Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Mức án dưới khung hình phạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối cùng bản án cũng đã được tuyên đối với các bị cáo trong vụ tiêu cực đấu thầu thuốc tại Sở Y tế. Tại phiên tòa vẫn còn nhiều khoảng trống trong tranh tụng dẫn đến chưa thực sự tâm phục, khẩu phục trong việc buộc tội. Từ đó, đề nghị mức án của đại diện Viện Kiểm sát dưới mức khung hình phạt và Tòa đã chấp nhận.

Liệu có vi phạm tố tụng?

Đáng chú ý là trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố khẳng định: Ngoài bị cáo Phùng Xuân Quýnh phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, 8 bị cáo còn lại đều phạm tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Luật sư Lê Hồng Nguyên-người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Đặng Đức Châu cho rằng, theo đề nghị của Cơ quan Điều tra, ngày 12-8-2011, Bộ Y tế cho thành lập Hội đồng giám định thiệt hại.

 

Bị cáo Quýnh và các bị cáo nói lời sau cùng. Ảnh: L.V.N

Cùng ngày 12-8-2011, Bộ Y tế lập danh sách những người có tên trong Hội đồng giám định đề nghị Bộ Tư pháp công nhận là giám định viên. 6 ngày sau (18-8-2011), Bộ Tư pháp mới ra quyết định công nhận thành viên có tên trong Hội đồng giám định là giám định viên. Như vậy, các thành viên của Hội đồng giám định lúc đó chưa phải là giám định tư pháp nên chưa đủ tư cách pháp lý. Về quan điểm này, đại diện VKS cho rằng đây là trưng cầu giám định theo tính chất vụ việc không vi phạm tố tụng.

Tương tự, ngày 25-8-2011, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai cũng đã ra quyết định trưng cầu giám định tài chính. Lúc đầu có 3 thành viên thuộc Sở Tài chính tham gia nhưng sau đó một thành viên từ chối và được Cơ quan Điều tra chấp nhận bằng công văn (không phải quyết định). Biên bản kết quả giám định vẫn thực hiện với 2 người ký. “Đó là chưa kể trong kết luận không đề cập đến phương pháp giám định từ đó không xác định rõ kết quả giám định đủ độ tin cậy hay không. Mặt khác, khi tôi hỏi đại diện của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh là đơn vị lấy tiền “trong túi” ra trả cho các cơ sở y tế công lập, tiền nào trong số tiền thanh toán bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm các bị cáo thì ông Đoàn Ngô- Phó Giám đốc BHXH tỉnh trả lời ỡm ờ.

Hơn nữa, trong phiên tòa này không xác định người bị hại mà BHXH tỉnh được triệu tập chỉ với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, tôi không tán thành cáo trạng và phần luận tội của đại diện VKS”-Luật sư Nguyên tranh luận. Ngược lại, đại diện VKS tranh luận vẫn không đủ sức thuyết phục và cho rằng giám định viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định nên biên bản giám định tài chính chỉ có 2 thành viên vẫn không vi phạm tố tụng.

Chưa rõ động cơ trong nhóm tội cố ý

Đối với nhóm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mà bị cáo Phùng Xuân Quýnh bị truy tố, Luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) lúc đầu bào chữa cho rằng bị cáo Quýnh không phạm tội sau đó lại đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và không chấp nhận thuộc mức “đặc biệt nghiêm trọng”.

Song, kiểm sát viên Trần Công Hùng phản bác: “Với trách nhiệm là Giám đốc Sở, bị cáo Quýnh đã buông lỏng quản lý; nếu quản lý chặt chẽ thì không để xảy ra trong thời gian dài 3 năm; để cho bị cáo Hiếu đem máy tính có dữ liệu xét thầu và USB có dữ liệu xét thầu về nhà. Bản thân bị cáo Quýnh vào ngày 12-5-2008 đã ký Tờ trình số 37/TT-STY đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu thầu, trong đó có 6 mặt hàng gây thiệt hại ngân sách trên 2,9 tỷ đồng. Cho nên VKS đề nghị ở mức 18 đến 24 tháng là có căn cứ”.

Trong khi đó, ở nhóm tội cố ý, các luật sư đều đồng tình với Luật sư Nguyên là VKS chưa chứng minh được các bị cáo Nhân, Châu, Liên, Thư có động cơ, mục đích vụ lợi. Đây là dấu hiệu cơ bản để cấu thành tội này. VKS cũng chưa xác định sai ở giai đoạn nào, sai ở đâu và các bị cáo chỉ thừa nhận mình chỉ biết sai khi có kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh trong 3 năm (2008-2010) về kết quả xét thầu.

Do đó, việc nhận định nhóm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với một số bị cáo là chưa phù hợp. Hơn nữa, theo lập luận của bị cáo Bùi Ngọc Thư, cần phải xem lại lỗi có thể do bảng dữ liệu ứng dụng phần mềm chương trình Exel do bị cáo Hiếu lập. Đồng thời, kết quả giám định tài chính trên lĩnh vực dược do Sở Tài chính thực hiện là không phù hợp vì cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương thuộc Cục Quản lý Dược, còn ở địa phương phải ngành Y tế thực hiện. “Bản thân tôi nếu quen biết nhà thầu tôi cũng không gửi danh mục thuốc tham gia thầu vì còn cả hội đồng xét thầu.

Tôi cũng không có khả năng làm điều đó sao lại truy tố tôi tội cố ý”-bị cáo Thư bức xúc ở phần tranh luận. Trong khi đó, VKS Trần Công Hùng cho rằng đây là vụ án đồng phạm đơn giản với tất cả những người trong tổ chuyên gia xét thầu là thực hiện hành vi. Còn có vụ lợi hay không thì các bị cáo mới rõ, động cơ chỉ là yếu tố định khung hình phạt…

Mặc dù quan điểm luận tội và gỡ tội giữa đại diện VKS và luật sư có những lúc gay gắt, trái chiều nhưng Hội đồng xét xử vẫn tuyên án. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, trong đó có việc bị cáo Nguyễn Công Nhân không trực tiếp tham gia xét thầu; bị cáo Lê Khánh Lân có phản đối vào tổ chuyên gia xét thầu nhưng bị cáo Quýnh yêu cầu vào tổ chuyên gia và nói “các anh làm đi có gì tôi chịu trách nhiệm” nên Hội đồng xét xử chuyển tội danh từ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Nguyễn Công Nhân và bị cáo Lê Khánh Lân…

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm