Báo xuân

Năm Tỵ nói chuyện mãng xà trên Cửu Đỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cửu Đỉnh- công trình nghệ thuật bằng đồng đặc sắc nhất, được đánh giá như một tượng đài văn hóa Việt vừa được Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là báu vật quốc gia. Trong số 9 linh vật trên Cửu Đỉnh thì mãng xà tức rắn lớn được khắc nổi ở hông Huyền Đỉnh đặt hàng thứ tư bên phải trước sân Thế Miếu (Đại nội Huế) tượng trưng cho sự huyền kỳ.

Địa dư chí Việt Nam

 

Hình ảnh mãng xà khắc nổi trên hông Huyền Đỉnh (chiếc đỉnh tương ứng với miếu hiệu vua Duy Tân đặt trước sân Thế Miếu hàng thứ tư bên phải). Ảnh: Bùi Oanh

Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Trải qua 143 năm (1802-1945), vương triều Nguyễn đã để lại nhiều công trình văn hóa có giá trị trên vùng đất Phú Xuân (cố đô Huế ngày nay). Một trong những công trình tiêu biểu trong tổng thể các giá trị văn hóa mà vương triều Nguyễn để lại chính là Cửu đỉnh (9 cái đỉnh lớn). Đó là một công trình đồ sộ được đặt trong đại nội Huế. Đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn rất nguyên vẹn được đặt trước Hiển Lâm các, đối diện với Thế miếu. Cửu đỉnh là một cuộc triển lãm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh. Tất cả 153 mảng hình trên Cửu đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học hồi đầu thế kỷ XIX.
 

Cửu Đỉnh- báu vật quốc gia Việt Nam đặt trước sân Thế Miếu (Đại nội Huế). Ảnh: Bùi Oanh

Bộ Công tổ chức đúc Cửu Đỉnh bằng đồng tại kinh đô Huế vào năm 1836 dưới thời vua Minh Mạng. Công việc đúc và sau đó gia công hoàn chỉnh mất 15 tháng, đến tháng Giêng năm Minh Mạng XVIII (3-1837) thì hoàn thành. Công trình này đặt thành hàng ngang trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn trong Đại nội Huế. Mỗi đỉnh đối diện với một gian thờ trong tòa miếu. Riêng đỉnh tương ứng với gian thờ vua Gia Long đặt hơi nhích về phía trước, vì vua Minh Mạng cho rằng đó là vị hoàng đế có công khai sáng triều đại. Ở mặt trước hông các đỉnh đều đúc nổi hai chữ đại tự với chữ dưới là chữ đỉnh và chữ trên là tên gọi tắt miếu hiệu từng vị vua. Chẳng hạn, Cao Đỉnh là miếu hiệu vua Gia Long, Nhân Đỉnh là miếu hiệu vua Minh Mạng…, cứ thế lần lượt theo thứ tự các chữ từ vị vua đầu nhà Nguyễn là Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ và Huyền.

Điểm nhấn trong việc trang trí quanh hông các đỉnh đồng được người xưa đúc nổi 153 cảnh vật, phân bố theo biểu đồ chung và được chia làm ba hàng ngang, mỗi hàng một chủng loại. Đặc biệt, bằng kỹ thuật khắc nổi vừa phải, các họa tiết hoa văn trên Cửu Đỉnh tuy để trang trí mặt ngoài, nhưng không lặp lại quy luật, mà mỗi hình như là một tác phẩm điêu khắc độc lập, giàu tính nhân gian, được khắc lên thân đỉnh, tạo ra nhịp điệu uyển chuyển. Sự đa dạng, tính thống nhất, cái tinh tế và sự hài hòa đã thể hiện tư duy người thợ đúc đồng thời bấy giờ. Một tư duy sáng tạo và năng động. Qua đó, nhắn nhủ thông điệp có tính thống nhất, vững bền, thịnh vượng và giàu tính nhân văn.

Khách ngoại quốc đang đối chiếu vị trí từng chiếc đỉnh đồng đặt trước sân Thế Miếu tương ứng với miếu hiệu các vua Nguyễn. Ảnh: Bùi Oanh

Cách khác, họa tiết hoa văn trên Cửu Đỉnh hàm chứa quyền lực vương triều Nguyễn bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ và thiên nhiên của đất nước (kể cả vùng trời và biển), cùng với sức mạnh bảo vệ chủ quyền sở hữu ấy. Có thể xem những khắc họa trên Cửu đỉnh như một bộ “Địa dư chí” bằng ngôn ngữ tạo hình nước Việt Nam ở thế kỷ XIX, không đầy đủ nhưng điển hình, đúng như yêu cầu vua Minh Mạng khi chỉ đạo bộ Công thực hiện công trình này: “Nay đúc đỉnh, khắc hình tượng sông núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để nhận biết”.

Vua loài rắn

Mãng xà khắc trên hông Huyền Đỉnh (chiếc đỉnh tương ứng với miếu hiệu vua Duy Tân đặt trước sân Thế Miếu) là con rắn to, thuộc bộ có vảy. Nhiều sách chép là mãng vương xà tức vua loài rắn. Theo quan niệm dân gian, rắn là vị thần (thần Lốt) ở miền sông nước. Mãng xà lớn nhất trong loài rắn nên gọi là vương xà với mắt tròn, mùa xuân và mùa đông ở trên cạn, mùa hạ và mùa thu ngâm mình dưới nước. Ở Việt Nam, những tỉnh có vùng bán sơn địa, nhiều sình lầy, đầm hồ, mãng xà thường ẩn cư. Thịt mãng xà có nhiều chất bổ, xương của nó được bào chế để làm thuốc chữa trị tê thấp, gân cốt, rất hiệu quả. Rắn (tỵ) được xếp đứng thứ sáu trong địa chi 12 con giáp.

 

Khách ngoại quốc đang trao đổi về những họa tiết hoa văn khắc trên Cửu Đỉnh. Ảnh: Bùi Oanh

Việc chọn hình ảnh mãng xà để khắc lên Huyền đỉnh cũng là một ngụ ý rất thâm sâu của vua Minh Mạng, bởi chính loài rắn đã có một chỗ đứng trong lịch sử tồn tại của vương triều Nguyễn mà cụ thể là với vua Gia Long - vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn đồng thời là cha đẻ của vua Minh Mạng. Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) đã đánh đổ được nhà Tây Sơn để lập ra một vương triều thống nhất (triều Nguyễn). Nhưng ngược lại lịch sử để thấy rằng, ngôi vị mà Gia Long dành được cũng phải đánh đổi bằng nhiều hiểm nguy. Nguyễn Ánh đã nhiều lần bị quân Tây Sơn truy kích, có lúc tưởng như không thể vượt qua nổi, phải bôn ba hết nơi này đến nơi khác, cuối cùng mới giành được chiến thắng. Đặc biệt, trong những ngày bôn ba để chống lại sự truy đuổi của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã được rắn thần trợ giúp. Đó là khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy kích phải chạy đến mãi vùng biển Hà Tiên - Phú Quốc. Khi bị truy đuổi, Nguyễn Ánh và những người tùy tùng phải đi thuyền nhỏ ra Hà Tiên, Phú Quốc, trong đêm tối không trông thấy gì, tự nhiên có đàn rắn cõng thuyền vượt bể đi tới Hà Tiên. Sách “Đại Nam thực lục” đã chép sự kiện này như sau: “Năm 1782, vua đến Hà Tiên, đi thuyền nhỏ qua biển. Đêm tối không thấy rõ, ở gầm thuyền hình như có vật gì đội, tang tảng sáng nhìn ra thì đó là một đàn rắn. Người đi theo đều lấy làm sợ. Vua giục cứ đi, một lát thì đàn rắn đi mất”.

Trong quan niệm của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, hình tượng con rắn không được thân thiện như những con vật khác. Nhiều người thường xem rắn là con vật nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. Chính vì vậy mà khi thấy rắn là người ta chỉ muốn đánh chết nên dân gian có câu: “Đánh rắn là phải đánh dập đầu”, hoặc khi nói đến một người không tốt, có tâm địa hiểm ác, người ta lại nói: “Khẩu phật tâm xà”... Sự kỳ thị của nhân gian đối với loài rắn là như vậy nhưng rắn vẫn chi phối nhiều trong đời sống xã hội như dùng rắn ngâm rượu hay dùng rắn để chữa bệnh.

9 chiếc đỉnh đồng đều có dáng chung giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là Minh Mạng thập lục niêm Ất Mùi” (1836), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh có khác nhau xê dịch từ 3.201 cân ta đến 4.307 cân ta. Trong quá trình nghiên cứu điền dã, nhà văn Dương Phước Thu đã có một phát hiện thú vị: Tất cả các loại cảnh vật khắc nổi trên Cửu Đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9 (9 ngọn núi lớn, 9 con sông, 9 loài chim, 9 linh vật…). Nhà văn Dương Phước Thu lý giải, người xưa xem con số 9 là số nhiều, đầy đủ nhất đến mức hoàn tất, để rồi sang con số 10 sẽ trở lại từ đầu theo một chu kỳ mới. Là một lịch đại đầy đủ.

Dù đã trải qua gần 2 thế kỷ, nhưng Cửu Đỉnh vẫn được coi là một trong những tuyệt tác của nghệ thuật đúc đồng, di sản văn hóa lịch sử đặc sắc có một không hai của Việt Nam. Cửu Đỉnh cung cấp nhiều thông tin, trong đó có những hình ảnh khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm