Phong vị tết

Người Việt ăn tết, chơi xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ “tết” bắt nguồn từ từ “tiết”, chỉ thời điểm chuyển đoạn mang tính chu kỳ của thời tiết/khí hậu. Các cư dân làm nông dựa theo các tiết khí, theo sự biểu hiện của thời tiết, khí hậu, như: nhiệt độ, độ ẩm, nắng, mưa, gió, bão... liên quan đến sự phát triển của cây trồng, vật nuôi để định nông lịch.

Tết Nguyên đán, từ bao giờ?

Ở một số thời điểm nhất định trong các tiết, người dân thực hiện các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau gọi là tết - đều tính ngày theo lịch ông trăng - Tết Nguyên đán (1-1), Thanh minh (3-3), Đoan ngọ (5-5), Trung thu (15-8), Trùng cửu (9-9)... Đối với một bộ phận cư dân trên thế giới, trong đó có người Việt (Kinh), Tết Nguyên đán (nguyên là bắt đầu, đán là buổi sớm mai) là quan trọng nhất vì khởi đầu năm mới.

Cho tới nay, chưa ai xác định được người Việt (Kinh) “ăn” Tết Nguyên đán từ bao giờ. Các nhà sử học vẫn thường nói vào thời đại Đông Sơn, là thời kỳ mà nền văn hóa của các tộc người ở Đông Nam Á phát triển tương đồng và rực rỡ nhất. Có cơ sở để nghĩ rằng cũng giống như các cư dân nông nghiệp khác ở Đông Nam Á, cha ông ta cũng ăn tết vào dịp kết thúc một chu kỳ nông nghiệp cũ và sắp mở đầu cho một chu kỳ nông nghiệp mới, nghĩa là tết diễn ra ở giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa.

Vậy cha ông ta đã ăn Tết Nguyên đán từ bao giờ? Khởi nguyên bên đất Trung Hoa, thì Tết Nguyên đán cũng mãi sau này, thời nhà Hán (206 TCN-221 sau CN) mới ổn định luôn tới nay. Còn người Kinh (Việt) theo ảnh hưởng văn hóa Hán thì ăn Tết Nguyên đán từ bao giờ vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp rõ ràng.

Lễ và hội tết

Dân gian vẫn thường nói “No 3 ngày tết, ấm 3 tháng hè”. Tết, theo truyền thống, chỉ có 3 ngày. Sau lễ “tất niên” vào tối 30 tháng chạp, tết chỉ kéo dài 3 ngày: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Thông thường tối 30, gia chủ rước tổ tiên về ăn cơm “tất niên” để tạ ơn, thờ phụng và chăm nom trong 3 ngày, sau đó đến ngày mồng 3 làm lễ tiễn đưa “ông bà ông vải”. Ngoài mâm cỗ, các gia chủ còn dâng tặng ông bà tổ tiên những thứ mà mình kiếm được trong năm, nhất là gạo và tiền (trước đây là tiền thực chứ không phải “hàng mã” như bây giờ).

Lễ hết mới đến hội, là “chơi xuân”. Nhưng chơi xuân cũng không được quên một phần việc hết sức quan trọng: tảo mộ - sửa sang, tu bổ phần mộ tổ tiên. Chính trong dịp này, các cụ cao niên trong dòng họ sẽ chỉ bảo và truyền lại cho con trẻ đâu là mộ tổ tiên thuộc đời nào, công đức của các cụ ra sao...

Nhờ vào lệ tục dân gian này mà các họ ít bị mất mộ họ hàng, nhất là “mộ tổ”. Việc tảo mộ phải kết thúc trước 14 tháng giêng, vì vào 14 hoặc 15 tháng giêng là họp họ tế tổ tại nhà thờ họ. Vậy mới có câu “Cả năm được rằm tháng bảy/Cả thảy được rằm tháng giêng”. Đây là hai lễ tế lớn nhất tại nhà thờ họ trong một năm.

Sau đấy là chơi xuân. Và với đa phần dân gian những người lam lũ quanh năm mà vẫn canh cánh lo cái ăn cái mặc thì tháng giêng là một tháng thật dài: “Tháng giêng ăn nghiêng bồ thóc” - sau tết là đến thời kỳ giáp hạt. Cái tinh thần: “Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh” xưa kia có lẽ chỉ tồn tại ở tầng lớp trên - tầng lớp thấm đậm văn hóa phương Bắc. Tập quán chơi thanh minh phổ biến trong dân gian như bây giờ có lẽ được hình thành muộn hơn nhiều.

Mùa sinh sôi

Mọi dân tộc trên thế giới đều chọn sự chuyển đoạn từ mùa đông sang mùa xuân (với những nơi có 4 mùa), hoặc từ mùa khô sang mùa mưa (với những nơi 2 mùa) để làm mốc một năm. Và tết năm mới chính là ngày đầu tiên của sự chuyển đoạn ấy. Vào thời điểm này, ở mọi nơi trên trái đất, cỏ cây hoa lá đều đâm chồi, nảy lộc, muông thú sinh sôi, muôn loài nẩy nở...

 

Niềm vui gia đình ngày tết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Niềm vui gia đình ngày tết. Ảnh: Dũng Phương


Ở Việt Nam, vào lúc đất trời chuyển đổi mùa đông sang mùa xuân (miền Bắc), mùa khô sang mùa mưa (miền Nam) cũng là lúc mùa màng đã xong, một chu kỳ nông nghiệp đã kết thúc. Trong nông lịch, các dân tộc thiểu số bao giờ cũng có 2-3 tháng nghỉ ngơi, chủ yếu để tổ chức các nghi lễ tạ ơn đất trời đã cho mùa vụ tốt tươi và nhớ về tổ tiên...

Trước đây, khi nông nghiệp chỉ “mỗi năm một vụ”, thời gian “nông nhàn” kéo dài hết mùa khô; cuối mùa khô người ta mới làm lễ xuống đồng để bắt đầu một chu kỳ nông nghiệp mới. Tại khu vực núi rừng, trong cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số, “tết” là cả một khoảng thời gian kéo dài, những ngày lễ chính đôi khi chỉ được ấn định theo các hiện tượng tự nhiên trong khu vực mà họ cư trú. Ví dụ, khi thấy hoa ban nở là người Thái ăn tết, còn khi thấy hoa pơ lang (hoa gạo) nở là dân Tây Nguyên ăn tết...

Về các hoạt động của tết, quan sát các lễ thức trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt (Kinh) hiện tại, ta thấy đậm đặc tín ngưỡng nông nghiệp về thần nông và tập tục thờ phụng tổ tiên.

Nhưng nhìn rộng ra chuỗi hoạt động trước và sau tết, chúng ta có thể mường tượng đấy là những công việc mà nhà nông phải thực hiện vào lúc nông nhàn. Trước tết thì lo xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà cửa, hỏi vợ, gả chồng cho con, chăm sóc hoặc xây mồ mả cho ông bà tổ tiên... Sau tết thì đắm mình vào chuỗi lễ hội - vừa như là người tổ chức thực hiện, vừa như là người hưởng thụ. Khi kết thúc chuỗi hội lễ mùa xuân thì chuẩn bị vốn liếng và nông cụ cho một mùa vụ mới.


Trở lại với vấn đề tết trong cuộc sống đương đại, không phải không có lý do khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào quá trình phát triển chung của thế giới gần đây, đã phát sinh 2 luồng ý tưởng trái ngược nhau về tết: Một nhóm luôn chủ trương duy trì Tết Nguyên đán; nhóm khác mong muốn ưu tiên cho sản xuất để nhân dân ta hướng tới một cuộc sống thịnh vượng... lại đề xuất nhập tết ta vào tết tây - nghĩa là chỉ “ăn” một tết.


PGS-TS NGUYỄN DUY THIỆU, Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
 

(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm