(GLO)- Khi sấm chớp ngoằn ngoèo trên bầu trời vào lúc chiều tà, những cơn mưa giông bắt đầu ập xuống thì những dòng suối đục ngầu cuồn cuộn nước nhập về sông Ba. Nước dâng lên là lúc những đàn cá ức nước đục, quẫy mình lao lên tìm về vũng cạn để đẻ.
Vào những năm 70 thế kỷ trước, mùa nước lũ là mùa mà người dân sống dọc sông Ba quê tôi háo hức chờ đợi đi bắt cá đẻ. Sau những cơn mưa chiều, dù trời tối nhưng ai nấy đều trùm tơi, xách đèn, mang nơm, vợt, rổ lớn lao ra các khu ruộng dọc theo những con suối xâm xấp nước. Các loại đèn pin, đèn gió, đuốc… đều được tận dụng, từng tốp người soi đèn sáng lóa cả bờ suối. Khi ấy, những đàn cá lúi to bằng 2, 3 ngón tay người lớn, đầu đen, bụng xám trắng nung núc trứng đang vật vã lóc qua từng lùm cỏ rồi phun ra những chùm trứng nhầy nhầy. Lũ cá đực cũng cố lách thật nhanh vào, phun ra những dòng sữa trắng đục. Trong lúc đó, những chú cá đá lưng rằn ri, bụng xám bạc, chỉ to bằng ngón tay cái người lớn, bụng cũng no trứng đang tranh nhau với cá lúi. Chúng phóng những cú như tên bắn qua mặt nước, vượt mình lên thửa ruộng cao hơn tìm chỗ nước ít chảy để thực hiện những cú vượt cạn.
Ảnh minh họa |
Đông nhất trong số những chú cá dẫn đường vẫn là cá rói. Loại cá này chuyên sống ở những vùng nước sâu dưới đáy sông. Chỉ mùa này là chúng xuất hiện nhiều nhất và cũng tranh giành chỗ nhiều nhất. Cá rói miệng nhỏ, kỳ đen, hông và bụng màu trắng, vảy nhỏ mịn, to bằng bắp tay người lớn. Đàn cá này đi tới đâu cũng quẫy đuôi tanh tách làm khuấy động mặt nước tới đó. Từng đàn phi thân qua dòng chảy của sông, vượt lũ trông giống như đoàn tàu lặn nhỏ đang tìm đường vào các bãi cạn. Tiếng lào xào lách qua cỏ, làm rung lên, chao động cả một vùng nước ruộng. Chúng rúc vào nhau giành chỗ chỉ để xả trứng như chưa bao giờ được xả. Cứ soi đèn vào những lùm cỏ thấy động là lao vào úp nơm, xúc rổ. Cá và người quần nhau cho đến khi bãi cỏ chỉ còn lại những chùm trứng nổi lềnh bềnh.
Sáng ra, nhà nào cũng có hàng nong cá đầy. Các chị, các mẹ lại ra tay muối cá cho vào khạp sành hay ú đất. Cứ một lớp muối một lớp cá, đậy kín để gần bếp chừng vài tháng là dùng được và có thể để dành dùng cả năm. Khi lấy cá ra, thân cá cứng, thịt đỏ hồng, kho với măng chua, với ớt tươi, gừng lá, làm nên những sản vật quê hương dân dã.
Các mẹ cũng chọn ra những chú cá tươi mang bụng trứng nung núc kho ngay với nước mắm ngon, rắc hành tiêu, nghệ, vài lát gừng sắp lên thân cá, đun nhỏ lửa chừng vài giờ có ngay một trã cá kho ngọt lịm, đưa cơm hết nói gì được.
Những năm gần đây, lũ chỉ xuất hiện trên sông Ba khi đầu nguồn xả lũ. Lũ tràn qua cầu rung lên như muốn nhổ, muốn cuốn đi tất cả những gì ngăn cản nó. Các cửa sông vắng bóng những tay nhá, những người đi bắt cá. Mưa xuống, người dân quê tôi không còn háo hức chờ đợi, mang tơi, xách đèn đi bắt cá như thời cách đây 40 năm mà chỉ biết ngồi tựa cửa nhìn những hạt mưa về, lòng nuối tiếc dòng nước bạc chảy về vô định trong ký ức.
An Sinh