Phóng sự - Ký sự

Nam sinh vượt ngàn cây số mong mối tình bằng Chiếc lá tình yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chúng tôi gặp Nguyễn Hà Đằng, sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ở nhà ông Hồ Rua, thị trấn Khe Sanh của huyện rẻo cao Hướng Hóa (Quảng Trị). Đằng vượt hơn một ngàn cây số đến chốn non cao Trường Sơn mong gắn lại mối tình của mình bằng bí quyết Chiếc lá Tình Yêu.
 

Nhiều người đã đến bản A Máy tìm gặp Hồ Văn Thủ để xin lá “cây Tình Yêu”.
Nhiều người đã đến bản A Máy tìm gặp Hồ Văn Thủ để xin lá “cây Tình Yêu”.

Đằng bảo: “Bùa ngải có khi không phải là những thứ huyền bí. Trong trường hợp chúng là những chất độc, chất gây nghiện cho người khác, liệu em có đành lòng sử dụng nó với người em yêu?” Đằng rơm rớm nước mắt: “Em hiểu nhưng nỗi mất mát, đau đớn này không phải là nỗi đau thể xác. Em tìm đến nhà ông Rua bởi nghe ông ấy có bùa ngải yêu, là để được chia sẻ, chỉ bảo cách em nên làm mỗi khi bùa ngải giả sử là cái có thật. Tuy nhiên, trước khi đi, em cũng đã rất cân nhắc điều như anh vừa nói. Nhưng vì nỗi đau tinh thần, vì bản thân không vượt qua được, nên em dò dẫm thế này để mong điều may mắn có thể xảy đến, có thể giúp mình níu giữ được cô ấy bằng những bí quyết huyền bí mà không làm hại gì cho cô ấy!”. Nghe xong câu chuyện của chàng sinh viên thất tình 24 tuổi ấy, chúng tôi quyết định vào vùng Lìa bởi ý nghĩ tò mò: Thực hay mơ “chiếc lá Tình Yêu”, “cây Tình Yêu”?

Vùng Lìa bây giờ đường sá không còn cảnh rặt đá dăm, nhiều đoạn lầy lội bùn đất phải cuốc bộ của mươi năm trước. Từ ngã ba Tân Long, vựa chuối của tỉnh Quảng Trị vào tới xã A Xing 19 cây số bon bon đường nhựa trải rộng 6 mét. Tìm vào bản A Máy của xã A Xing, hỏi nhà anh Hồ Văn Thủ, chủ nhân “cây Tình yêu” của người Pa Kô, Vân Kiều trên rẻo cao này, thời gian qua được nhiều người biết đến qua báo chí.

Nghe tôi hỏi, một thanh niên có nhà bên mặt đường lớn, đang ru con trên chiếc võng vải dù chăng ở một góc nhà sàn, tủm tỉm cười, rồi trả lời bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Thủ là cán bộ văn hóa xã. Nhà Thủ ở gần Ủy ban xã ấy”. Tôi đến Ủy ban xã, một cán bộ văn phòng sau khi tìm quanh nhưng không thấy Thủ, bấm máy gọi tìm. Thủ về. Chúng tôi bày tỏ nội dung, ý định của cuộc gặp, nhưng Thủ không mấy mặn mà, lại có phần đề phòng vì cho rằng chúng tôi sẽ thu âm, quay hình và viết bài áp đặt theo ý của mình.

 

Cây dại mọc ở bìa rừng “bị” gọi là “cây Tình Yêu” ở bên chiếc am thờ trước sân nhà ba mẹ của Thủ hiện đã chết héo.
Cây dại mọc ở bìa rừng “bị” gọi là “cây Tình Yêu” ở bên chiếc am thờ trước sân nhà ba mẹ của Thủ hiện đã chết héo.

Chúng tôi cảm thấy điều gì đó không ổn, nên trình bày lại để Thủ hiểu. Tôi bảo, chúng tôi tìm hiểu “cây Tình Yêu” là muốn viết về nét đẹp văn hóa độc đáo của bà con đồng bào Pa Kô, Vân Kiều quê anh. Lần này, Thủ cởi mở hơn, nhưng anh lại cười hiền, bảo: “Sự thật thì tôi không phải là chủ nhân của “cây Tình Yêu” mà tiếng Vân Kiều chúng tôi gọi là cây A Nang. Thủ tiết lộ, còn một cây có công dụng ngược lại là “cây Chia Xa Nhau” là cây Parakê.

Nhà tôi không có “cây Tình Yêu” nào cả. Cái cây mà mấy anh chị thấy trên một vài phương tiện thông tin nêu chỉ là tượng trưng thôi”. “Nghĩa là sao?’, tôi ngớ người hỏi Thủ. “Thì hôm đó tôi đang làm việc ở đây, có mấy anh nhà báo đến hỏi “cây Tình Yêu”. Tôi bảo, tôi có nghe các chú, bác ở cơ quan của ba tôi kể lại, cho là ông ấy đã có cái cây ấy. Nhưng tôi nói là tôi không tin vì chưa khi nào tôi nghe ba tôi nói đến cây này. Mẹ tôi cũng không nói đến nó. Bây giờ ông ấy mất rồi (năm 2014), mọi thứ chỉ là lời kể một phía. Nhưng các anh nhà báo ấy bảo tôi cứ về nhà, chọn cây nào đó cũng được, đặt lên một bên am thờ chỉ là để tượng trưng cho “cây Tình Yêu”.

Tôi đã làm theo vậy, nào ngờ gần hai năm qua, có không biết bao nhiêu người đến đây hỏi xin tôi lá “cây Tình Yêu”. Trong bản, trong xã, có người biết chuyện, khi nghe khách hỏi thì phì cười. Những người không biết thì cho rằng gia đình tôi có “cây Tình Yêu” thật. Mọi thứ từ ngày đó đến giờ cứ trở nên mơ màng vậy. Vậy nên khi anh hỏi tôi, không phải là tôi không tin anh, song chuyện là như thế, không biết phải giải thích thế nào cho người khác hiểu, người khác tin mình”. Nghe Thủ trần tình, tôi hiểu được cảm giác của anh, song cũng không nhịn được cười bởi cái tình cảnh tréo ngoe anh đang gặp phải!

Thủ dẫn tôi sang nhà bố mẹ nằm sát lưng nhà anh, chỉ vào “vật chứng” của câu chuyện. Tôi thấy đó là một cái cây nhưng đã chết khô, được trồng trong chiếc chậu nhựa màu đen, đặt cạnh một am thờ bằng tôn trước sân nhà. Quan sát thấy cây thuộc họ thân mềm, với lá to bằng hai bàn tay người lớn, hình trái tim. Cây có củ như củ môn nước mọc dọc khe suối trên nương rẫy. Tôi hỏi anh Thủ là cây gì? Anh bảo thấy nó mọc hoang ở bìa rừng, rất đẹp nên đem về trồng vào chậu làm cây cảnh mà không biết tên.

Cũng theo anh, từ khi nó được “đặt tên” là “cây Tình Yêu”, anh cảm thấy hay hay, nhưng nào ngờ xảy ra nhiều câu chuyện đồn thổi, huyễn hoặc về nó. Tôi chia sẻ điều Thủ nói, song vẫn không hết tò mò về câu chuyện của người khác kể về ba của anh. Biết điều tôi muốn hỏi, Thủ không giấu giếm, cho biết, ba anh là Hồ Văn Phiện, sinh năm 1945, trước khi nghỉ hưu và mất vào năm 2014, là Trạm trưởng Y tế xã A Xing.

 

Mẹ của Hồ Văn Thủ, người từng bị đồn “cây Tình Yêu” dắt về rẻo cao A Xing sinh sống với chồng trọn một đời người.
Mẹ của Hồ Văn Thủ, người từng bị đồn “cây Tình Yêu” dắt về rẻo cao A Xing sinh sống với chồng trọn một đời người.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ba anh được bộ đội cho đi học y tá, sau đó phục vụ cứu chữa thương binh ở chiến trường Trị Thiên-Huế và huyện Tù Muồi, tỉnh Sa La Van (Lào). Thời gian này, ông quen biết người con gái nay là mẹ anh, bà Hồ Thị Bưởi, ở bản Vân Tây, xã A Vao, huyện Tù Muồi. Thế nhưng, gia đình bên mẹ anh ra sức ngăn cản, bởi cho rằng bà cần lấy một người đàn ông ở quê có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, vì ba anh lúc đó rất nghèo. Nhưng ông bà ngoại, cậu, dì trong gia đình đã không ngăn cản được tình yêu của mẹ anh dành cho ba anh.

Năm 1979, họ đã chính thức nên vợ nên chồng sau một đám cưới nhỏ ở quê nhà bây giờ nhưng vô cùng ấm áp, hạnh phúc. Hai người sau này sinh tới 9 người con. Vì mẹ của anh rất xinh đẹp, nên không ít người nghĩ rằng bà theo ba anh về A Xing sinh sống là do ba anh có được “cây Tình Yêu”. Ông đã mê hoặc bà nhờ vào chính cái cây này mà theo đó suốt đời bà chỉ có thể một lòng yêu ông không một sức mạnh nào cản ngăn chia rời được họ?

Buổi trưa, đất trời trên rẻo cao A Xing thật yên ả. Tiếng chim sơn ca gọi bạn tình giữa núi rừng vọng vào vách cửa nghe ngọt ngào, da diết, quyến rũ lòng người. Bà Bưởi vừa địu cháu vừa thủng thẳng làm việc nhà. Tôi để ý gương mặt bà chưa hề có nếp nhăn, cho dù tuổi tác đã ngoài 60. Sự vất vả khó nhọc của cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc và thời gian dường như bất lực vì không thể làm phai nhạt nét đẹp của bà, vốn như đóa hoa tươi tắn, mê đắm lòng người, giữa trùng điệp núi rừng.

Tôi cũng không hết tò mò về sắc đẹp từng làm đắm mê bao chàng trai ở bản của vợ Thủ, về tình yêu, sự gắn kết nên vợ chồng của họ. Tôi rỉ tai Thủ, hỏi nhỏ: “Chắc em có giữ được bí quyết nào đó của ba mình về việc “cưa đổ” con gái đẹp?!” Nhưng Thủ cười tít mắt. Anh cho rằng việc đó không hề có, hơn nữa thời đại bây giờ văn minh lắm rồi, trai gái họ đến với nhau bằng sự tự nguyện, tình cảm phát xuất từ chính trái tim của họ. Chẳng có một thứ bùa ngải nào có thể chi phối được điều đó!

Xâu chuỗi câu chuyện của Thủ, của nhiều cặp vợ chồng khác đang sinh sống trên dãy Trường Sơn, thậm chí có không ít trường hợp khác ở vùng đồng bằng mà chúng tôi biết về họ, ngẫm ngợi điều Thủ nói thật đúng. Rằng, lúc tình yêu lên tiếng, con người ta sẵn sàng vượt qua mọi rào cản biên giới, tuổi tác, dân tộc để đến với nhau, sống bằng tình yêu thương chân thật. Rằng, sẽ chẳng có một thứ “bùa mê thuốc lú” nào có thể chia rời được họ!

 

Rằng, lúc tình yêu lên tiếng, con người ta sẵn sàng vượt qua mọi rào cản biên giới, tuổi tác, dân tộc để đến với nhau, sống bằng tình yêu thương chân thật. Rằng, sẽ chẳng có một thứ “bùa mê thuốc lú” nào có thể chia rời được họ!

Thủ chiêm nghiệm, từng trải khuyên chúng tôi rằng, cần cẩn trọng trước tình trạng có không ít cặp vợ chồng, đôi lứa lúc chẳng còn tình cảm với nhau nhưng không đủ sự tử tế để nói lời chia tay nhau một cách đàng hoàng, hoặc có những lý do khách quan, chủ quan khiến chuyện tình tan vỡ lại đổ lỗi cho cái gọi là bùa ngải đã mê hoặc một nửa của mình.

Đem câu chuyện chuyến đi tìm thực hư “Chiếc lá Tình yêu” thông tin lại cho Đằng. Đằng trầm tư, lặng lẽ. Có lẽ câu chuyện của chúng tôi giúp Đằng bình tâm, tĩnh trí. Ừ, phía trước, cuộc sống còn bao điều tốt đẹp đang chờ chàng cử nhân tương lai. Ừ, vết thương tình ái sẽ liền da. Chiếc lá Tình yêu là của chính ta gieo trồng và chăm bón...

Hữu Thành - Hiền Lương/tienphong

Có thể bạn quan tâm