Nao lòng Tây Nguyên mùa thay lá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những ngày này, những cánh rừng khộp tự nhiên hay những cánh rừng trồng cao su ở Tây Nguyên bắt đầu chuyển màu lá từ xanh ngắt sang sắc vàng hoặc đỏ rực rỡ làm nao lòng du khách gần xa.
Đến Tây Nguyên mùa này, bạn đừng vội tiếc nuối khi những vạt dã quỳ đã tàn úa vì vẫn còn đấy những cánh rừng cao su, cánh rừng khộp tự nhiên vàng rực hoặc pha sắc đỏ chuẩn bị cho mùa thay lá. Với nhiều người, Tây Nguyên mùa này là mùa đẹp nhất.
Từ hàng chục năm trước, với lợi thế là nơi có diện tích đất đỏ bazan màu mỡ, mảnh đất Tây Nguyên đã được trồng bạt ngàn cao su. Từ đó, cứ đến độ tháng 12 dương lịch, những vạt rừng cao su bắt đầu chuyển mình, lá chuyển dần từ màu xanh sang sắc vàng, đỏ.
Với cây cao su, tùy điều kiện thổ nhưỡng, cây sẽ cho thời gian thay lá khác nhau. Đến mùa cây thay lá, cả cánh rừng rộng lớn như được khoác lên mình lớp áo mới rực rỡ. Dưới nền đất, lá rụng tạo nên lớp thảm dày giữa những hàng cây thẳng tắp. Nếu bất chợt có cơn gió nhẹ thì hàng vạn chiếc lá lìa cành, chao liệng xuống như đàn bướm bay. Thời điểm này, rừng cao su mang vẻ đẹp lãng mạn không khác gì cánh rừng phong thay lá ở một nước châu Âu, làm mềm lòng du khách.

Những cánh rừng cao su thay lá xen giữa các khu dân cư ở Gia Lai
Những cánh rừng cao su thay lá xen giữa các khu dân cư ở Gia Lai.
Đây cũng là thời điểm các bạn trẻ, khách du lịch dậy thật sớm để đến những cánh rừng cao su đang còn mờ trong sương huyền ảo để chiêm ngưỡng, chụp ảnh "check-in". Kết quả, ai cũng có cho mình những bức ảnh lung linh, với phông nền là cánh rừng cao su thay lá rực rỡ. Nhiều cặp đôi cũng chọn cho mình thời gian này để ghi lại những bộ ảnh cưới thật đẹp.
Sau khi cây cao su rụng hết lá, bước vào giai đoạn "ngủ đông", công nhân bắt đầu dừng việc khai thác mủ cây, tiến hành các biện pháp chăm sóc kỹ thuật, chống cháy để chuẩn bị cho vụ mới.
Ngoài rừng cao su, mùa này ở Tây Nguyên những cánh rừng khộp đặc trưng cũng đang bước vào mùa thay lá. Ở Tây Nguyên, các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đều có rừng khộp. Đây là kiểu rừng thưa, cây lá rộng, rụng lá vào mùa khô.
Tại cánh rừng khộp ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai rộng hàng ngàn hecta, vào thời gian này, những vạt rừng gồm nhiều loại cây như dầu, cà chít, bằng lăng… lá bắt đầu chuyển từ xanh sang vàng, đỏ.
Tới đây, bạn sẽ dễ dàng thấy những cánh rừng rộng lớn với vô số thân cây dầu, bằng lăng cao hơn 10 m, tán rộng mọc xen kẽ nhau. Dưới đất, những lớp cỏ dày xanh mướt tạo nên vẻ đẹp hài hòa.
Nhớ nhé, bạn đừng bỏ lỡ dịp đến Tây Nguyên mùa này khi rừng thay lá.
Theo Bài và ảnh: Hoàng Thanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm