Phong vị tết

Nguồn gốc và ý nghĩa của tục tắm Tất niên vào chiều 30 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vào chiều 30 Tết, mọi người thường mua lá mùi già về đun nước tắm - điều này đã trở thành truyền thống từ xưa và được lưu giữ đến ngày nay. 
Nguồn gốc của tục tắm Tất niên
Không ai biết tục này ra đời từ bao giờ nhưng theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, tục tắm Tất niên có ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước, từ cung vua, phủ chúa đến chốn dân giã, bình dị. Thậm chí, nó là điển lễ không thể thiếu của vua chúa ngày xưa. 
Theo sách "Lê triều hội điển", vào thời Hậu Lê có quy định về "Lệ hầu tắm". Theo đó, nghi lễ tắm tất niên của chúa Trịnh được tiến hành bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp với sự chuẩn bị chu đáo và chính thức diễn ra vào ngày 29 tháng Chạp. Hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, có lễ hầu tắm. Quan Binh phiên vào báo trước cho Tiểu giám sáu cung và quan binh các cơ đội thuyền, Thể sát, Thị hầu đều mặc áo mũ bằng gai, chiếu theo bản đồ xếp hàng thứ tự.
Ngày 29, mười hai cơ hiệu Thị hầu xếp hàng, sau giờ Ngọ sai đi tuần xem xét trước, chờ nghe hiệu trống thì đem binh lần lượt tiến vào. Quan Đề lĩnh giữ phủ, vào buổi tối đem quân đến túc trực.
Sớm hôm đó, đội Nghiêm nhất đánh một tiếng trống, đội Bả môn mở cổng. Binh Thị vệ tiến vào. Hiệu Thị trung đánh trống nghiêm lệnh, các hiệu lần được đánh trống, rước chúa ngự đến lầu thay áo.
Kiệu nhất gõ chiêng báo thu quân về cung, truyền cho các quan Thân huân và hiệu cung Thị hữu, Thị hậu rước chúa cởi áo tắm gội. Đội Nhưng nhất, Kiệu nhất ngồi nghỉ.
Quan văn võ các hiệu lần lượt tiến đến điếm chầu, chờ truyền đánh trống tiên nghiêm. Hiệu Tiền phát lệnh đi đứng cho hồi quân. Đội Nhưng nhất đánh trống tiến trước, rước chúa lên xe về cung. Quan Binh phiên vẫy quạt, Binh thị hầu tề chỉnh hô to, xong lần lượt đi ra.
Sách "Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII" đã ghi lại lời thuật của một giáo sĩ phương Tây về lệ tắm tất niên của vua Lê: “Từ ngày 30 Tết đã có 3.000 lính đứng trực trên những con đường mà vua đi qua. Chiều ngày 30 Tết, vua ngự ra sông tắm tất niên để sáng mồng 1 đầu năm các đại thần vào chúc Tết”.
Tục tắm Tất niên tiếp tục được các bậc đế vương nước Việt đời sau duy trì. Triều đại nào cũng xem như một điển lễ không thể thiếu.

Cây mùi già dùng để tắm trong ngày 30 Tết. Ảnh: Tạ Quang
Cây mùi già dùng để tắm trong ngày 30 Tết. Ảnh: Tạ Quang
Tắm Tất niên đã trở thành thói quen được duy trì đến nay
Cũng theo sách "Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII", người Việt coi việc tắm nước lá chiều cuối năm như một thứ nghi lễ. Cùng với việc mua sắm đón tết, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì các bà mẹ thường không quên nấu nước tắm cho cả gia đình trong ngày 30 Tết.
Con người chúng ta sau một năm vất vả và vướng bẩn bụi trần ai cũng muốn thân thể mình sạch sẽ, gột rửa đi mọi ưu phiền của năm cũ để chào đón một năm mới với nhiều thành công và niềm vui mới. Mùi thơm của nước tắm tạo cảm giác thư thái và khi tắm người ta thấy dường như không chỉ thân thể được sạch sẽ, tâm hồn cũng được “thanh tẩy” trở lên sảng khoái, tinh khiết hơn.
Loại cây được người Việt chọn nhiều nhất là cây mùi già. Bó mùi già với quả, hoa được cho vào nồi nước đun sôi lên tạo nước xanh với hương thơm tỏa ra một mùi thơm ngát rất dễ chịu.
Người xưa quan niệm rằng mùi thơm đó có ý nghĩa đẩy lùi và rửa sạch những điều không tốt của năm cũ trên thân thể để đón chào năm mới với những điều tốt lành. Rau mùi già khi đun sôi sẽ có mùi thơm ngát, tạo cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng trước thời khắc giao thừa.
QUỲNH CHI (LĐO)

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/nguon-goc-va-y-nghia-cua-tuc-tam-tat-nien-vao-chieu-30-tet-999877.ldo

Có thể bạn quan tâm