Phong vị tết

Tết nhớ quê nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Năm nay, tết sắp đến, cả gia đình tôi đang hối hả dọn về căn nhà mới xây.

Tôi gần như reo hò khi bước vào căn phòng ở lầu 2 dành cho mình, ngó sang hàng xóm thấy cả một vườn mai.

Chắc họ chăm sóc những chậu mai hoa này cả năm qua, chờ đến dịp tết sẽ mang đi ra chợ hoa để bán. Những cành khẳng khiu, điểm xuyết vài bông hoa mai vàng rực rỡ. Đúng là mùa xuân phương Nam.

Đã trải qua 38 mùa xuân ấy, vậy mà tôi chỉ có một lần đón tết ở quê Bắc. Tôi nhớ về một cái tết giá rét, đã gần 20 năm.

 

 Mâm cỗ ngày tết có đầy đủ các món Bắc - Trung - Nam
Mâm cỗ ngày tết có đầy đủ các món Bắc - Trung - Nam


Tôi khi ấy vừa tròn 20 tuổi, một cô sinh viên tươi vui, chưa một lần biết đến Tết Bắc. Trong khi đó, bố mẹ tôi đều là dân miền Bắc. Mỗi xuân về, bố mẹ đều bịn rịn nhắc về quê hương, về miền Bắc. Và năm đó, tôi nhớ mẹ đã quyết định về quê ăn tết, đầy háo hức như thế nào. Mẹ tôi bồi hồi bảo: “Về quê với mẹ nhé con gái. Ở quê mình tết vui lắm, đoàn tụ đoàn viên, sẽ gặp mọi người. Về dịp này là đầy đủ các cô các bác các cháu”.

Tôi thì ngơ ngác, nhưng cũng gật gù: “Về quê ăn tết là đúng đạo rồi mẹ à. Bạn bè con năm nào cũng về quê đấy thôi. Quê nhà mình xa quá, lâu thật lâu mới được về”. Ôi quê hương mà tôi chưa từng về tết lần nào.

Tết quê thật lạnh, phải gọi là giá rét. Mọi người đều mặc áo ấm dày cộm, xát đôi bàn tay vào nhau, hít hà, nói và thở đều ra khói. Nhà nào cũng có cái radio, để ở tủ thờ, để nghe dự báo thời tiết cho ngày hôm sau. Đã lạnh rồi nên sợ nhất là nghe tin dự báo có mưa phùn.

Khiếp! Có khi còn mưa liền 2-3 ngày. Đường đất bùn lấm lem, lạnh run cầm cập nếu có chuyện phải đi ra đường. Thời tiết miền Bắc thật là không vừa lòng người chút nào. Nhưng bù lại, những thức trái cây, rau củ thì rất thích. Chỉ cần đi ra khỏi nhà, một đoạn ngắn là thấy những ngôi nhà, bao xung quanh là những luống xà lách xanh mơn mởn. Rau xà lách tươi ngon, thêm bát canh cá (cá đánh bắt từ cái ao trước nhà), thêm nhúm thì là thơm lừng, một bát bún, nóng hôi hổi, thế là sẽ có bữa ăn quá thiên nhiên.

Ở TP, cái gì cũng có nhưng tất cả đều không còn tươi xanh như thế này, từ những củ khoai tây, khoai lang, bắp cải, su hào… Rau củ ở quê đặc biệt tươi và ngọt, vị ngọt của đất trời. Cứ bỏ một miếng rau củ vào miệng, nhai chầm chậm, hương vị tan ra trên đầu lưỡi, đấy cái khoái chí được ăn tươi ngon là vậy. Ở quê, không cần phải đi chợ, đi siêu thị làm gì. Lương thực ở ngay trước nhà, ở sau vườn, ở kế bên nhà, tất cả chỉ cần bước vài bước là có ngay.

Gian bếp lúc nào cũng đỏ lửa, âm ỉ cả ngày. Chiếc ấm nước sôi đen kịt do khói lửa cứ thoăn thoắt được chế nước đặt lên bếp rồi chờ sôi, nhắc xuống. Nước sôi được đun liên tục, để rửa mặt, đánh răng, để uống, để tắm…

Nhà bác ở quê chưa có máy nước nóng như ở TP. Ai cũng muốn rúc vào gian bếp, để ấm áp, rồi còn nướng khoai. Còn gì thú vị hơn. Những củ khoai bị nướng cháy xém vỏ bên ngoài, bửa ra vàng thanh, hơi nóng tỏa ra, thơm phức. Tôi đôi khi cứ xin bác khoai và nướng, ăn không hết nhưng cứ thích nướng khoai, cho vui. Mọi người tụ tập trong gian bếp, ăn khoai nướng và trò chuyện rôm rả.

Tết ở quê, mọi người đi làm ăn xa hay đi học đều trở về. Nhà ở TP xây cao, tường bao bọc, ra đường mặt ai cũng lạnh băng. Ở quê thì khác, chỉ cần bước ra ngõ là gặp người quen, mọi người hồ hởi cười chào, hỏi thăm nhau. Tôi nghĩ có lẽ nguyên cả làng này ai họ cũng quen biết. Về quê tình nghĩa là chính, tiếng chào cao hơn mâm cỗ. Dù là người ít nói, nhưng về quê, hòa nhập với mọi người ở đây, tôi trở nên mau miệng lạ thường, cũng vui vẻ hỏi thăm bất kỳ ai mà mình gặp. Tự dưng tôi lại thấy hài lòng, hân hoan vì điều này.

Đón tết ở quê thích thật. Vừa được ăn ngon, được ngủ ngon, còn được đoàn viên với họ hàng, người quen. Một năm chỉ có một dịp thế này. Suốt cả năm làm việc, học tập vất vả, ngược xuôi với đời, vậy mà khi cuối năm, mọi người mở lòng với nhau hơn, cùng nhau hội tụ ở miền quê này. Tết quê ấy khó mà quên.

Theo Vũ Lam Hiền (TNO)

Có thể bạn quan tâm