(GLO)- Sau 1 năm thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được triển khai kịp thời đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai), góp phần tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội.
Ông Huỳnh Trọng Khánh-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang cho biết, ngay sau khi ban hành Quyết định số 251-QĐ/HU về việc “Thành lập đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở”, Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng quy chế hoạt động; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền như: kỹ năng công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở; nắm bắt dư luận xã hội và xử lý tình huống “điểm nóng” ở cơ sở; phương pháp chuẩn bị một bài tuyên truyền miệng. Với phương châm “bám dân, nắm cơ sở”, “tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi”, lực lượng tuyên truyền viên đã đưa thông tin nhanh, chính xác, kịp thời đến các tầng lớp nhân dân ở địa phương.
Tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại xã Kon Pne, huyện Kbang. Ảnh: M.N |
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang, thông qua các buổi họp dân tại các thôn, làng, tổ dân phố, sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng… đội ngũ báo cáo viên đã tranh thủ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Sau 1 năm hoạt động, đội ngũ này bước đầu đã phát huy hiệu quả, trở thành cầu nối trong công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, như: phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng cánh đồng mía lớn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.
Theo ông Lê Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne, sau khi thành lập đội tuyên truyền viên cấp xã, địa phương cũng đồng thời ban hành đề cương, xây dựng kế hoạch tuyên truyền định kỳ trên các lĩnh vực trọng điểm như: an toàn giao thông, hôn nhân gia đình, quản lý bảo vệ rừng. Ông Quang khẳng định: Kết quả dễ nhận thấy nhất là năm qua trên địa bàn xã Kon Pne không có trường hợp vi phạm về Luật Quản lý và Bảo vệ rừng; nhận thức của người dân về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết được nâng lên rõ rệt; người dân chấp hành tốt việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không chở quá số người quy định; tích cực tham gia góp sức xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở cũng như hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên của huyện vẫn còn một số hạn chế như: lực lượng tuy đông nhưng chưa mạnh do hoạt động kiêm nhiệm. Thời gian đầu tư cho nghiên cứu chưa sâu dẫn đến chất lượng tuyên truyền trên một số lĩnh vực chưa cao; trình độ học vấn, lý luận chính trị, kinh nghiệm thực tiễn của một số báo cáo viên ở cơ sở còn hạn chế nên việc truyền tải thông tin mang lại hiệu quả chưa cao.
Trao đổi với P.V về vấn đề này, chị Đinh Thị Nghiết-cán bộ Mặt trận làng Lợt (xã Nghĩa An) thừa nhận: Việc thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã gây ảnh hưởng đến kết quả tuyên truyền miệng. Do vậy, mỗi lần tổ chức thực hiện, chị phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu và cách thức tuyên truyền để người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Nhận thấy điều đó, Huyện ủy Kbang đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở để tham mưu củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh, gọn, chất lượng; đồng thời duy trì tổ chức các hội nghị định kỳ, tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết, đẩy mạnh cung cấp thông tin thời sự nhằm phát huy tối đa vai trò của lực lượng tuyên truyền viên cơ sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. “Ngoài tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động, kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền miệng, thời gian tới, chúng tôi tổ chức hội thi “Tuyên truyền viên cơ sở giỏi” nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, trao đổi kinh nghiệm, sáng kiến mới trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở cơ sở”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang nhấn mạnh.
Minh Nguyễn