Phóng sự - Ký sự

Mưu sinh trên đầm An Khê: Nghệ thuật lưới lùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 có nói về đầm Cẩm Khê (nay là đầm An Khê). Theo đó, tiền thuế đầm An Khê cao hơn hẳn các đầm khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Điều này cho thấy từ xưa lượng cá tôm nơi đây khá dồi dào.
Giúp nhau trong gian khó
Những bô lão ở các làng ven đầm An Khê hào hứng kể về sự phong phú cá tôm và tấm lòng hào hiệp của người dân quanh vùng. Thuở 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đức Phổ (Quảng Ngãi) là vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng. Người dân tự do làm ăn, buôn bán, trao đổi hàng hóa trên quê hương thanh bình.
Ngày ấy, nhiều người ở khu vực Nam Trung bộ tản cư đến vùng đất Phổ Khánh để tránh bom đạn khi quê hương bị quân thù giày xéo. Cư dân sở tại nồng nhiệt đón tiếp, giúp đỡ những người sa cơ lỡ vận phải cất bước tha hương. Họ sẵn lòng cho vào ở chung trong căn nhà gia chủ đang cư ngụ. Với những ngôi nhà nhỏ nhiều người sinh sống chật chội, chủ nhà cho khách phương xa mượn thửa đất trong vườn dựng mái nhà che nắng mưa.

Hội đua ghe trên đầm An Khê. Ảnh: Ngọc Hàn
Mọi người san sẻ cho nhau từng mủng lúa, rổ khoai làm ấm lòng thời cơ cực. Họ cùng nhau chèo thuyền giăng lưới bắt cá trên đầm cho bữa cơm thêm dưỡng chất.
“Lúc đó, tôi đã lớn nên biết rõ sự việc xảy ra trên quê hương mình. Bà con ở đây đối xử rất tốt với những người ở phương xa đến. Mọi người sống chan hòa, vui vẻ lắm. Họ cùng nhau trồng khoai, cấy lúa, thả lưới bắt cá...”, cụ Nguyễn Tấn Dưng (90 tuổi, ở thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh) nhớ lại.
“Bài binh bố trận” để lùa cá
Ông Lê Tiểu, ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi), hào hứng kể việc hành nghề lưới lùng đánh bắt cá tại đầm An Khê thời bao cấp. Nhóm của ông gồm 10 người do 2 bậc cao niên nhiều kinh nghiệm chỉ dẫn và cùng tham gia đánh bắt. Tầm tháng 6 âm lịch hằng năm, họ dùng 2 xe đạp thồ chiếc thuyền khá lớn vượt hơn chục cây số đến bờ đầm. Tầm 1 giờ sáng, họ nhóm lửa thổi cơm và ăn uống trước khi xuống đầm bắt cá.
Cả nhóm “bài binh bố trận” lùa cá vào trong vòng lưới. Hai người giăng 2 tấm lưới hình chữ V hướng vào bờ ở khu vực nước sâu đến ngực. Họ thận trọng dùng chân giậm mép lưới bên dưới lún xuống bùn cát để cá khỏi luồn ra ngoài. Những người còn lại tiến theo đội hình chữ V đối diện, hướng ra xa bờ. Họ dùng thanh tre già ở phần gốc vót láng bóng, dài cỡ 2 sải tay, cong tựa chiếc đòn gánh đập mạnh xuống nước xua cá vào gần lưới. Những con cá tinh khôn không bơi vào lưới mà bất chấp hiểm nguy chạy ngược ra ngoài, vượt qua những thanh tre đang đập mạnh xuống nước. Dân lưới lùng gọi là cá “thối lao”.
Hai bậc cao niên giăng tiếp đôi lưới tạo thành 2 vòng vây cá vào bên trong khi chúng gắng sức tìm cách thoát ra ngoài. Rồi họ cùng nhau dùng nơm, vó úp bắt cá giữa những tiếng reo đầy phấn khích vang vọng cả mặt đầm. Lũ cá hốt hoảng chạy loạn xạ đâm cả vào chân lẫn bụng và ngực, tung mình lên khỏi nước đập vào mặt người. Cá chép gắng sức vẫy vùng, dộng đầu vào thành nơm tìm cách thoát thân. Cá tràu tinh khôn bơi vòng quanh lòng nơm tránh tay người. Cá chình trơn nhẫy phải dùng vó chụp rồi ấn mạnh trước khi cuộn chặt cho vào giỏ vịt đan bằng nan tre khá lớn bồng bềnh trên mặt nước.

Mò bắt trai tại đầm An Khê. Ảnh: Trang Thy
Khi hết cá trong vòng lưới, mọi người đưa dụng cụ lên thuyền và chuyển đến nơi khác tiếp tục đánh bắt. Cảnh mưu sinh sôi động kéo dài đến tầm 1 giờ chiều mới kết thúc. Họ vào bờ với lượng cá thu được trên dưới 200 cân chia đều cho các thành viên trong nhóm. Cánh thanh niên đạp xe chở cá vượt quãng đường xa về nhà cho người thân mang ra bày bán nơi chợ quê. Những bậc cao niên thổi lửa nấu cơm, kho những con cá tươi rói vừa bắt lên khỏi mặt nước. Xong bữa, họ vào xin ngủ qua đêm tại ngôi nhà của người dân sinh sống ven đầm.
“Lúc đó cá nhiều lắm nên chỉ bắt toàn cá lớn. Có bữa bắt được con cá chình đường kính cả gang tay, bỏ ngang gác ba ga xe đạp đầu đuôi đều chấm đất. Nhiều bữa nước lạnh lắm nhưng ham cá quá nên vẫn đánh bắt bình thường. Bắt được cá nhiều nên chẳng thấy mệt nhọc gì cả. Lúc ấy, ở Phổ Cường có 2 nhóm xuống đầm An Khê đánh lưới lùng. Bà con sống quanh đầm rất vui vẻ và cho chúng tôi ở nhờ nhà. Thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, cha tôi và nhiều người cùng làng cũng đánh lưới lùng tại đầm An Khê rồi...”, ông Tiểu nhớ lại.
Cụ Nguyễn Tấn Dưng nhớ lại khung cảnh đánh lưới lùng hơn 70 năm trước. Những người từ Nam Trung bộ tản cư đến đây cùng bà con trong làng hào hứng giăng lưới rồi đập nước văng tung tóe. Họ dùng nơm úp cá trong tiếng hò reo vang dậy tràn đầy niềm vui. Những mẻ lưới bộn cá đổi khoai, lúa nuôi sống bao người qua thời khốn khó. Họ san sẻ cho dân làng những lát thịt cá chình, con cá úc chế biến món ăn hết sức thơm ngon. “Lúc đó cuộc sống cơ cực nhưng bà con trong làng và người tản cư thương yêu nhau lắm. Nhà có món gì ngon thường đem sang biếu bà con xung quanh ăn lấy thảo”, ông hồi tưởng.
Đào hầm, đào hang
Người dân ven đầm An Khê kể nhiều chuyện ly kỳ về loài cá chép nơi đây. Chúng sinh sống thành đàn với số lượng khá nhiều. Vào mùa mưa lũ, chúng kéo lên những cánh đồng ven đầm giao phối để duy trì nòi giống. Lũ cá khoe vây lưng rượt đuổi nhau trên ruộng nước cạn trông thật đẹp mắt. Ngày thường, cá chép kiếm ăn và trú ẩn nơi đầm nước mênh mông. Chúng dùng vây và đuôi gạt ủi lớp cát mịn pha bùn nơi đáy đầm. Lâu ngày, nơi chúng trú ngụ thành những vũng nước sâu, dân quanh vùng gọi là hầm cá.

Kéo lưới trên đầm An Khê. Ảnh: Trang Thy
Ông Hồ Trọng, một người có nhiều kinh nghiệm đánh bắt cá trên đầm An Khê, cho biết: “Ở dưới đầm có nhiều hầm cá chép, nơi nước sâu khoảng 4 m, mùa mưa nước ngập sâu đến khoảng 6 m. Chúng trốn dưới hầm nên khó bắt lắm, chỉ có lúc đi kiếm ăn mới dính lưới. Mùa mưa, cá chép thường chạy rông nên năm ngoái tôi trúng mánh bắt được gần 3 tạ trong một ngày đêm...”.
Đầm An Khê có loài cá bống ghim lớn chừng bằng ngón chân cái chế biến món ăn khá thơm ngon, nhất là cá bống kho tiêu. Chúng thường nằm trong hang sau những giờ bơi lượn tìm kiếm thức ăn. Nhiều người đào hang dẫn dụ chúng vào trú ngụ rồi tóm cả ổ cá. Đầu tháng 3 - 7 âm lịch, nhiều người sống ven đầm ngắm hướng rồi đo bước chân, ngụp lặn đào hang dưới đáy. Họ dùng hai tay móc bùn tạo thành chiếc hang rỗng, hai đầu thông nhau tựa hầm ngầm dưới làn nước, gọi là hang lò. Mỗi người sở hữu hàng chục hang, là nơi trú ẩn lý tưởng của loài cá bống khi đến mùa nắng nóng. Nắng trưa chiếu xuống đầm như rọi vào chiếc gương khổng lồ, phản chiếu lấp lóa. Nước trong đầm dần nóng khiến lũ cá bống rủ nhau tìm hang trú ngụ. Nhiều người đeo chiếc giỏ đan bằng nan tre bên hông dò từng bước chân rồi ngụp lặn, thọc hai tay vào hai cửa hang để chặn bắt cá. Những người lần đầu chứng kiến cứ ngỡ họ chơi trốn tìm trong làn nước xanh thẳm.
Trẻ thơ cũng đào hang bắt cá với dụng cụ là chiếc vợt lưới cầm tay cùng giỏ tre đeo bên hông. Đôi bàn tay nhỏ nhắn cào lớp bùn pha cát ở vùng nước cạn gần bờ. Chiếc hang vòng tròn đường kính cỡ hai gang tay sâu hơn 1 tấc là nơi quần tụ của lũ cá bống, gọi là hang chụp. Chân bước nhẹ nhàng đến bên hang chụp vợt lưới lên trên rồi dùng tay lùa cá vào đáy vợt và đưa lên khỏi mặt nước. Những con cá bống giãy giụa tìm cách thoát thân bị tóm cho vào giỏ. Khi chụp bắt hết hang đã đào, đứa trẻ lội vào bờ và tung tăng chân sáo về nhà với chiếc giỏ tre nằng nặng bên hông.
Cá tôm đánh bắt từ đầm chế biến nhiều món ăn ngon tựa sợi dây níu bước chân những người con tha hương trở về xứ sở. (còn tiếp)
Theo Trang Thy (LĐO)
https://thanhnien.vn/muu-sinh-tren-dam-an-khe-nghe-thuat-luoi-lung-post1518786.html

Có thể bạn quan tâm