Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nâng cao chất lượng dân số: Mục tiêu xuyên suốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu phấn đấu trong nhiều thập kỷ qua. Để thực hiện mục tiêu này, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần ngay từ giai đoạn đầu đời của con người.
Đầu tư cho tương lai
Những năm qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, đề án, chương trình để nâng cao chất lượng dân số như: tầm soát, chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số...
Với Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, 11 năm qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai thực hiện tại 220 xã, phường, thị trấn. 12 bệnh viện và các trung tâm y tế trong tỉnh thực hiện chức năng lấy mẫu máu thường xuyên để tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, qua đó phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi để trẻ sinh ra khỏe mạnh, tránh hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh. 
Bác sĩ Bùi Sao Mai (Phòng khám Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Việc tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh được chú trọng triển khai, giúp phát hiện sớm, can thiệp kịp thời những bất thường hay dị tật của thai nhi. Từ 11 đến 13 tuần tuổi của thai kỳ, các thai phụ nên siêu âm đo độ mờ da gáy để tầm soát hội chứng down hoặc lấy máu xét nghiệm tầm soát dị tật ở em bé. Bà mẹ bỏ qua giai đoạn này thì khoảng 17 tuần có thể làm double test cho thai kỳ. Đây là thời điểm có thể siêu âm để coi được mặt mũi, tay chân của em bé và những bất thường nếu có”.
Chị Nguyễn Thu Oanh (đường Bùi Dự, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi mang thai được 8 tuần tuổi. Vì có tiền sử thai lưu nên phải thường xuyên thăm khám. Bác sĩ khuyên trong thời gian thai 11-13 tuần tuổi là giai đoạn dễ dàng phát hiện những bất thường nên cần đến thăm khám. Bản thân tôi đi khám thường xuyên để có gì bất thường thì can thiệp kịp thời, sinh con được khỏe mạnh”.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Ia Sao (huyện Ia Grai) vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình để nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: Đinh Yến
Là địa phương thực hiện hiệu quả công tác truyền thông DS-KHHGĐ, bà Phan Trần Hiền-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Kông Chro) thông tin: Từ năm 2018 đến nay, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tích cực, nhân rộng tại 6 xã, thị trấn và 2 trường THCS, THPT của huyện. Đơn vị đã tổ chức được 90 buổi truyền thông vận động thu hút trên 5.000 lượt người tham gia; 130 buổi tư vấn cho 8.000 lượt đối tượng. Riêng hoạt động khám sức khỏe tiền hôn nhân đã thực hiện cho 178 đối tượng vị thành niên và thanh niên.
Nâng cao chất lượng dân số
Bà Nguyễn Thị Nhiễu-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Ia Grai) cho biết: Thời gian qua, đội ngũ làm công tác dân số đã tích cực triển khai các mô hình, hoạt động, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số. Các chương trình, dự án như chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng-chống các bệnh xã hội, các bệnh không lây nhiễm… được triển khai tích cực và thu được những kết quả nhất định. 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được chăm sóc sức khỏe sinh sản; khám thai ít nhất 3 lần trong thai kỳ đạt trên 99,6%; không để xảy ra ca mắc tai biến sản khoa, cũng như trường hợp tử vong mẹ; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 100%.
Nhiều năm trước, làng Dut (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) thường xảy ra tình trạng tảo hôn. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra nắm bắt tình hình, xử lý các trường hợp vi phạm, địa phương đã đưa công tác DS-KHHGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, xây dựng giải pháp mạnh và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Chị Rơ Chăm Bỉh-cộng tác viên dân số làng Dut-chia sẻ: “Đến nay, tình trạng tảo hôn được loại bỏ. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, cán bộ, cộng tác viên dân số trong công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền pháp luật, hôn nhân và gia đình; đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế, tăng thu nhập”.
Ông Vương Nhật-Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh-thông tin: “Thời gian tới, ngành Dân số-KHHGĐ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững. Xây dựng và thực hiện chính sách dân số mới mà trọng tâm là “Dân số và phát triển”. Kiện toàn củng cố và ổn định hệ thống tổ chức và cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách và cộng tác viên thông qua tuyển chọn, tập huấn bồi dưỡng đào tạo, đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ y-bác sĩ đáp ứng công tác dịch vụ, kỹ thuật KHHGĐ để đảm bảo mục tiêu nhiệm vụ đề ra”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm