Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mùa mưa cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bạn đã bao giờ đi trong mưa, nhìn mưa, nằm nghe tiếng mưa? Trong những bối cảnh như vậy, cả vô tình hay hữu ý, từ hiện tại hay quá khứ vọng về chắc hẳn sẽ gợi lên trong tâm hồn bạn biết bao xúc cảm, nỗi niềm.

Sau vài trận mưa rào đầu mùa giải nhiệt không gian; rửa trôi bụi bặm, độc tố bốc lên từ lòng đất, tích tụ giữa trời, bám giữ nơi mái nhà, máng xối… thì tắm mưa hẳn không một đứa trẻ nào lớn lên từ đồng bãi, vùng cao hay ven đô thị không từng trải qua. Dưới máng xối ầm ào nước, mái hiên xối xả, giữa trời rào rạt, mưa chùm, trần mình cùng lũ bạn tắm mưa, nghịch nước; tận hưởng cái mát mẻ vô ngần, có thoáng lạnh run người đã và sẽ giữ lại trong mỗi chúng ta kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên, thanh sạch chỉ có ở tuổi thơ.

 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang



Không đợi cơn mưa rào ngừng hẳn, những đứa con trai chưa kịp nhổ giò lớn lên nơi đồng bãi đã áo tơi, nón lá ngư cụ gánh trên vai; cuốc bàn cỡ vừa vầm tay dọc bờ sông bên lở, con suối, bờ ao tiếp nối ruộng đồng đắp bờ đơm cá nước ngược. Chẳng đợi nước lũ về lại với sông, ngư cụ mang theo đón bắt cá nước xuôi. Trong gió mưa rả rích cùng với công việc, có niềm vui hy vọng khi lần giở sẽ nặng đầy đụt (dụng cụ đựng thủy sản làm bằng tre) những cá, cua; cùng man mác nỗi buồn sớm vào cuộc mưu sinh. Có thể nỗi buồn ấy không dành cho mọi đứa con trai cùng cảnh ngộ!

Đồng bằng miền Trung có hẳn mùa mưa lũ. Lũ đầu mùa nước sông đục ngầu, dềnh lên nhanh giữa trời mưa tuôn, chớp lòe, sấm rền. Nhà nông cái thuở trồng lúa nước ba vụ tất tả ra đồng “tranh miếng ăn với ông trời” sản phẩm lúa vụ ba. Những thửa ruộng đồng sâu gié lúa vừa ngả vàng, nặng hạt phải gặt vội, đưa về sân nhà theo kiểu “xanh nhà hơn già đồng”. Những thửa ruộng lúa vừa trổ bông ngơ ngác nhìn màu trời sũng nước, xám đục trút gió mưa, gié lúa chẳng bao giờ chắc hạt vì phấn hoa đã trôi đi cùng nước. Nhà nông ngửa mặt than trời, trách đất! Đói giáp hạt gõ cửa. Tết chạy ăn nắm chắc. Con người còn thiếu cái ăn lấy đâu thóc gạo nuôi heo, gà.       

Lũ đầu mùa, nước đầy lòng sông, nước tràn lên doi đất. Theo chân con nước, cánh đàn ông, con trai tranh nhau bắt lấy những chú dế cơm, dế mèn bò ra từ miệng hang, bò nhanh lên thân bắp khô rốp đã thu hoạch, lên lùm cây, bụi cỏ… Những chú dế bóng mẩy, mập ú được vặt cánh, rứt đầu, rút bỏ ruột, rửa sạch cho vào chảo dầu sôi; những chú dế mập ú nấu cùng thân chuối hột thái ria, có măng tre luộc chín lẩn cùng, rau mùi mấy loại thêm vào ngon miệng hết biết! Dám khẳng định, nhà hàng đặc sản nếu kinh doanh món ăn này sẽ thu hút thực khách không hẳn vì đó là món ngon dậy lên từ ký ức.

Đêm nằm nghe mưa rơi. Tiếng mưa gõ nhịp vào giấc ngủ không trọn, ở độ tuổi “bên kia dốc đời người” là tôi có niềm riêng, nhung nhớ ngậm ngùi. Nhớ về con đường đến trường trơn lầy, ngập nước bì bõm lội thuở xưa. Đường đến trường qua chiếc đò ngang bến Trường Thi cuồn cuộn nước, trông đến dợn người. Bác lái đò tuổi trung niên gương mặt cương nghị quả quyết cầm mái chèo. Anh thanh niên cường tráng cùng chiếc sào tre dài, cứng đặc, mạnh mẽ, chắc chắn từng động tác đưa chiếc đò nương theo dòng chảy cập bờ xa. Hành khách chẳng có áo phao hay dụng cụ cứu hộ cùng nhau “nín thở qua sông”. Vượt khó đi tìm con chữ hay mong nhờ vào con chữ giúp đời mình vượt khó, chúng tôi không biết nữa. Chỉ biết, còn lại là kỷ niệm không quên cho bạn bè cùng lứa nhớ nhau tìm về xóa giận, tìm vui! Chỉ biết mơn man niềm vui mỗi khi ngang qua chiếc cầu xây kiên cố nối đôi bờ cho bến sông quê đẹp hiền hòa, mộng mị mùa nước cạn; mênh mang, hữu ích và thi vị mùa nước lũ.

Không hiểu vì sao, cùng với mưa là tôi lại nghĩ đến những nỗi đời khó nhọc. Hay bởi đội mưa giữa phố phường còn có bao mảnh đời vất vả mưu sinh, có tiếng rao mời hàng quà, chào mua bán những món hàng ướt đẫm tiếng mưa? Còn cả nơi ruộng cạn, đồng sâu, nương xa, rẫy gần lặn ngụp dưới mưa đâu chỉ hình ảnh thân cò…

 

NGUYỄN ĐÌNH PHÊ
 

 

Có thể bạn quan tâm