Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa hiện đã sẵn sàng cho một mùa du lịch Hè nhộn nhịp trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn điểm đến cho các du khách.
Du khách nước ngoài tắm nắng trên bãi biển Nha Trang. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN |
Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành liên quan về mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022.
Nắm bắt cơ hội này, các tỉnh Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) chuẩn bị điều kiện đón, phục vụ du khách, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tất cả đã sẵn sàng cho một mùa du lịch Hè nhộn nhịp sau hai năm ngành này bị ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19.
Tất cả đã sẵn sàng
Cùng cả nước, các tỉnh Nam Trung Bộ đã sẵn sàng cho một mùa du lịch Hè nhộn nhịp với hàng loạt điểm đến, chương trình kích cầu du lịch.
Tỉnh Khánh Hòa có hai tuyến để đón du khách quốc tế là Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh và tuyến đường biển với cảng Nha Trang (vịnh Nha Trang) và Cảng quốc tế Cam Ranh (vịnh Cam Ranh) dành cho tàu du lịch biển.
Bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh cho biết, đến nay, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã sẵn sàng để đón khách quốc tế.
Theo bà Lê Thị Hồng Minh, ngành Du lịch, doanh nghiệp du lịch cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến nhanh các ký kết song phương đối với thị trường du lịch truyền thống như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc… để sớm đưa du khách đến với địa phương.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao xuyên suốt cả năm 2022 với chủ đề chung là “Điểm đến an toàn - Nha Trang biển gọi.”
Chuỗi hoạt động này nhằm tạo động lực, điều kiện để thu hút khách du lịch, thực hiện đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Khánh Hòa tổ chức nhóm 18 sự kiện, hoạt động dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, gắn với Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Lễ hội Am Chúa (hai hoạt động văn hóa thường niên mang đậm nét dân gian truyền thống và có quy mô lớn nhất tỉnh); trong đó, có nhiều hoạt động như chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Thiên YA Na,” biểu diễn làm gốm, dệt thổ cẩm, múa Chăm tại Tháp Bà Ponagar…
Với chủ đề “Nha Trang - Chào Hè 2022,” khoảng 30 hoạt động, sự kiện sẽ diễn ra vào khoảng nửa đầu tháng 6, vốn là cao điểm mùa du lịch ở Khánh Hòa, tiêu biểu là các hoạt động như Liên hoan Nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa mở rộng 2022, Liên hoan du lịch "Nha Trang - Biển gọi 2022,” Giải vô địch Bóng đá bãi biển Quốc gia, Giải vô địch Cầu mây bãi biển Quốc gia, Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam 2022 (vòng chung kết)...
Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa cho rằng, qua những thử thách trong đại dịch COVID-19, ngành Du lịch đã rút ra bài học đắt giá.
Đó không chỉ là sự nhanh nhạy, thích ứng với môi trường luôn luôn biến đổi mà còn phải tránh bị phụ thuộc vào bất kỳ thị trường du khách nào. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần có quỹ dự phòng khủng hoảng, chủ động linh hoạt để thích ứng...
Theo ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên, hiện nay các đơn vị kinh doanh đủ điều kiện đón khách quốc tế đã sẵn sàng về điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất. Để thu hút du khách, các đơn vị kinh doanh du lịch đã đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch như trò chơi trên biển, biểu diễn nghệ thuật độc đáo ở Phú Yên…
Để đưa khách du lịch quốc tế trực tiếp đến Phú Yên, hiện nay, một số doanh nghiệp lữ hành có thể áp dụng hình thức "charter flight" (chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách).
Gành Đá Đĩa, Phú Yên, hấp dẫn du khách. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+ |
Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên có kế hoạch phối hợp với hai tỉnh Bình Định, Khánh Hòa xây dựng gói tham quan, nghỉ dưỡng theo phương thức “một chuyến bay, nhiều điểm đến.” Theo đó, du khách có thể đến Bình Định hoặc Khánh Hòa rồi tiếp tục tham quan nghỉ dưỡng tại Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên...
Tỉnh Bình Định, chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã đón 155.730 du khách, tăng 40% so với năm trước; tạo ra cuộc khủng hoảng thừa “du khách” tạm thời trên địa bàn tỉnh.
Trong cuộc họp ngay sau Tết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long yêu cầu ngành Du lịch rút kinh nghiệm và có phương án, kịch bản chuẩn bị cho mùa du lịch Hè có khả năng lượng du khách đến địa phương tăng lên gấp 2-3, thậm chí 4 lần so với các năm trước.
Nhắc đến Quảng Ngãi, du khách sẽ nghĩ ngay đến huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn - “thiên đường” giữa biển khơi. Nơi đây chứa nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử, địa chất, địa mạo độc đáo, hiếm có, được định danh trên bản đồ du lịch Việt Nam và được quy hoạch là điểm du lịch quốc gia trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030…
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn cho hay, huyện đã có những động thái phục hồi lại ngành Du lịch.
Theo đó, huyện chú trọng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ, ấn phẩm du lịch; liên kết với đơn vị tổ chức sự kiện, công ty lữ hành để xúc tiến, tổ chức lễ hội, hội thao, hội thảo, đoàn FAMTRIP khi dịch bệnh được khống chế; ban hành chính sách mới hỗ trợ người làm du lịch; tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc để “giữ chân” du khách khi đến với Lý Sơn.
Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19
Để giữ vững và phát triển hơn nữa vị thế, thương hiệu du lịch Nha Trang-Khánh Hòa, một trong những yêu cầu tỉnh đặt ra cho đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tham gia tổ chức hoạt động du lịch là các hoạt động được tổ chức quy mô, chất lượng, hiệu quả, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, có tính sáng tạo, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức phải đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế tại từng thời điểm.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, năm nay, Sở sẽ làm đầu mối tổ chức các chương trình, hội nghị trực tuyến xúc tiến hợp tác du lịch giữa ngành Du lịch địa phương với đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế; thành lập, triển khai hoạt động của Tổ tư vấn xúc tiến và phát triển thị trường du lịch Khánh Hòa.
Sở khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp du lịch trên địa bàn mở cửa, đa dạng hóa, làm mới sản phẩm để thu hút khách du lịch; xây dựng, tổ chức hoạt động, sự kiện văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, du lịch, chương trình kích cầu du lịch… nhằm thu hút du khách đến với Nha Trang-Khánh Hòa.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 1.140 cơ sở lưu trú với hơn 52.000 phòng, trong đó có 92 cơ sở lưu trú quy mô 3-5 sao (với trên 22.000 phòng), đủ năng lực đáp ứng, tiếp nhận và phục vụ từ 7-8 triệu lượt du khách/năm.
Vì vậy, khi lượng du khách quốc tế có điều kiện gia tăng sẽ là yếu tố thuận lợi cho quá trình phục hồi du lịch tại Khánh Hòa.
Tỉnh Bình Định có 387 cơ sở lưu trú với gần 12.000 phòng, trong đó cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng đạt chuẩn gồm một khách sạn 5 sao và 10 khách sạn 4 sao với 2.636 phòng, 82 khách sạn từ 1-3 sao với 3.114 phòng và 294 cơ sở lưu trú đạt chuẩn du lịch (7.022 phòng).
Đảo Kỳ Co trong vài năm trở lại đây luôn là một điểm thu hút khách du lịch đến tham quan vui chơi nhiều nhất Bình Định. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+ |
Tuy nhiên, con số này được dự báo sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách đến Bình Định vào những lúc cao điểm nhất. Vì vậy, địa phươngđã đề ra nhiều chương trình khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, với nhiều ưu thế và tiềm năng vượt trội về danh lam, thắng cảnh, địa phương có nền tảng vững chắc để vươn lên mạnh mẽ, trở thành một “trung tâm du lịch mới” của miền Trung.
Toàn tỉnh có 385 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với quy mô 6.250 buồng; trong đó có 8 khách sạn từ 3-5 sao với gần 1.000 buồng phòng. Một số cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch mới được đầu tư xây dựng ở khu vực ven biển có quy mô lớn và đủ điều kiện phục vụ khách quốc tế. Năm 2022, tỉnh Phú Yên ước đón 2 triệu lượt khách, trong đó có hơn 20 nghìn khách quốc tế.
Bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngành Du lịch đã chủ động triển khai sớm các biện pháp để mở cửa du lịch trở lại.
Giai đoạn mở cửa lần hai bắt đầu từ tháng 2-6/2022, Sở đã chỉ đạo các địa phương, địa bàn trọng điểm, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xây dựng phương án phòng, chống dịch hiệu quả, trang bị lại cơ sở vật chất để sẵn sàng mở cửa đón khách.
Toàn tỉnh hiện có 360 cơ sở lưu trú, với tổng số 4.750 phòng… đủ năng lực đáp ứng, tiếp nhận trên dưới 1 triệu lượt khách mỗi năm. Đây là yếu tố thuận lợi để tỉnh phấn đấu đón khoảng 720.000 lượt khách năm trong 2022 (khách quốc tế là 20.000 lượt), doanh thu khoảng 985 tỷ đồng.
Theo nhận định, lượng khách du lịch đến Nam Trung Bộ tăng đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ tăng cao. Vì thế, các địa phương đều chú trọng thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Tại điểm kinh doanh du lịch, dịch vụ, danh lam thắng cảnh, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đều tuyên truyền, nhắc nhở du khách thực hiện "5K...”
Anh Nguyễn Đình Phú Anh, du khách đến từ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai ngày đi tham quan ở các điểm tại Phú Yên như Gành Đá Đĩa, Nhà thờ Mằng Lăng, Mũi Điện rồi về đến khách sạn, cả gia đình anh được hướng dẫn, nhắc nhở quét mã QR qua ứng dụng PC-COVID, đeo khẩu trang đầy đủ.
Qua những ngày đi du lịch tại Phú Yên, anh thấy các điểm phục vụ rất chu đáo, có nhân viên nhắc nhở khử khuẩn, đo thân nhiệt thường xuyên…
Hiện nay, Phú Yên đã mở cửa lại hầu hết hoạt động du lịch trên địa bàn để đón khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng…
Các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Du khách có thể lựa chọn hình thức đi theo tour trọn gói, khép kín do các công ty lữ hành tổ chức hoặc khách đi lẻ tự chọn dịch vụ gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên chia sẻ, những tháng đầu năm 2022, hoạt động đón khách du lịch tại địa phương đảm bảo quy định, điều kiện về phòng, chống dịch và tiêu chí về đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với việc đón du khách quốc tế, địa phương đã chủ động lên các phương án phòng, chống dịch nhưng đang chờ thêm sự hướng dẫn thống nhất từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trước mắt, tại các điểm tham quan, kinh doanh du lịch, lực lượng chức năng duy trì việc tuyên truyền nhắc nhở du khách thực hiện 5K. Những người tham gia hoạt động kinh doanh, phục vụ du lịch ưu tiên tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng COVID-19 theo quy định.
Đây là một trong những điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi mở cửa đón khách quốc tế.
Phó Giám đốc Phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Phương Hoa cho biết, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các cơ sở kinh doanh du lịch về kỹ năng xử lý khi phát hiện trường hợp F0 hoặc nghi nhiễm nhằm đảm bảo an toàn cho du khách cũng như nhân viên.
Các tỉnh khác trong khu vực nam Trung Bộ đã quán triệt tất cả điểm đến, nhà hàng, khách sạn, nhân viên du lịch… tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của ngành Y tế và 5K để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hạn chế tối đa ca mắc mới, tạo môi trường an ninh, an toàn nhằm phục hồi phát triển du lịch trong điều kiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)