Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Nên ăn gì để sáng mắt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một chế độ ăn uống lành mạnh rất cần cho sức khỏe tổng thể. Nhưng một số chất dinh dưỡng cũng giúp tăng cường sức khỏe mắt.

 

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock



Khi già đi, nguy cơ mắc bệnh về mắt sẽ tăng lên. Ngoài yếu tố di truyền, chế độ ăn uống và thói quen sống cũng đóng vai trò quan trọng.

Nên tăng cường tiêu thụ các chất dinh dưỡng sau để duy trì chức năng của mắt và giảm nguy cơ phát các bệnh thoái hóa do tuổi tác, theo Supplement’s Report.

1. Lutein và zeaxanthin

Lutein và zeaxanthin là hai caroten chống ô xy hóa, chủ yếu được tìm thấy ở điểm vàng của mắt.

Cả lutein và zeaxanthin đều có chức năng bảo vệ mắt chống lại ánh sáng xanh có hại.

Hai chất chống ô xy hóa này có nhiều trong lòng đỏ trứng, đậu xanh, xà lách, mùi tây, hạt dẻ cười, rau bó xôi, cải cầu vồng.

Lòng đỏ trứng là một trong những nguồn tốt nhất của lutein và zeaxanthin vì trứng có chứa cả chất béo. Tốt nhất là tiêu thụ thực phẩm giàu carotene cùng với chất béo để hấp thụ tốt hơn, theo Supplement’s Report.

2. A xít béo omega-3

A xít béo omega-3 rất cần thiết cho sức khỏe của mắt.

A xít béo omega-3 có trong võng mạc, giúp duy trì chức năng mắt. Nó cũng cần thiết cho sự phát triển của não và mắt trong giai đoạn sơ sinh. Thiếu hụt a xít béo omega-3 có thể gây ra các vấn đề về thị lực, đặc biệt là ở trẻ em.

Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung omega-3 chống lại bệnh khô mắt và thúc đẩy sự hình thành dịch nước mắt, theo Supplement’s Report.

Ăn cá béo và uống bổ sung omega-3 có nguồn gốc từ cá hoặc vi tảo là tốt nhất.

3. Vitamin A

Vitamin A giúp duy trì các tế bào cảm nhận ánh sáng cho đôi mắt.

Thiếu vitamin A thường là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mù trên toàn cầu. Thiếu vitamin A có thể gặp các triệu chứng như khô mắt, quáng gà hoặc các bệnh nghiêm trọng hơn, tùy thuộc vào mức độ thiếu.

Các thực phẩm có nguồn gốc động vật như các sản phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng và gan là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất. Ngoài ra, vitamin A cũng có nhiều trong các hợp chất thực vật chống ô xy hóa như carotenoids có trong một số loại trái cây và rau quả.

Các carotenoids cung cấp ít nhất 30% nhu cầu vitamin A của cơ thể. Carotene hiệu quả nhất là beta carotene, có nhiều trong dưa vàng, cà rốt, xà lách, đu đủ, bí đỏ, rau bó xôi, khoai lang, quýt, cà chua, theo Supplement’s Report.

4. Vitamin C

So với các cơ quan khác, đôi mắt cần lượng chất chống ô xy hóa như vitamin C rất cao.

Điều đặc biệt là nồng độ vitamin C trong chất dịch của mắt lại cao hơn trong các chất dịch khác của cơ thể.

Mức vitamin C trong chất dịch của mắt phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Dữ liệu từ các nghiên cứu quan sát đã phát hiện ra rằng những người bị đục thủy tinh thể thường có mức vitamin C thấp và việc bổ sung vitamin C làm giảm nguy cơ phát bệnh đục thủy tinh thể, theo Supplement’s Report.

Vitamin C có nhiều trong ớt chuông, súp lơ xanh, xà lách, cam và các loại trái cây có múi khác và ổi.

5. Vitamin E

Vitamin E là nhóm các chất chống ô xy hóa hòa tan trong chất béo, có tác dụng bảo vệ axit béo khỏi tổn thương ô xy hóa.

Võng mạc chứa đầy a xít béo, và tăng lượng thức ăn có chứa vitamin E giúp tăng cường sức khỏe của mắt.
Các loại thực phẩm như hạnh nhân, hạt hướng dương và dầu thực vật là nguồn cung cấp vitamin E tốt nhất.

6. Kẽm

Mắt chứa nồng độ kẽm cao. Khoáng chất này là một phần của các enzym thiết yếu hoạt động như một chất chống ô xy hóa.

Kẽm có thể liên quan đến sự hình thành các sắc tố thị giác ở võng mạc.

Thiếu kẽm có thể dẫn đến chứng quáng gà. Nguồn thực phẩm của kẽm bao gồm thịt, sò, đậu phộng và hạt bí.

Tập thói quen sinh hoạt tốt, như tập thể dục thường xuyên và tuân theo chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa các bệnh về mắt. Tiêu thụ thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng kể trên để tăng cường sức khỏe của mắt, theo Supplement’s Report.

Theo Thiên Lan (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm