Thời sự - Bình luận

Nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giám sát là một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội bao gồm cả giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành pháp. Nâng cao hiệu quả giám sát là cách để Quốc hội củng cố và nâng cao quyền lực của cơ quan dân cử cao nhất của đất nước.

Những khóa gần đây, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có bước tiến đáng kể và đạt nhiều kết quả nổi bật. Hoạt động giám sát được xem là nội dung trọng tâm và then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đồng thời qua đó tác động tích cực tới việc thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các hình thức, phương thức giám sát của Quốc hội được mở rộng và tăng cường; việc chất vấn, tranh luận trên nghị trường ngày càng sôi nổi, thực chất. Việc lựa chọn chủ đề chất vấn, tìm tòi đổi mới công tác chất vấn ngày càng được quan tâm và đạt kết quả cụ thể.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội, được đa dạng hóa, kết hợp hài hòa giữa hoạt động giám sát thường xuyên qua các báo cáo, với giám sát, khảo sát chuyên đề và hoạt động giải trình; không giám sát theo kiểu “hậu kiểm” mà giám sát ngay những vấn đề đang được triển khai. Từ đó tạo chuyển biến rất lớn trong hoạt động của Quốc hội, cùng Chính phủ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển đất nước.

Một trong những hình thức giám sát thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dân và dư luận xã hội là công tác lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, được tổ chức đúng quy trình, quy định của pháp luật, tiến hành cẩn trọng, chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công khai và được đại biểu Quốc hội, cử tri và người dân đồng tình, đánh giá cao. Đây là cách giám sát mang lại kết quả nhiều mặt, giúp những cán bộ trong diện được lấy phiếu tín nhiệm có cơ hội nhìn nhận lại mình, biết phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm, tự soi, tự sửa để ngày càng tốt lên, giỏi hơn, xứng đáng với sự kỳ vọng của cử tri.

Thành công là cơ bản. Tuy nhiên, tại hội nghị về công tác giám sát mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn một số tồn tại cần quan tâm chấn chỉnh. Đó là giám sát chuyên đề chưa bảo đảm hài hòa giữa tính toàn diện và tính trọng tâm, trọng điểm; còn tình trạng nể nang, né tránh khi chưa chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội chưa có những kết quả nổi bật, chưa bảo đảm tính linh hoạt, bám sát hơi thở cuộc sống; việc phản ứng trước các vấn đề thực tiễn đang đặt ra còn chậm.

Cùng với đó, công tác phối hợp trên-dưới, dọc-ngang, trong-ngoài vẫn còn vướng mắc, khó khăn. Hoạt động giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, nhất là của cá nhân đại biểu chưa nhiều. Điều đáng nói là tình trạng tổ chức các đoàn giám sát rất hoành tráng, xuống tận nơi thì phát hiện nhiều, phát biểu hùng hồn, nhưng lại nể nang, né tránh, nghe giải trình xong, không có kết luận gì, không quy trách nhiệm cho ai, thành ra... hòa cả làng.

Cần hiểu rằng, giám sát không chỉ là để phát hiện vấn đề, đưa ra kiến nghị, mà cao hơn, còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát phải thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc: sai phạm cần phải được xử lý; chính sách chưa hoàn thiện cần phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Quốc hội giám sát không chỉ bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.

Tiếp tục đổi mới các hình thức giám sát, đặc biệt là giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; công khai, minh bạch để người dân, xã hội trực tiếp tham gia phản biện, giám sát việc triển khai thực hiện được xem là chế tài mạnh mẽ nhất để nâng cao vai trò, vị trí của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của quốc gia.

Có thể bạn quan tâm