(GLO)- Ngày 24-6, tại TP. Pleiku, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội thảo "Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực Duyên hải miền Trung-Tây Nguyên".
Các đồng chí: Triệu Tài Vinh-Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Hoàng Thị Hạnh-Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Dân tộc thiểu số, Vụ Tuyên truyền, Vụ Địa phương 2 (Ủy ban Dân tộc); đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai; 20 đại biểu người có uy tín trong đồng bào DTTS các huyện Mang Yang, Đức Cơ, Chư Prông và Kông Chro (tỉnh Gia Lai).
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Đinh Yến |
Hiệu quả chính sách hỗ trợ người uy tín
Người có uy tín có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở...
Thông tin tại hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết: Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch, nguồn kinh phí được giao và tình hình thực tế của địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động cung cấp thông tin cho người có uy tín với các nội dung, hình thức rất đa dạng, phong phú như hội nghị phổ biến pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; tọa đàm trao đổi thông tin; cung cấp các tài liệu, báo chí; tổ chức người có uy tín đi tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, trong giai đoạn 2011-2021, các địa phương trong cả nước đã tổ chức gần 4.500 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin về pháp luật và chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cho hơn 182.000 lượt người có uy tín; tổ chức 1.882 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho trên 118.000 lượt người có uy tín; tổ chức 1.040 đợt tham quan, giao lưu học tập tại huyện, tỉnh với trên 25.000 lượt người có uy tín tham gia. Bên cạnh đó, trong các dịp lễ, Tết hoặc khi người có uy tín bị ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn… đều được cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội các cấp thăm hỏi, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách. Qua đó, kịp thời động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò, có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội, là những tấm gương tiêu biểu để đồng bào DTTS tin tưởng, nghe và làm theo.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đinh Yến |
Tại hội thảo, lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh trong khu vực Duyên hải miền Trung-Tây Nguyên, đại diện người có uy tín của tỉnh Gia Lai đánh giá cao các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS nói chung và người có uy tín nói riêng, trong đó có Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg và hiện nay là Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Dơ Woang Ya Gương-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng-chia sẻ: Vai trò của người có uy tín trong cộng đồng rất quan trọng. Họ là lực lượng nòng cốt ở cộng đồng trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống. Vì thế, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách và phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. 10 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp dành cho người có uy tín như tuyên truyền, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ vay vốn ưu đãi… để phát triển kinh tế gia đình. Còn ông Phạm Duy Khánh-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa thì thông tin: Dân số tỉnh Khánh Hòa có trên 1,2 triệu người, với 36 dân tộc anh em đang sinh sống. Toàn tỉnh có 88 người có uy tín. Trong 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín, tỉnh Khánh Hòa đã bố trí nguồn lực với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.
Ông Nay Bíp-già làng, người có uy tín làng Tu II (xã Ia Ga, huyện Chư Prông) bày tỏ: Là người có uy tín, tôi luôn nêu cao trách nhiệm của mình trong cuộc sống với gia đình và dân làng. Những năm qua, người có uy tín chúng tôi luôn chung tay cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Liên quan đến vấn đề thực hiện chính sách và phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, Thượng tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết: Trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, người có uy tín đã đóng vai trò tích cực trong vận động, tuyên truyền nhân dân đoàn kết, thực hiện nếp sống văn minh, từ bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện ăn ở hợp vệ sinh, tích cực tham gia bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống…
Chăm sóc người có uy tín như người thân của mình
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội thảo, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đóng góp giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách và phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.
Cụ thể: Cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, chưa thực hiện tốt việc phân cấp quản lý, phân công thực hiện và bố trí nguồn kinh phí tương xứng để triển khai thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín ở địa phương. Về chế độ, chính sách, hiện mới chỉ ở mức hỗ trợ nên chưa thực sự tạo động lực đối với người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm được giao. Cùng với đó, chưa quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động đối với người có uy tín nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc rà soát, đánh giá, thực hiện chế độ, chính sách và công tác vận động đối với người có uy tín.
Thượng tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đinh Yến |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho rằng, hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Qua đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cũng kiến nghị một số nội dung điều chỉnh định mức hỗ trợ cho người có uy tín để phù hợp với thực tế hiện nay (liên quan tới hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khó khăn...). Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức thường xuyên các hội nghị tuyên truyền cho người có uy tín về các chính sách mới, công tác dân tộc; tổ chức định kỳ các buổi gặp mặt, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho người uy tín…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá cao những ý kiến, kinh nghiệm và giải pháp sát thực của các đại biểu. Đặc biệt, việc tổ chức Đại hội bầu chọn người uy tín là rất cần thiết. Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương mong muốn các địa phương tiếp tục cung cấp thông tin trong xây dựng Đề án nâng cao chất lượng truyền thông đối với người có uy tín. Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành các tỉnh cần tận dụng tối đa quyền năng để tham mưu giúp UBND tỉnh để chăm lo cho người có tín như người thân của mình.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh: Các ý kiến của đại biểu về các chế độ chính sách, đặc biệt là xây dựng Đề án chất lượng truyền thông như: cấp điện thoại, tivi, có cài sẵn app để trao đổi thông tin giữa người có uy tín với chính quyền các cấp; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc tại địa phương về cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện, xã để tham mưu giải pháp tháo gỡ nhằm thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phục vụ hoạt động chuyển đổi số trong công tác kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Dân tộc sẽ nắm bắt thông tin từ địa phương, các Ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành thông tin lại về chính sách. Về vấn đề khó khăn thực hiện chính sách cho người có uy tín cấp xã còn chưa được phân định, theo nguyên tắc thực hiện người có uy tín do địa phương trực tiếp quản lý, phân công, phân cấp. Đối với các thôn, làng không đủ điều kiện để quy định số lượng người có uy tín được bình chọn, chúng tôi tiếp thu và chia sẻ, cùng với đó cấp tỉnh cần bàn bạc, vận dụng cơ chế địa phương thực hiện phụ cấp.
ĐINH YẾN