Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới xác định mục tiêu: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Những năm qua, Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Nhiều mô hình hiệu quả

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21, những năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương và người dân về công tác dân số. Tăng cường ứng dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng các dịch vụ khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xây dựng đồng bộ các đề án, chương trình về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… nhằm hướng đến mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được đổi mới về phương pháp, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới. Nội dung tuyên truyền trên các kênh thông tin được tiến hành thường xuyên và ngày càng mở rộng. Hàng năm, ngành Y tế-Dân số tổ chức ký kết kế hoạch liên tịch với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền công tác dân số. Mở chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh; truyền thanh, truyền hình huyện, thị xã, thành phố, lồng ghép nội dung tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên vào chương trình ở các trường phổ thông. Đến nay, hầu hết các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã có những hiểu biết nhất định về các biện pháp tránh thai, chăm sóc SKSS và nâng cao chất lượng dân số.

 Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Thành (huyện Đak Pơ) tuyên truyền về chính sách dân số và KHHGĐ cho hội viên (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Đinh Yến
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Thành (huyện Đak Pơ) tuyên truyền về chính sách dân số và KHHGĐ cho hội viên (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Đinh Yến


Các cuộc vận động về thực hiện chính sách dân số gắn với xây dựng nếp sống văn minh, môi trường sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được duy trì thường xuyên. Các địa phương đã lồng ghép, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và KHHGĐ vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Nội dung quy định về công tác dân số được lồng ghép đưa vào quy chế cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện; đồng thời, coi đó là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét các danh hiệu thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Hàng năm, ngành Y tế tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các địa bàn có mức sinh cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp đỡ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh chọn cho mình biện pháp tránh thai phù hợp, tránh việc sinh dày và sinh nhiều. Cấp phát các phương tiện tránh thai miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh ta đã hỗ trợ trên 5,2 tỷ đồng cho 2.512 phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Dân số-KHHGĐ cấp huyện (nay là Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế) và các trường THPT, THCS tổ chức các hoạt động ngoại khóa về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên, lồng ghép nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới trong các trường học thông qua hoạt động ngoại khóa. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật và nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo báo cáo thống kê chuyên ngành dân số, tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 của tỉnh là 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, đạt tỷ số giới khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên.

Dịch vụ chăm sóc SKSS ở tất cả các tuyến đã được đầu tư nâng cấp. Mạng lưới dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã có đều khắp tại các xã, đáp ứng phần lớn nhu cầu chăm sóc sản khoa thiết yếu. Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đều có khoa sản. Đa số các huyện, thị xã, thành phố đã có phòng khám sản phụ khoa tư nhân. Tỷ lệ trạm y tế xã có nữ hộ sinh đạt 100%. Công tác quản lý thai sản được quan tâm, số phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế tăng so với giai đoạn trước đây, giảm đáng kể tỷ lệ bà mẹ sinh đẻ tại nhà, tại nương rẫy, sinh đẻ không có cán bộ y tế tham gia đỡ đẻ, góp phần tích cực nâng cao chất lượng chăm sóc bà mẹ trẻ em, hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng công tác dân số và phát triển

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số của Gia Lai đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động chưa theo kịp yêu cầu trong tình hình mới, chưa chú ý đến việc phát triển các mô hình truyền thông tại cộng đồng. Kiến thức và kỹ năng sống của trẻ vị thành niên và thanh niên về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình còn hạn chế. Tỷ lệ sinh con thứ 3 ở một số địa phương có xu hướng gia tăng. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Ngân sách chi cho hoạt động dân số-KHHGĐ ngày càng giảm. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, SKSS vị thành niên vẫn còn thiếu và yếu.

Để từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số. Nội dung truyền thông, vận động phải chuyển trọng tâm chính sách dân số-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Đẩy mạnh chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Công tác truyền thông, vận động theo hướng chủ động nâng cao chất lượng dân số và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, địa phương.

Triển khai tốt hơn công tác truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tập trung truyền thông thực hiện xã hội hóa về dân số và phát triển, như: khám sức khỏe tiền hôn nhân; thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; chấp nhận phương tiện tránh thai và dịch vụ hàng hóa SKSS theo hình thức xã hội hóa. Chú trọng giáo dục kiến thức và kỹ năng sống cho thanh niên, trẻ vị thành niên về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình bằng nhiều hình thức phù hợp.

Chú trọng thực hiện các mô hình dự án liên quan đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, phòng tránh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, phòng tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản và tai biến sản khoa. Từng bước phát triển chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi.

Triển khai thực hiện đăng ký dân số và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thống nhất dùng chung đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội. Cung cấp số liệu đầy đủ, tin cậy và dự báo dân số chính xác phục vụ việc lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng và thực hiện các chiến lược quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

 

 TỐNG THỚI MỐC

Có thể bạn quan tâm