Phong vị tết

Mùi hương kỷ niệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mạ tôi suy nghĩ chừng lung lắm rồi quả quyết rằng, bánh gừng hoàn toàn được làm từ bột nếp rây mịn, qua ba ngày ba đêm ủ trong thúng ba ang với lá thầu đâu mà không hề dùng một loại men nào.
 

Hương xuân bên thềm nhà. Ảnh: X.H
Hương xuân bên thềm nhà. Ảnh: X.H


Có thể ở tuổi ngoài tám mươi, ký ức mạ đã quên đi nhiều thứ nhưng tôi tin chắc rằng, khi kể cho tôi nghe cách làm loại bánh gừng, mạ tôi đã chắc như in. Điều đó thật kỳ lạ, vì với một người cũng tập tành làm được mươi mười loại bánh cả Á lẫn Âu, tôi lại không chắc mình có thể làm được món bánh có công thức đơn sơ mà đẹp đẽ ấy.

Giờ đây, sơn thôn Lộc Yên (Tiên Phước) không còn phổ biến loại bánh gừng mỗi mùa lễ tết nữa, nhưng thức bánh dân dã ưa nhìn ấy từng là niềm tự hào đầy “bí quyết” của những mẹ, những chị quê tôi từ mấy mươi năm trước.

Khác với bánh gừng truyền thống của người Chăm nay vẫn còn nhiều tại các vùng Ninh Thuận, Phan Rang, bánh gừng Lộc Yên y hệt củ gừng sống động được làm từ nếp giã cối, rây mịn, phơi sương, ủ lá thầu đâu rồi mới đem đi nướng. Mà cầu kỳ nhất là nồi nướng bánh gừng, nó buộc phải là cái nồi đồng hai quai, trên dưới rải dày một lớp sỏi nhỏ.

Từ giữa Chạp, mạ tôi đã đi lượm những viên đá vừa đầu ngón tay ở lòng suối ngang qua xóm Bàu. Những ngày có nắng hiếm hoi, nia sỏi mạ phơi ngoài sân thường đem lại cho tôi một đợi chờ kỳ lạ. Nó chẳng có mùi gì mà vẫn như đượm biết mấy hương thơm. Có lẽ hương thơm ấy chính là tấm lòng thơm thảo của người mẹ sơn dã những mong ngày tết có thêm chút vị của đủ đầy, xoay xở.

Chỉ từ nếp, vô vàn sự sáng tạo đã bày ra bao nhiêu thức vị để đón chào một mùa xuân đang tới. Nếp gói bánh chưng, nếp làm bánh tét, bánh tro, bánh ú, bánh ít thôi chưa thấy đủ, nếp ấy phải cầu kỳ hơn bởi bánh khảo, bánh in, bánh lăn, bánh dện hộc, bánh gừng…

Thật kỳ lạ, không có công thức nào cân đếm từng gram như tôi đang làm các loại bánh bây giờ. Bánh ấy, chỉ có thể được đong bằng tình thương, rồi gìn giữ nó từ năm này sang năm nọ, đời này tiếp truyền đời kia cho đến khi những đứa trẻ như chúng tôi bị cuốn đi bởi cơn gió thị thành.

Giờ đây, nhiều món ngon “quê hương” có thể mua được bằng tiền nhưng phong vị của nó, cái khao khát mong mỏi đợi chờ những mùi những màu từ đôi bàn tay mẹ đã gần như không còn nữa.


 

Bánh gừng Lộc Yên. Ảnh: Thanh Thảo
Bánh gừng Lộc Yên. Ảnh: Thanh Thảo


Tôi vẫn cố ghi nhớ niềm tiếc nuối âm thầm ấy vào những ngày cận tết, bận rộn giữ bếp trong nhà có mùi hương bay lên từ vài loại bánh mứt đơn giản. Và lần nào cũng như lần nào, vừa sên mứt, muối thịt, làm củ kiệu, tôi cùng những đứa trẻ vui vẻ nhắc lại một cách lộn xộn nhiều câu chuyện từ ký ức rời của mấy mươi năm trước.

Thật kỳ lạ, chưa bao giờ đôi mắt chúng ngừng xoe tròn dù chuyện ấy, món ấy, người ấy, đêm trừ tịch ấy… đã gần như quen thuộc. Có lẽ, trong ngôn ngữ hữu hạn, có một tình thương đã xuyên thấu tim tôi nên mỗi lần hồi ức, mùi bánh gừng vọng lên sâu thẳm, mùi bánh khảo dịu dàng, mùi bánh dện hộc ngai ngái vẫn như vừa mới làm xong, thòm thèm nhắc nhớ.

Thầy tôi dạy rằng, mỗi khoảnh khắc đời sống đều mang phút giây chuyển giao của đêm trừ tịch, sat-na vừa hiện diện bỗng chốc đã trở thành quá khứ. Nhưng trong tâm thức con người, đặc biệt từ truyền thống phương Đông, ngày tết, vị tết, màu tết, mùi tết vẫn trở nên thơ mộng hơn, gợi nhớ hơn, lay động hơn.

Có lẽ, quãng thời gian kỳ diệu ấy đã dung dưỡng trong mỗi người ám gợi của tồn tại nhân sinh, để càng dài hơn những bước chân trên đường đời, con người càng muốn hồi ức nhiều hơn trong bầu trời kỷ niệm.

Và những bước chân vội vã của anh em chúng tôi, trước giờ giao thừa, nắm tay nhắm mắt chạy trên đường vắng Lộc Yên, rộn rã tiếng cười nói, cứ như thể như vừa năm ngoái…

Theo THANH THẢO (QNO)

Có thể bạn quan tâm