Báo xuân

Năm mới, nghĩ về "củi" và ngăn chặn "củi hóa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lại thêm một năm nữa, đất nước chứng kiến sự bùng cháy của cái “lò thiêu vĩ đại” mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta đã dày công “nhóm lửa”, để rồi những “củi khô”, “củi tươi”, “củi cành”,  “củi gộc” cứ lần lượt, lần lượt được đưa vào lò và cháy thành tro, thành than. Trong 3 năm qua, cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng mà ban đầu cũng có không ít hoài nghi, nhưng rồi càng ngày, động cơ, mục đích và tính hiệu quả càng sáng rõ. Đó là cuộc đấu tranh một mất một còn bằng tất cả tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân để tiêu diệt cho bằng hết lũ “giặc nội xâm”, để Đảng ngày càng trong sạch, đất nước ngày càng vững mạnh.  
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ 4 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku (tháng 4-2017). Ảnh: Đ.T
Có thể khẳng định, chưa bao giờ chuyện đấu tranh phòng-chống tham nhũng được nói nhiều, được người dân quan tâm như lúc này. Bởi, ai cũng hiểu, tham nhũng là “giặc nội xâm”, là mối đại họa làm hao mòn nguồn lực, làm suy sụp rường cột quốc gia, băng hoại đạo đức cán bộ, đảng viên-những người từng được dân tin, dân yêu vì đạo đức trong sáng, luôn quên mình vì dân, vì nước. Hơn ai hết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng trong bộ máy cai quản đất nước. Và bằng tất cả dũng khí và sự tính toán chu đáo, bằng những bước đi cẩn trọng, chậm mà chắc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phất lên ngọn cờ tiên phong tiêu diệt bằng được nạn tham nhũng.       
Ai đó có thể thích hay không thích cụm từ “Người đốt lò vĩ đại” mà một vài tờ báo có dạo đã dùng để nói về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đấu tranh với nạn tham nhũng. Cũng có thể ai đó lúc đầu còn chưa tin, còn bàn ra tán vào, hoài nghi về tính khả thi của cuộc đấu tranh này. Nhưng rõ ràng, cái “lò thiêu tham nhũng” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhóm lên mấy năm trước với cách nói giản dị, gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu nhưng lại hàm chứa đầy tâm huyết, trách nhiệm với nước với dân, sau 3 năm ra tay quyết liệt, cùng với sự chung tay của toàn dân, đã có câu trả lời thỏa đáng.
Hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do liên quan đến tham nhũng, trong đó có đến 56 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, là những con số minh chứng rõ nét tính hiệu quả của cuộc đấu tranh đầy cam go này. Hơn 40 vụ án và 500 bị cáo trong tổng số gần 60 vụ việc tham nhũng được đưa ra xét xử với những bản án nghiêm khắc đã làm thỏa lòng người. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tòa án đã xét xử sơ thẩm trên 20 vụ với hơn 260 bị cáo, trong đó 3 bị cáo bị kết án tử hình, 9 bị cáo chịu án chung thân. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bìa trái) tặng tranh “Bác Hồ ngồi làm việc trong vườn hoa” cho tỉnh (tháng 4-2017). Ảnh: Đ.T
Phạm Công Danh, Trịnh Xuân Thanh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Trầm Bê, Trần Phương Bình, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa… đã bị bắt giữ, đưa ra xét xử. Rồi sắp tới sẽ là những cái tên đình đám một thời vừa bị khởi tố, bắt giam như: Trần Bắc Hà, Lê Bạch Hồng. Từ Đinh La Thăng đến Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Nguyễn  Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Bùi Văn Thành, Tất Thành Cang… cùng không ít cán bộ lãnh đạo cao cấp của một số bộ, ngành, địa phương đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật. Danh sách “bầy sâu” tham nhũng liên quan đến ngân hàng, đất đai, cổ phần hóa… bị lộ sáng cứ càng ngày càng dài thêm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều đó cho thấy, công cuộc “đốt lò” của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta thật cam go và quyết liệt, nhưng không thể vì những khó khăn nhất thời mà lùi bước. Bởi mong muốn lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân là kẻ phạm tội phải bị pháp luật trừng trị, tài sản tham nhũng phải được thu hồi cho đất nước. 
Mới quá nửa nhiệm kỳ mà số vụ án tham nhũng đưa ra xét xử đã nhiều gấp 3 lần và số tiền thu lại được nhiều gấp 40 lần trong 20 năm gần đây. Điều đó chứng tỏ, Đảng ta đã nói là làm và làm quyết liệt, truy đuổi đến cùng bọn sâu mọt, bắt chúng phải đền tội, phải trả lại những gì chúng đã mưu mô ăn cắp của nước, của dân. “Người đốt lò vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng đã nhóm lên cái lò được cháy bằng ngọn lửa của lương tâm và công lý, của đạo lý ngàn đời dân tộc: yêu cái tốt, ghét cái xấu, quyết thiêu hủy cho bằng hết “bầy sâu tham nhũng”, dẹp cho được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền của những người được Đảng và nhân dân ủy thác cho nhiệm vụ cao cả là cai quản đất nước, lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân. Tinh thần đấu tranh quyết liệt đó đã dần lấy lại niềm tin của dân về một Đảng cầm quyền trong sạch, không tham nhũng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.       
Dẫu biết rằng, việc phải kỷ luật, phải truy tố những người từng là đồng chí, anh em với mình là điều hết sức khó khăn, đau đớn. Nhưng vì một cơ thể khỏe mạnh, không thể không cắt bỏ những ung nhọt. Không chỉ nguyên lãnh đạo các tập đoàn, các ngân hàng lớn mà cả một số người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đại biểu Quốc hội, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thậm chí là ở những lĩnh vực được coi là “nhạy cảm” như Công an, Quân đội, hễ dính đến tham nhũng thì đều đã và đang đối mặt với sự trừng trị của pháp luật. Đảng đã cho mọi người thấy, cuộc chiến chống tham nhũng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bất kể ai, một khi tay đã nhúng chàm thì phải bị xét xử nghiêm minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bìa phải) tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Ayun, huyện Chư Sê (tháng 4-2017). Ảnh: Đ.T
Ngày Xuân nghĩ về những việc đã qua, lòng dân ai cũng mong chiến dịch “bàn tay sạch” của Đảng, cái “lò thiêu tham nhũng” mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta khởi xướng và trực tiếp châm lửa phải được tiếp tục cháy rực lên bằng ngọn lửa từ chính trái tim yêu nước của mỗi người. Dẫu biết rằng thật khó kỳ vọng vào một nhà nước hoàn toàn không có tham nhũng, chỉ là hạn chế đến hết mức có thể mà thôi; dẫu biết rằng một khi “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” (chữ dùng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng), nhưng điều quan trọng hơn cả và cũng là mong ước lớn nhất của dân là phải làm sao ngăn chặn tình trạng “củi hóa” cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, trên tinh thần nghiêm khắc và nhân văn. Lấy giáo dục, răn đe làm đầu là phương cách phòng-chống tham nhũng sâu xa, hiệu quả nhất để Đảng sạch, nước mạnh, để không còn “đau đớn” khi cực chẳng đã phải đưa đồng chí mình, anh em mình ra trước vành móng ngựa!   
 VÂN THIÊNG

Có thể bạn quan tâm