Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nắng mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kể cũng lạ, cũng là nắng đấy thôi, hiện lên giữa mùa đông mà khác biệt giữa hai miền.
Nắng mùa đông ở miền xuôi hiếm lắm. Vì hiếm nên quý, được đón nhận với tâm trạng háo hức đến sôi động.
Ảnh internet
Nắng mùa đông còn có tên gọi khác là nắng non, thường bất chợt. Đầu đông, nắng ló lên một thoáng lúc giữa ngày, đầu chiều rồi biến mất nhường chỗ cho gió đông se lạnh, mây xám nhờ, mưa phùn lất phất. Nhờ gió vén mây nắng chui ra, chỉ là những sợi vàng thật nhỏ, phơ phất như tơ nhện giăng hờ. Tơ nhện là hơi sương, thật khó nhận biết từ trên cao buông mình hay tỏa ra từ mặt đất, được nắng chiếu long lanh như những sợi kim tuyến. Những buổi sương dày, màn sương hiện lên sắc cầu vồng như ẩn như hiện.
Nắng đông hiện lên từng vạt, từng chùm nối nhau, đan xen, xê dịch, dễ quan sát bằng mắt. Nắng lang thang dát vàng trên mặt sông, bờ cát, bãi bồi, xóm làng, đồng lúa… rồi biến mất sau đám mây ghi xám.
Cuối đông, thời gian nắng trong ngày kéo dài hơn. Có khi nắng trọn ngày. Ngày đẹp trời. Cảnh vật bừng thức đến hoạt náo dưới bầu trời vàng dịu nắng mùa đông. Nắng sớm lấp lánh trên cánh đồng lúa xanh mởn đang độ trải lá hẹ, trên ngọn cỏ non, chùm hoa, phiến lá… Sương và nắng quyện hòa khoe mình, như “cặp phạm trù triết học” đi vào thơ ca: “Nếu vì nắng mà giọt sương lấp lánh/Thì vì sương tia nắng biết long lanh” (Sương và nắng-Sương Mộc Lan).
Nắng đông đem đến hơi ấm dù một lúc hay kéo dài thường đưa tôi về miền ký ức ngày tấm bé tranh nhau được ngồi cạnh bà nội trước thềm nhà sưởi nắng. Co ro một lúc, bà lần cởi bỏ tấm khăn trùm đầu, khăn len quấn cổ đến chiếc áo dạ cũ sờn cho nắng chiếu vào da thịt. Vùi đầu vào lòng bà, chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương ấm áp diệu kỳ! 
Quê tôi, nắng mùa đông hiện lên vào tháng Chạp quý lắm. Những lò tráng bánh gấp gáp lên lửa mong có được những phên bánh khô giòn dưới nắng chất lượng thơm ngon dịp Tết có thức mà dùng. Bến sông, bãi bồi nhộn nhịp cảnh giặt giũ chiếu chăn đi qua ngày đông tháng giá ẩm mốc…
Nắng mùa đông ở Tây Nguyên lại khác, rất đặc trưng.
Chớm đông đã có nắng, từ đầu ngày, lao xao cùng gió nhẹ. Chớm khô. Về đầu Chạp, cuối đông nắng dần vàng đậm, se sắt. Ngày im gió, không gian thêm mở rộng. Da trời xanh lơ, dâng cao, mây trắng xốp từng đụn lơ lửng từ giữa trưa. Trong sắc nắng vàng, khí trời se lạnh. Ngày cả nắng càng thêm lạnh, chẳng biết hơi lạnh tỏa ra từ phương nào. Lạnh hòa vào nắng, hanh hao. Người luống tuổi từ đồng bằng lên Tây Nguyên gặp nắng mùa đông, lạnh đầu mùa thường hay bị ốm. Ốm đột ngột từ lúc vừa đặt chân như thể cô dâu làm nũng với chồng yêu… 
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm