Phóng sự - Ký sự

Mưu sinh với nghề lạ: Lấy thân làm mồi 'câu' muỗi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vén đôi chân trần và ngồi yên cả giờ đồng hồ, cắn răng chịu ngứa để làm mồi 'câu' muỗi. Đó là công việc kỳ lạ, ít người biết, được nhân viên y tế khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) làm trong nhiều năm qua, nhằm tìm bắt những con muỗi truyền bệnh sốt rét.

Xắn quần cho muỗi xem… chân

Dùng chính thân mình làm “mồi” nhử muỗi, mới nghe qua tôi quá đỗi ngạc nhiên trước công việc lạ hoắc này, thế nhưng Thạc sĩ Mai Xuân Phán - Phó khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính của HCDC vừa cười, vừa dí dỏm nói: “Mời nhà báo đi theo một đêm để biết anh em chúng mình dụ muỗi “cắn câu” thế nào nhé!”.

Theo ông Phán, tại TPHCM hiện có một số điểm mà bệnh sốt rét đã từng lưu hành như huyện Nhà Bè và Cần Giờ, nên cần được theo dõi giám sát muỗi định kỳ hằng tháng. Việc này nhằm mục đích đánh giá sự biến động của quần thể muỗi, từ đó cảnh báo cho người dân và cơ quan chuyên môn chủ động có giải pháp diệt muỗi.

Các nhân viên y tế HCDC vào bìa rừng ở huyện Cần Giờ lúc 22 giờ để “câu muỗi”

Một đêm đầu tháng 10/2023, chúng tôi theo các nhân viên HCDC bắt đầu hành trình… săn muỗi. Từ trung tâm thành phố, đoàn đi xe hơn tiếng rưỡi đồng hồ đến bìa rừng phòng hộ thuộc xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ). Lúc này tầm 20 giờ, bãi “săn muỗi” không một bóng người, phía xa xa, ánh đèn đường yếu ớt hắt bóng xuống làm không gian càng thêm tĩnh mịch. Anh Phán bật chiếc đèn pin nhỏ để các nhân viên chuẩn bị đồ nghề là các ống nhốt bằng thủy tinh, bông gòn, đèn pin trước khi vào cuộc… hiến thân.

Ba nhân viên y tế sau khi chia nhau mỗi người ngồi một góc theo yêu cầu chuyên môn, họ xắn ống quần đến đầu gối, đưa đôi chân trần ra phía trước và chờ đợi. Lúc này đèn đóm đã tắt hết, bóng tối bao trùm, không ai nói chuyện hoặc cử động, chỉ có tiếng muỗi vo ve liên hồi.

Chưa đến một phút, cả chục con muỗi đã bám vào chân nhân viên y tế. Cô gái trẻ Trần Thúy Loan (23 tuổi) vẫn để yên, không nhúc nhích. Được một lúc, một tay cầm đèn pin “quét” nhè nhẹ trên chân, phát hiện có muỗi truyền bệnh sốt rét đang “say” mồi, cô cầm ống nghiệm chụp lấy rồi dùng một bông gòn nút lại. Cứ thế, mỗi ống nghiệm nhốt từ 3 - 5 con muỗi.

Chị Trần Thúy Loan sau một năm theo công việc này đã dần “mến” lúc nào không hay

Thúy Loan là một trong hai nữ nhân viên duy nhất của tổ côn trùng và mỗi tuần đều theo nghiệp “làm mồi cho muỗi” suốt gần một năm qua. Cô cử nhân ngành Công nghệ sinh học trường Đại học Mở TPHCM tâm sự, khi nộp đơn vào HCDC, Loan mới biết đến công việc “dùng người làm mồi để bắt muỗi” này. Từ tò mò xin đi thử cho biết, thế rồi chị “phải lòng” lúc nào không hay.

“Ba mẹ cũng biết công việc này nên lúc đầu khá lo lắng, nhưng em đã thuyết phục được gia đình bằng những kiến thức cụ thể. Em thấy đây là công việc nhiều ý nghĩa nên khi vẫn còn là nhân viên HCDC, em vẫn sẽ tiếp tục… dụ muỗi” - Loan bộc bạch.

Ở một góc tối khác, anh Trần Đăng Khoa (44 tuổi) khoe “chiến lợi phẩm” là 3 con muỗi bị tóm gọn. Nhìn vào ống nghiệm, những con muỗi bụng căng tròn đang ra sức quẫy đạp tìm lối thoát.

Với thâm niên hơn 10 năm bắt muỗi, anh Khoa chỉ cần nhìn sơ là biết loại muỗi nào truyền bệnh sốt rét để bắt cho đúng. “Có nhiều hôm bị cắn nhưng không có “em muỗi” nào thuộc nhóm cần bắt ghé thăm. Tuy vậy, cũng có hôm “trúng mánh” bắt được hơn 50 con. Muỗi bắt được phải còn sống, không gãy chân, gãy cánh để định loại và phân tích mẫu khi cần” - anh Khoa nói.

Các nhân viên y tế đưa đôi chân trần làm “mồi” câu muỗi

Các nhân viên y tế cho biết, có rất nhiều cách săn muỗi khác như mồi đèn, soi trên vách, bắt trong chuồng gia súc… nhưng “mồi người” là cách tự nhiên và chính xác nhất để đánh giá mật độ và ái tính (sự thích đốt người) của muỗi. Muỗi hoạt động mạnh nhất vào buổi tối, do vậy thời gian bắt thường từ 19 giờ đến 22 giờ.

Nhiều nguy cơ

Người làm “mồi” bắt muỗi thường đối diện với nguy cơ về bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Để ngừa bệnh, đôi khi các nhân viên y tế phải uống thuốc trước để phòng. Sau mỗi lần “làm mồi”, họ đã quen với việc ngứa nên cũng ít thấy khó chịu hơn. Theo các nhân viên khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính HCDC, điều may mắn là đến nay họ vẫn đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm nhiệm vụ. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, lơ là.

Còn những “tai nạn” dở khóc dở cười bị chó rượt hay các loại côn trùng cắn xảy ra như cơm bữa đối với các nhân viên y tế. Như hôm chúng tôi đi bắt muỗi tại trại gia súc ở xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), không chỉ lội ruộng, băng qua khu nghĩa trang, mà cả đoàn còn đi nhầm vào bãi ủ phân bò. Khi xong việc, người nào cũng lấm lem và nặng mùi…

“Chuyện bị chó rượt, chó cắn… cũng thường xảy ra. Khổ nhất là những hôm trời lạnh, anh em cũng phải trần mình ra vật lộn với muỗi. Chưa kể, có hôm vượt hàng chục cây số đến nơi chuẩn bị bắt muỗi thì trời đổ mưa suốt đêm, phải đi lại mấy ngày liền mới bắt được muỗi” - anh Phán kể.

Trước đây, người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm được hỗ trợ 130.000 đồng/người/đêm theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên hiện nay, Thông tư nói trên hết hiệu lực. Do đó, thành phố đưa ra đề xuất hỗ trợ và được HĐND TPHCM thông qua. Với sự hỗ trợ kinh phí tiếp tục này sẽ khích lệ tinh thần, động lực để mọi người hoàn thành công việc tốt hơn.

Được biết, tổ côn trùng của HCDC hiện có 7 người, tuổi đời từ 21 - 44 tuổi. Mỗi lần đi bắt muỗi thường chia hai nhóm xuất phát từ 16h đến rạng sáng hôm sau. Có những quy định nghiêm ngặt mà người làm “mồi nhử” phải tuân thủ.

Cụ thể buổi chiều chuẩn bị cho đêm săn bắt sẽ không được tắm với xà phòng có mùi thơm, không được dùng nước hoa, không được thoa dầu gió, hút thuốc lá… là những thứ ngăn muỗi đến gần.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thạc sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh - phụ trách khoa Côn trùng và Động vật Y học Viện Pasteur TPHCM cho biết, bắt muỗi trong lĩnh vực y tế, dân số hiện nay có 2 hoạt động chính là bắt muỗi trong hoạt động phòng chống sốt xuất huyết và bắt muỗi trong phòng chống bệnh sốt rét.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bắt muỗi trong phòng chống sốt xuất huyết chủ yếu bắt vào ban ngày, còn trong phòng chống sốt rét là bắt muỗi vào ban đêm. Mục đích chung của hoạt động bắt muỗi là xác định thành phần loài, mật độ, diễn biến các chỉ số quần thể muỗi theo thời gian tại các điểm được giám sát để từ đó đưa ra biện pháp phòng chống một cách kịp thời, hiệu quả…

Có thể bạn quan tâm