(GLO)- Tượng trưng cho sự tròn đầy, sung túc nên vào dịp Tết cổ truyền, trên mâm cỗ cúng tổ tiên của người Tày ở làng Pơ Nang (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) không thể thiếu món khâu nhục.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu xuân mới, chúng tôi đến làng Pơ Nang để “mục sở thị” món ăn ngày Tết của người Tày nơi đây. Dù định cư trên vùng đất mới từ hàng chục năm nay nhưng bà con vẫn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là nét ẩm thực ngày Tết cổ truyền. Trong đó, món khâu nhục không thể thiếu trong mâm cỗ cúng tổ tiên và thết đãi mọi người.
|
Trong mâm cỗ ngày Tết của người Tày ở làng Pơ Nang (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) không thể thiếu món khâu nhục để thiết đãi mọi người. Ảnh: R'Ô HOK |
Dịp Tết này, trên mâm cỗ của gia đình ông Hoàng Văn Soạn (SN 1969, làng Pơ Nang), cùng với bánh chưng, xôi ngũ sắc, thịt heo gác bếp… thì còn có một đĩa khâu nhục. “Ngày Tết người Tày hết sức coi trọng việc chế biến món ăn, bày biện mâm cỗ cúng tổ tiên nên hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Đặc biệt, nhà nào cũng phải nấu món khâu nhục”-Ông Soạn bày tỏ.
Bên mâm cơm ấm cúng, ông Soạn nhớ lại “lai lịch” của món ăn độc đáo này. Ông kể: Cứ vào dịp Tết cổ truyền, nhà vua và quan viên địa phương thường xuống các làng để thị sát. Tất cả mọi người trong làng đều phải cống nạp cho nhà vua sơn hảo hải vị để bày tỏ lòng thành kính. Thế nhưng, trong làng có một bà cụ sống cô đơn, nghèo khó nên rất lo lắng vì không biết lấy gì để dâng tặng cho vua. Vật giá trị nhất trong nhà chỉ còn một con heo nên bà đành mổ thịt và chế biến thành món ăn. Bà đã khéo léo kết hợp các loại thực phẩm và nấu thành món khâu nhục. Trước vô số cao lương mĩ vị nhưng món ăn ấy được vua khen ngợi. Bà lão nghèo khổ cũng được đón về cung để làm đầu bếp cho nhà vua. Cũng từ đó, món khâu nhục được lưu truyền và biết đến nhiều hơn.
|
Món khâu nhục của người Tày. Ảnh: R'Ô HOK |
Ông Soạn chia sẻ: “Để nấu món khâu nhục ngon phải trải qua nhiều công đoạn chế biến. Trước tiên, nguyên liệu bắt buộc phải là thịt heo ba chỉ tươi, nấm tai mèo, trứng vịt, hạt mắc khén, hạt dổi. Theo đó, thịt được luộc chín và để nguội rồi đem rán ngập trong chảo dầu sôi. Sau đó, tiếp tục ngâm với nước sôi khoảng 15 phút để cho thịt mềm. Nấm tai mèo thái mỏng, hạt mắc khén, hạt dổi giã nhuyễn trộn đều với 4 lòng đỏ trứng vịt. Thái lát mỏng thịt ba chỉ đã ngâm mềm, tẩm ướp với hỗn hợp gia vị trên rồi bày vào bát sứ, úp lại thành hình tròn đem đi hấp cách thủy khoảng 40 phút. Khâu nhục có độ dai giòn của nấm tai mèo hòa quyện với vị béo ngậy của thịt và trứng, vị thơm mát, cay cay đặc trưng của hạt dổi, hạt mắc khén, rất hợp để ăn cùng cơm nóng. Bất cứ ai thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không bao giờ quên.
Bà Ngân Thị Thanh (làng Pơ Nang) cho biết: Phần lớn người Tày ở làng Pơ Nang di cư vào Tây Nguyên đều gìn giữ nhiều món ăn độc đáo mang hương vị của núi rừng vùng cao. Trong đó, món khâu nhục được truyền lại cho con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác, không thể thiếu trong mâm cỗ. Dù mỗi vùng có cách chế biến khác nhau nhưng đều tựu trung mang ước mong về một năm mới sung túc và an lành.
R’Ô HOK