Phóng sự - Ký sự

Nạn tự tử ám ảnh đồng bào vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cách chọn cái chết cũng tùy điều kiện bột phát, có thể là uống ly thuốc trừ cỏ, nhai vài chiếc lá ngón hoặc thắt cổ.
Lãng nhách
Hầu hết nguyên nhân dẫn đến những cái chết nói trên là hết sức… lãng nhách, vậy mà nó như một sự ám ảnh cứ mãi đeo đuổi các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi ở Bình Định từ xưa đến nay.
 
“Rừng ma” (nghĩa địa của đồng bào dân tộc ở huyện An Lão (Bình Định), nơi ngôi mộ của những người chết do tự tử thường bị xa lánh
Lời ăn tiếng nói hạn chế, gặp khi có chuyện cãi vã với người trong gia đình, ngôn ngữ không thể giải bày tâm sự, ức chế, thế là tìm đến cái chết. Bị người làng miệt thị mình kém cỏi, khinh khi mình nghèo nàn, cũng tìm đến cái chết. Xin tiền cha mẹ mua xe máy, cha mẹ không cho, cũng tìm đến cái chết…
Mới đây, Công an huyện miền núi An Lão (Bình Định) vừa đưa con số thống kê đáng báo động: Trong 2 năm 2017 và 2018, trên địa bàn huyện này đã xảy ra 31 vụ tự tử khiến 5 người tử vong, 26 người khác may mắn được người trong gia đình kịp thời cứu sống. Vấn nạn tự tử như “con ma” ám ảnh những cư dân sinh sống giữa đại ngàn An Lão, xảy ra nhiều nhất trong cộng dồng người dân tộc H’rê ở các xã vùng cao An Nghĩa, An Quang, An Trung và An Toàn. “Con ma tự tử” không chỉ ám ảnh người già, trung niên, mà nó còn “quấy phá” cả những người trẻ tuổi.
Huyện miền núi Vĩnh Thạnh cũng là “điểm nóng” của Bình Định về nạn tự tử. Địa phương thường xảy ra những cái chết “lãng nhách” nhất là ở xã vùng cao Vĩnh Sơn. Ví như câu chuyện của cháu Đ.T.Q ở làng K4 xã Vĩnh Sơn, Q. tìm đến cái chết khi chỉ bước vào tuổi 15. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Q. nghe rất… vô duyên. Q. đi học, nhìn thấy bạn bè “lả lướt” ngồi trên xe máy phóng vù vù. Mê quá, Q. về nhà xin tiền mua chiếc xe máy để đi học cho bằng bạn bằng bè.
Cha mẹ Q, bảo là nhà không có tiền, nhưng hứa là sau khi bán con trâu sẽ cho tiền mua xe. Q. ôm hy vọng háo hức đợi ngày con trâu xuất chuồng và khoe với bạn bè là mình cũng sắp có xe. Thế nhưng con trâu là tư liệu sản xuất, làm ra lương thực nuôi sống gia đình nên cha mẹ Q. chỉ hứa cho qua chuyện chứ không nỡ bán. Chờ hoài không thấy xe đâu, thất vọng, lại xấu hổ với bạn bè. Tâm lý buồn chán kéo dài, một hôm nhìn thấy chai thuốc diệt cỏ để trong nhà, thế là Q. uống vài ngụm tìm đến cái chết.
Cái chết của anh Đ.X ở làng K5 xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) nghe càng bi hài hơn. X. là thanh niên trai tráng, nhưng không chịu làm ăn mà cứ tụ tập bạn bè chìm trong men rượu suốt ngày, vợ khuyên bảo hoài không nghe. Người vợ nghĩ ra cách “trừng phạt” cái tính lười biếng của X. bằng cách không cho “làm chuyện vợ chồng”. Nhiều lần “đòi yêu” nhưng vợ không cho, X. đã nhiều lần hăm he sẽ tự tử. Người vợ vẫn kiên tâm “trừng phạt” X. đến khi anh chịu làm ăn. Một đêm, sau khi “đòi yêu” mà vợ không đáp ứng, tức tối quá, lại có men rượu trong người, X. ra sau vườn treo cổ tự tử để giải thoát nỗi ức chế.
Đó chỉ là đơn cử vài trường hợp điển hình của hàng trăm cái chết “lãng nhách” xảy ra từ xưa đến nay tại các địa phơng miền núi ở Bình Định. “Trong thực tế, hầu hết các trường hợp tự tử đều không thể xác định chính xác, rõ ràng nguyên nhân. Hành động tự tử thường mang tính tức thời, ẩn sâu trong tiềm thức chủ quan của người muốn tìm đến cái chết nên rất khó phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Đây là thách thức, khó khăn đối với chính quyền các địa phương và các cấp, ngành chức năng liên quan trong việc ngăn chặn hủ tục lạc hậu này”, ông Nguyễn Lợi, Phó trưởng phòng Dân tộc huyện An Lão, bộc bạch.  
Ngăn chặn
Trên địa bàn Bình Định có 31 dân tộc thiểu số với khoảng 8.356 hộ (34.761 nhân khẩu), chủ yếu là 3 dân tộc: Chăm, Bana, H’rê và một số dân tộc khác như: Thái, Tày, Mường, Dao, Gia Rai, K’ho… sống rải rác tại những vùng rừng núi ở 121 làng, thôn tập trung tại các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
 
Người làng sau khi đưa tang người chết do tự tử, trước khi quay về làng phải bước qua lửa để “xua” đi nỗi ám ảnh, không mang cái suy nghĩ tiêu cực về với người làng
Bình Định hiện có khoảng 336 già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Lực lượng này là nhân tố nòng cốt, có ảnh hưởng trên tất cả các lĩnh vực trong cộng đồng. Nhiều già làng, người có uy tín đã mạnh dạn đấu tranh với các tệ nạn xã hội, là lực lượng tiên phong trong công tác ngăn chặn tệ nạn tự tử. Tuy nhiên, cái ý định tự tử nằm trong đầu của mỗi người, bột phát bất kỳ nên gây khó cho công tác ngăn chặn.
Theo ông Nguyễn Lợi, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện An Lão, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ tự tử trong cộng đồng đồng bào dân tộc H’rê là vì tộc người này có tâm lý tự ti, tự ái rất cao. Không cứ gì phải cãi nhau ầm ĩ, chỉ 1 lời nói nặng, 1 việc làm không vừa ý cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến 1 vụ tự tử. Đã mang sẵn tâm lý tự ti, tự ái gặp lúc rượu vào mà xảy ra những bất đồng với người trong gia đình, người hàng xóm, là lập tức sự “chán sống” được đẩy lên cao. Những người mang trong người trọng bệnh kéo dài cũng thường tìm đến cái chết để tự “giải thoát”.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết cách đây 20 năm, nhận thấy vấn nạn tự tử tại địa phương có xu hướng ngày càng lan rộng và trở thành tập tục xấu cần ngăn chặn, Ban Thường vụ huyện ủy An Lão đã kịp thời ban hành hẳn Chỉ thị về việc “Đẩy mạnh công tác phòng ngừa và ngăn chặn nạn tự tử ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, đi kèm là 1 khoản kinh phí khá lớn để các địa phương duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ nạn tự tử. Với sự phối hợp gắn bó của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện, những năm đầu thực hiện đã cho thấy những chuyển biến tích cực. Thế nhưng khi sự “gắn bó” nói trên bị rời rạc thì tình trạng tự tử lại tái diễn phức tạp.
Trước tình trạng này, Bình Định đang đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tệ tự tử có hiệu quả. Đơn cử như ở An Lão, hàng năm, các ngành các cấp của huyện này tổ chức 2 đợt “về với dân” để nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con tại từng gia đình. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng liên quan của tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư. Riêng tại xã, thôn, thường xuyên tuyên truyền các tác hại của hủ tục tự tử và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh để hướng bà con đến với nếp sống lạc quan, tích cực; tránh những suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Theo ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, giữa tháng 2/2019 vừa qua, An Lão đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động phòng ngừa, ngăn chặn tệ tự tử trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch, chính quyền các địa phương, các ngành, các cấp thống kê, rà soát, xác định cụ thể 5 nhóm người có nguy cơ tự tử, tự sát cao.
Trong đó, nhóm 1 là những người có ít nhất 1 lần tự tử, nhưng được cứu sống. Nhóm 2 là những người biểu lộ ý định tự tử thông qua lời nói. Nhóm 3 gồm những người là nạn nhân trong các vụ phân biệt đối xử, bạo hành gia đình kéo dài. Nhóm 4 là đối tượng người già, phụ nữ neo đơn bị đau ốm lâu ngày hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Cuối cùng là nhóm những người mắc bệnh trầm cảm, hoang tưởng.
“Đối với từng nhóm, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương có phương pháp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ cụ thể. Định kỳ hằng tháng, thôn, xã rà soát, báo cáo kết quả tuyên truyền, vận động; chuyển biến tâm lý của từng người thuộc các nhóm đối tượng để kịp thời có hướng chỉ đạo giải quyết. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể phát động hội viên đăng ký cam kết gia đình không có người tự tử; thực hiện xây dựng “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “đơn vị văn hóa”. Đặc biệt, đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bám sát địa bàn dân cư; tuyên truyền, giải thích, vận động, hòa giải kịp thời những vụ việc mâu thuẫn trong người dân”, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, nói.
Trần Hạ Môn (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm