Na Hang, hướng nào cũng lung linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lơ đãng, chủ quan cùng với đam mê đưa đẩy chúng tôi đến gương hồ lạ miền cao Đông Bắc theo tới bốn cung đường khác nhau. Rốt cuộc lại là may mắn. Vì đường nào, hướng nào cũng đẹp lung linh.

Một đoạn trên sông Gâm đẹp như bức tranh thủy mạc
Một đoạn trên sông Gâm đẹp như bức tranh thủy mạc



Từ khi đập thủy điện Na Hang hình thành năm 2007, một gương hồ đẹp mới ra đời, bổ sung vào danh sách danh lam thắng cảnh non sông cẩm tú nước Việt, rất nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch trong và ngoài nước.

Đó là lý do từ miền Nam xa xôi, sau khi mê mệt với cao nguyên đá Hà Giang, chúng tôi tìm đến hồ Na Hang. Để rồi về sau và rất lâu sau nữa vẫn tự hào vì hành trình này.

Mê đắm lênh đênh 
theo “suối tóc sơn nữ”

Từ Hà Giang, thay vì đi Tuyên Quang - ngõ gần nhất đi Na Hang, chúng tôi theo quốc lộ 34 đi Cao Bằng để đáp xuống Bắc Mê đang mải mê xây dựng bụi mù.

Có mấy lý do.

Thứ nhất là lười khi nghe nói từ đây có thể xuôi sông Gâm đến Na Hang, mà Bắc Mê rất gần thành phố Hà Giang.

Thứ hai là tham vì cũng nghe đến những lời ca tụng về “suối tóc sơn nữ” - hương danh dòng Gâm. Đọc những dòng thơ như rót mật dụ dỗ “Sông Gâm nước chảy xanh trong / Đôi bờ uốn lượn cong cong vòng vèo / Thuyền nan khua nhẹ mái chèo / Nước trong xanh chảy kéo theo mây ngàn” (thơ Chu Vân), nên quyết đến Bắc Mê để được ngắm sông rồi đi ngó hồ.

Bắt nguồn bên kia biên giới, về xứ Việt nhận thêm nước các chi lưu, trong đó có cả Nho Quế mới vừa mê mệt ở Đồng Văn, dòng Gâm cuộn sóng đến Bắc Mê chợt yên ả kể từ ngày đập thủy điện hình thành bên dưới.

Không chỉ vậy, lượng nước được giữ lại dâng ngập những cánh rừng ven sông tạo nên quang cảnh rừng ven hồ, nhiều khi giữa hồ rất đặc sắc.

Rừng chết khô hay vẫn xanh um tùy theo khả năng sống còn, chịu nước của từng loại cây, độ cao của khu vực bị ngập... tạo nên những mảng màu lạ pha vào nhau, nhân bóng trên hồ yên càng thêm đẹp.

Hôm đó đi sớm, hồ lạnh, im, bóng rừng bóng núi in xuống mặt hồ mờ sương bay, các hẻm núi cũ nhiều hình dáng ngày trước tạo nên những góc hồ khuất mở rất đẹp. Rất nhiều phong lan. Nhiều cây chết khô giờ được thay bộ lá mới là những cụm phong lan dày đặc.

Lũ chùm gửi héo úa theo cây khô vì không còn nơi bám víu, nhưng phong lan vẫn kiêu hãnh vươn cao, sống bằng gió, với nắng... làm đẹp thêm cho rừng cũ, cho hồ mới.

Rất mê mải với dòng Gâm khi xuôi Na Hang, nhưng chúng tôi không đi hết đường. Đêm qua, sau khi tám chuyện với các bạn trẻ địa phương, chúng tôi đổi ý.

Có thêm mấy lý do “nên đi Na Hang từ Bắc Kạn vì khung cảnh hướng đó khác hẳn bên này”. Nhưng nguyên nhân chính là ngày mai có chợ phiên Bảo Lâm rất hay nhưng ít được nghe tới.

Nghe vậy là rần rần. Nên sau nửa cung đường trên dòng Gâm đi Na Hang, chúng tôi quay lại Bắc Mê lên quốc lộ 34 đón xe đi tiếp đến Bảo Lâm.



 

Chuyện đi đường

Vẻ đẹp thì tùy theo sở thích, cảm nhận của mỗi người nhưng với thiển ý cá nhân, cung đường trên sông Gâm đến Na Hang đẹp hơn. Vì nó đa dạng, có cả những nét Ba Bể thu nhỏ và điểm đặc sắc riêng của hồ thủy điện do dâng nước ngập rừng.

Nếu có điều kiện, nên có những trải nghiệm ở các phố sơn cước Bắc Mê, Na Hang. Ngoài cảnh sắc, ẩm thực ngon lạ mỗi vùng, sự chân tình rất mến khách là tưởng thưởng hiếm có, rất khó quên trong đời.

Có nơi, chúng tôi từ lề đường được mời vô thăm nhà, thết đãi đến tận khuya. Có chỗ, chúng tôi không chỉ được kêu sang bàn bên cạnh chuyện trò, cụng ly và đến khi tính tiền mới hay đã được trả giúp rồi vì khách từ miền Nam xa xôi!


Ai đi Ba Bể để về 
Na Hang

Sau ngày lang thang Bảo Lâm, Cao Bằng, Trùng Khánh... giấc mơ Na Hang dở dang lại kêu réo, chúng tôi xuôi Bắc Kạn hướng về Ba Bể.

Ngày mùa đông vắng, chờ miết cuối cùng mới tạm đủ khách đi vào khu du lịch, nơi dự định chuyển sang đò theo sông Năng về Na Hang.

Như vậy nhờ Na Hang lại có dịp quay lại Ba Bể mấy năm trước từng ghé. Hồ vẫn lung linh đẹp, nhưng sao cứ háo hức với Na Hang đâu đó ẩn hiện phía trước.

Nói nào ngay, vẫn còn khá ấn tượng với 99 ngọn núi đá, những vạt rừng ngập nước bên kia dòng Gâm nên có chút “phụ tình” với Ba Bể.

Đến khu du lịch Ba Bể nghỉ ngơi, nghiêng ngó tí, chúng tôi men theo đường rừng đến bến đò dưới chân thác Đầu Đẳng. Số phận lại một lần nữa đưa đẩy.

Đã hơn hai giờ chiều, trời xám xịt. Thuyền từ chối không đi Na Hang vì sợ về không kịp, đi đêm rất nguy hiểm vì thuyền nhỏ mà những ngày này dông gió rất bất chợt.

Không lý quay về, rốt cuộc thuyết phục được anh chủ thuyền đưa đi Đà Vị để từ đó đi xe ôm ra Na Hang. Lên thuyền lại tiếp ngắm Ba Bể, một đoạn sông Năng, trước khi leo lên miền quê bụi đỏ mù trời Đà Vị.

37 km từ Đà Vị đến thị trấn Na Hang lấy mất hơn hai giờ. Tặng thêm lớp bụi đỏ dày phủ cả người, xe và cái lắc đầu cười như mếu của các thanh niên Tày tử tế làm xe ôm bất đắc dĩ.

Thế nhưng cung đường gập ghềnh, xe chạy như rùa bò lại ban phát những góc nhìn loáng thoáng hồ xanh Na Hang. Tặng thêm những vạt rừng xanh ngắt bên đường, nương đồi lô xô màu xám của những mái nhà Tày, Nùng...

Tự sướng âm ỉ là đã sưu tầm thêm một góc lạ cho hành trình tìm đến Na Hang nên khỏe lại rất nhanh, để có một chiều, một đêm tưng bừng với Na Hang lang bang mấy bận mới tới được.

Hành trình cuối cùng Na Hang, với sự giúp đỡ của các bạn trẻ rất nhiệt tình ở địa phương, bắt đầu từ sáng sớm.

Từ thị trấn, chúng tôi lên thuyền viếng gương hồ đẹp lung linh không sai lời đồn đại. Rồi thuyền ngược dòng Năng ra Đà Vị cho khách xuống thăm phố sơn cước trước khi quay về.

Vậy là cuối cùng chúng tôi đã đi gần giáp một vòng để đến Na Hang, chỉ thiếu đoạn ngắn trên dòng Gâm. Trên bước đường lang bạt đông tây bắc đợt đó và nhiều lần sau, Na Hang luôn là câu chuyện, niềm tự hào để khoe, kể.

Mà tại sao không, khi có được cơ may ngắm nhìn một góc non sông cẩm tú của mình tường tận đến như vậy!

Trần Thái Hoãn (Tuoitre)

Có thể bạn quan tâm