Phóng sự - Ký sự

77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024)

Ngã xuống, khi không mang súng: Biên giới sáng mãi những anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công trình bia tưởng niệm 5 liệt sĩ hy sinh vì nhiệm vụ cắm mốc biên giới Việt - Lào là công trình lịch sử, văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

85 tuổi, hiện đang nghỉ hưu tại xã Vĩnh Giang, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị, nhưng đại úy Nguyễn Thanh Hoàng, cựu Đồn trưởng Đồn biên phòng Sen Bụt (nay là Đồn biên phòng Hướng Phùng, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) vẫn nhớ như in sự kiện cách đây 46 năm: "Cả 5 đồng chí trong đội khảo sát biên giới bị vùi lấp. Tìm mãi mới thấy thi hài 3 người, 2 vẫn mất tích cho đến nay"…

Tìm mãi mới thấy thi hài 3 người, 2 vẫn mất tích cho đến nay"…

Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới Quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam với nước CHDCND Lào (ký kết tháng 7.1977), từ cuối tháng 5.1978, các đoàn của ta và nước bạn bắt đầu phân giới cắm mốc trên thực địa.

Tại tỉnh Bình Trị Thiên (nay đã tách thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế), nhiệm vụ được triển khai ở đoạn đầu tiên trên thực địa từ cầu Xà Ợt theo suối Xà Ợt ra sông Sê Pôn, mở đầu cho việc phân vạch, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào. Để chuẩn bị trước, cấp trên ra lệnh khảo sát trước khu vực bắc đường 14 (nay là Hướng Hóa, Quảng Trị).

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Phùng kiểm tra mốc 598 (cắm tại địa điểm 5 cán bộ chiến sĩ đã khảo sát và hy sinh đêm 12.8.1978)

Ngày 11.8.1978, đội khảo sát gồm 6 người hành quân bộ từ Đồn Công an nhân dân vũ trang Sen Bụt (nay là Đồn biên phòng Hướng Phùng, đóng quân ở trung tâm xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa) về phía nam động Tà Púc (độ cao 1.020 m) để sáng hôm sau thực hiện đo đạc khảo sát.

Do trời tối, đội phải ngủ lại dưới chân núi Tà Púc (khu vực gần đường lên mốc 598 hiện nay). Đêm ấy, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, mưa liên tục khiến cả mảng núi sụt lở, ập xuống lều, cuốn trôi và vùi lấp 5 cán bộ, chiến sĩ. Đó là đại úy Võ Cán, cán bộ Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nhập ngũ năm 1953, quê ở P.Phú Hải, TP.Đồng Hới, Quảng Bình); đại úy Nguyễn Xuân Tăng, Đồn trưởng Đồn Công an nhân dân vũ trang Lao Bảo (nhập ngũ năm 1953, quê ở xã Tự Nẫm, H.Bố Trạch, Quảng Bình); thượng sĩ Hồ Văn Trường, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang Sen Bụt (nhập ngũ năm 1973, quê xã Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, Quảng Trị); thượng sĩ Châu Văn Dung, nhân viên đồ bản thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên (quê ở TP.Huế) và ông Lê Doãn Tường, cán bộ kỹ thuật thuộc Cục Đo đạc bản đồ nhà nước (quê H.Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Đại úy Nguyễn Thanh Hoàng (nguyên Đồn trưởng Sen Bụt) kể lại quá trình tìm kiếm cứu nạn 5 liệt sĩ hy sinh đêm 12.8.1978

Đại úy Nguyễn Thanh Hoàng (nguyên Đồn trưởng Đồn Sen Bụt) kể rành mạch: "Đội có 6 người, 1 người thoát chết là ông Nguyễn Văn Quýnh, cán bộ ở tỉnh, nằm ngoài cùng, thấy ầm ầm thì chạy ra. Ông Quýnh kể lại: chiến sĩ Hồ Văn Trường cũng định chạy theo, nhưng cố quay lại lấy khẩu súng AK và bị vùi lấp. Ngay sau khi nhận tin dữ từ ông Quýnh, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh điều động 1 đại đội của Tiểu đoàn 2 đóng tại Khe Sanh, cùng 20 cán bộ, chiến sĩ Đồn Sen Bụt đến tìm kiếm cứu nạn. Hơn 1 tuần tích cực đào bới đất đá, anh em tìm được thi hài các anh em Lê Doãn Tường, Hồ Văn Trường, Châu Văn Dung. Cuộc tìm kiếm tiếp tục kéo dài hơn một tháng sau, lực lượng tìm kiếm đã đào bới khoảng 600 mét khối đất đá, nhưng vẫn không tìm thấy 2 đại úy Võ Cán, Nguyễn Xuân Tăng…

Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

"Hồi ấy từ thị trấn Khe Sanh vào Hướng Phùng chỉ có đường mòn. Thi hài 3 anh em phải đưa về Đồn Sen Bụt để 2 - 3 ngày, chờ hết mưa lũ, lại khênh cáng thêm 2 ngày đêm, ra chôn cất trên đỉnh đồi khu vực Tà Cơn", ông Hoàng kể và cho biết thêm: "4 đồng chí thuộc quân đội được công nhận ngay liệt sĩ. Riêng anh Lê Doãn Tường là dân sự nên cấp trên để lại xem xét sau". Đến ngày 12.6.1981, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Bằng Tổ quốc ghi công đối với "liệt sĩ Lê Doãn Tường, cán bộ kỹ thuật trung cấp, đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Bà Đỗ Thị Sen (69 tuổi, hiện đang sống tại Khu đô thị Văn Phú, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) là vợ của liệt sĩ Lê Doãn Tường, kể lại: ông Tường sinh ngày 20.6.1954 ở xã Xuân Sơn, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa (nay là xã Xuân Sinh, H.Thọ Xuân). Năm 1974, ông nhập học khóa 2 của Trường trung cấp đo đạc và bản đồ, thuộc Cục Đo đạc bản đồ nhà nước (thành lập năm 1971, nay đã sáp nhập thành Trường ĐH TN-MT Hà Nội).

Di ảnh liệt sĩ Lê Doãn Tường

Bà Đỗ Thị Sen thắp hương bia tưởng niệm 5 liệt sĩ hy sinh ngày 12.8.1978

Giữa năm 1976, ông Tường tốt nghiệp và về công tác tại Đoàn địa hình 1, thuộc Cục Đo đạc và bản đồ nhà nước (nay là Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam, thuộc Bộ TN-MT), lăn lộn khắp các tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào làm nhiệm vụ đo đạc khảo sát.

Năm 1977, ông Tường cưới bà Đỗ Thị Sen (cùng công tác trong Cục Đo đạc bản đồ) và giữa năm 1978 ông được biệt phái sang Ban công tác biên giới (thuộc Cục) vào đo đạc tuyến Việt - Lào khu vực Bình Trị Thiên.

Đầu tháng 7.1978, ông Tường từ TP.Huế ra Hà Nội lấy tài liệu, tranh thủ lên Bắc Ninh thăm vợ đang làm quy hoạch đất đai. Vào lại Huế được mấy hôm, ông cùng đoàn công tác của Cục Đo đạc bản đồ ra Quảng Trị, lên Hướng Hóa tham gia đội đo đạc khảo sát.

Trước khi chia tay đồng nghiệp, ông Tường còn nói với tổ trưởng Vũ Gia Quang (sau là Trưởng đoàn đo đạc biên giới, thuộc Cục): "Chuyến vừa rồi ra Bắc Ninh, có thể em có con"…

Ngày 13.8.1978, ngay sau khi nhận tin dữ, ông Vũ Gia Quang (khi đó phụ trách đoàn công tác khảo sát tuyến Việt - Lào) tìm mọi cách vào Hướng Phùng nhưng không được. Thi hài ông Tường được đưa ra Khe Sanh, chính ông Quang là người đảm đương phần việc mai táng, chôn cất. Ông còn cẩn thận ghi những thông tin cần thiết trên giấy, đút vào chai bia chôn theo người.

Địa điểm 5 liệt sĩ hy sinh đêm 12.8.1978

Cột mốc Q-15 được cắm năm 1978 ở gần khu vực 5 liệt sĩ hy sinh. Hiện tại mốc Q-15 đã được thay bằng mốc 598

PV Báo Thanh Niên viếng mộ liệt sĩ Lê Doãn Tường tại nghĩa trang thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa

Hành trình về quê nhà

Cuối năm 1978, bà Đỗ Thị Sen xung phong tham gia đoàn của Cục Đo đạc bản đồ vào công tác tại H.Hướng Hóa (Quảng Trị) và thăm viếng phần mộ ông Lê Doãn Tường, nằm ở đồi Tà Cơn (thị trấn Khe Sanh).

Tháng 4.1979, bà Sen sinh cậu con trai Lê Trường Giang. Khi con tròn 5 tuổi, giữa tháng 4.1984, bà Sen quyết định vào Quảng Trị đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Cuối tháng 4.1984, hài cốt liệt sĩ Lê Doãn Tường chính thức được an táng tại nghĩa trang thôn Bột Thượng, xã Xuân Sơn (nay là xã Xuân Sinh, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa). Đến lúc này, bà mẹ Ninh Thị Dươi mới chính thức tin là con trai út Lê Doãn Tường đã mất và 10 năm sau, bà cũng mất theo con.

Ngày 3.3.1994, nhân kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã dựng bia tưởng niệm 5 liệt sĩ ở ngã ba đường 14 Hướng Phùng - Cheng. Tuy nhiên, tên liệt sĩ Lê Doãn Tường lại ghi nhầm thành "Lê Doãn Trường". Sau nhiều lần gia đình kiến nghị và đặc biệt là sự kiên trì của người con trai Lê Trường Giang và con dâu - nhà báo Nguyễn Thị Khánh Hòa (hiện là phó tổng thư ký tòa soạn Báo Lao Động), bia đã được làm mới, ghi chính xác thông tin các liệt sĩ.

Hiện nay, công trình bia tưởng niệm 5 liệt sĩ hy sinh vì nhiệm vụ cắm mốc biên giới Việt - Lào (nằm ở trung tâm xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) không chỉ là nơi vinh danh những người đã ngã xuống, mà còn là công trình lịch sử, văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Có thể bạn quan tâm