số đại biểu chính thức (trong đại hội đại biểu) hoặc một số đảng viên chính thức (trong đại hội đảng viên) không có tên trong danh sách ứng cử, được đề cử tham gia tổ giúp việc kiểm phiếu. Phiếu xin ý kiến đại hội (hội nghị) thực hiện theo mẫu (Mẫu số 4), đóng dấu của cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) ở góc trái phía trên của phiếu (đối với chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở hoặc Đảng bộ bộ phận đóng dấu của Đảng ủy cơ sở). Phiếu in họ và tên những người ứng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị) xếp thứ tự tên người theo vần A, B, C,...; nếu có nhiều người trùng tên thì xếp theo họ; nếu trùng cả họ thì xếp theo tên đệm; nếu cả 3 dữ kiện này đều trùng thì người có tuổi đảng cao hơn được xếp tên trên (nơi không có điều kiện in phiếu, tổ giúp việc có thể ghi danh sách trên phiếu). Đại biểu đại hội (hội nghị) lựa chọn, đánh dấu X vào ô đồng ý hoặc ô không đồng ý tương ứng với họ và tên người trong phiếu xin ý kiến. Tổ giúp việc kiểm phiếu hướng dẫn cách thức bỏ phiếu, kiểm tra, niêm phong thùng phiếu, phát phiếu, kiểm đếm và báo cáo đại hội (hội nghị) về số lượng phiếu phát ra và phiếu thu về; kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu, báo cáo đoàn chủ tịch để đoàn chủ tịch trình đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định.

Cùng với đó, Hướng dẫn số 03 cũng quy định cụ thể về số dư và danh sách bầu cử; việc lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy; danh sách trích ngang của các ứng cử viên; việc bầu đủ số lượng đại biểu dự đại hội Đảng bộ cấp trên; triệu tập hoặc không triệu tập đại biểu thay thế đại biểu dự đại hội đối với một số trường hợp cụ thể. 

TRẦN ĐÌNH (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm