(GLO)- Đã vài ngày nay, Phố núi Pleiku đón những cơn mưa phùn trong tiết trời se lạnh đầy mây xám. Những hạt mưa dày đặc nhưng nhỏ li ti lả lướt không định hướng, uốn lượn đổi chiều theo từng làn gió nhẹ, trông hệt như động tác tuyệt mỹ của những vũ công belly dance.
Không xối xả như mưa rào, mưa giông đổ xuống đây mấy ngày trước, mưa phùn tạo ra 2 hình ảnh đối ngược. Có khi đi 2-3 cây số không áo mưa thì cũng không ướt sũng người, tóc tai, quần áo lấm tấm hạt như sương, nhưng cộng thêm độ ẩm luôn cực đại cả ngày xem chừng chẳng làm người ta dễ chịu chút nào. Một người đã sống ở miền Bắc bảo, mưa phùn chỉ có ở ngoài ấy, phải đi kèm với gió bấc và lạnh lắm, trong này làm gì có. Theo định nghĩa thì mưa phùn là một hiện tượng ngưng tụ nước thành những hạt nhỏ hơn giọt mưa; thường được tạo ra bởi những đám mây thấp, lượng mưa đo được chỉ vào khoảng 1 mm mỗi ngày hoặc ít hơn. Do kích thước nhỏ của giọt, dưới nhiều hoàn cảnh mưa phùn phần lớn bị bốc hơi trước khi chạm tới mặt đất, do đó có thể không thể quan sát trên mặt đất để phát hiện. Thế thì những cơn mưa nhỏ ở Pleiku mấy ngày qua không phải mưa phùn là gì! Nhưng công bằng mà nói, trong một ngày âm u, có lúc tạnh, có lúc vài cơn nặng hạt, đan xen, điểm xuyết cạnh đó là vài đám mưa bụi ngắn giờ. Mưa phùn Pleiku như thể bát phở Bắc chỉ có bánh, thiếu tái, gân, nạm, sụn...
Mưa phùn bao giờ cũng rơi từ một tầng mây thấp, xám xịt và giăng kín, không chừa một khoảng xanh nào khả dĩ để ông mặt trời để mắt xuống trần gian. Những người lãng mạn thường xao xuyến trước cái khung cảnh mà trong mưa “phố nhỏ càng buồn thêm” (ca khúc “Lạnh trọn đêm mưa”-nhạc sĩ Huỳnh Anh). Khi gió mang chút lạnh se se vào xế chiều, ngoài trời vẫn lất phất, khoác chiếc áo pardessus tản bộ một lúc cho bụi mưa giăng mắc trên mũ, lấm tấm bám vào tóc, rắc trên cái áo khoác thời thượng của thập niên 60, 70 thế kỷ trước. Đến quán cà phê quen, không ngồi ở góc thường khi mà chọn một chỗ nhìn ra cho mưa ngoài hiên gặm nhấm tâm hồn. Đấy là tôi đang gợi nhớ một hình ảnh quen thuộc của một thế hệ từng sống ở các thành phố cao nguyên thuở mới lớn, cực kỳ lãng mạn!
Ảnh minh họa: THẾ DŨNG |
Những người làm nông như tôi vẫn có lúc “yếu lòng” như thế, để những không gian trầm mặc trong mưa phùn làm cho hoang hoải. Nhưng rồi, nhìn cái cây, ngọn rau thì đâm ra chẳng còn thời gian đâu để nghĩ đẹp về mưa phùn như thế nữa. Cứ thử một tuần không chút nắng, dăm ngày mưa, hết rả rích lại bay bay xem, thất thu là điều cầm chắc trong tay. Tất cả đều dừng lại, không tăng trưởng, không phát hoa, không đậu quả trong nguy cơ gục ngã vì quá nhiều nước, trong nguy cơ thiếu hẳn ánh nắng mặt trời để vận hành dinh dưỡng. Mâu thuẫn lợi ích về tinh thần lẫn vật chất nó cứ tồn tại trong mọi ngõ ngách của đời sống. Ai có ví von chuyện “sớm nắng, chiều mưa” theo một ý nào đó không tích cực thì đó lại là điều tuyệt vời, rất tuyệt cho những người làm vườn.
Khi tôi viết đến dòng này, ngoài trời vẫn bay bay những giọt li ti. Khi có chút gió mạnh, những giọt như sương ấy quay quắt phả vào mặt mát lạnh, nhưng vẫn không thể làm ướt tấm mặt bàn bên hiên nhà. Đó đích thị là mưa phùn, đẹp lắm! Rồi dõi mắt ra khu vườn đang ủ rũ, thiếu dáng vươn lên của một ngày nắng bỗng muốn nghêu ngao tiếp những câu trong bài hát đã nhắc đến phía trên: “Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng/Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm/Mưa rơi gác xưa thêm buồn vắng/Phòng côi lắng tiêu điều/Đường xưa vắng đìu hiu...”.
NGUYỄN SƠN