"Ngàn cây thắp nến…"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong ca khúc “Nắng thủy tinh”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một câu tả cảnh rất tượng hình: “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng”. Dù ông chẳng bảo đó là cây gì nhưng tôi cứ tưởng tượng đó là những cây thông ở Pleiku của tôi.
1. Tôi đã tương tư dáng thông từ khi bỏ phố thị lên thị xã cao nguyên này năm 1969. Lúc ấy, đúng là ngàn cây cứ sắp hàng hai bên mỗi con phố. Đường “đẹp như Hàn Quốc”, đâu cần phải đi cả chục cây số ra Biển Hồ chè để check-in như bây giờ.
Thông trước hết đã hút hồn tôi từ cái dáng rất riêng ngay khi còn bé cho đến lúc thành đại thụ. Sống chen chúc trong quần thụ, tái sinh tự nhiên với anh em bạn bè, chúng chen nhau vươn lên tìm nắng. Ở mật độ thưa hơn, nhờ có không gian mà đường kính tán thông mà giãn ra cân đối, đẹp lắm. Khi đứng một mình, đến tuổi trung niên (khoảng trên 25 năm), thông tỏa tán hùng vĩ, tự tạo thế, trông như một cây bonsai khổng lồ, càng già càng góc cạnh, từng trải. Chẳng thế mà “cây thông cô đơn” ở hồ Đan Kia (TP. Đà Lạt) trở nên nổi tiếng, thành điểm du lịch thu hút. Nghe bảo người ta còn phải trả tiền để được đến đó mà ngắm.
 Hàng thông bên hồ Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: ĐINH HUY HOÀNG
Hàng thông bên hồ Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: ĐINH HUY HOÀNG
Sau tiết xuân phân, chồi non bạo phát, trông như những chiếc nến được gắn trên những bó lá kim xanh ngắt hệt như những chùm đèn trang trí nhìn hút mắt lắm. Mỗi cây có hàng chục chùm đèn như thế, ẩn hiện trong mù sương buổi sớm. Hàng thông thắp nến chính là đây, rất tuyệt! Thời gian này cũng là lúc mùi thông ngai ngái, thoang thoảng vương nhẹ nhàng, không nồng nàn, không ngào ngạt, nhưng khi khứu giác đã bắt gặp là chẳng thể quên. Ngày gió, do cấu trúc đặc trưng của lá kim, những làn gió ùa vào tán lá nhiều tầng bị chẻ ra mà thành tiếng thông reo, âm thanh không rú rít, ào ạt, cứ vi vu rất dễ ru người vào giấc nồng.
2. Thông càng quý khi còn đem cho đời nhiều thứ hơn nữa. Chất pinen có tính sát khuẩn độc quyền của thông hàng ngày thanh lọc không khí một cách hiệu quả, chẳng thế rừng thông luôn là lựa chọn hàng đầu để định vị các khu nghỉ dưỡng tốt nhất. Một khu rừng thuần loại có khả năng điều chỉnh nhiệt độ thời tiết xuống tới 2 độ C, như một chiếc máy điều hòa không khí của tự nhiên ban tặng. Gần như mọi thứ của thông đều hữu dụng trong bào chế mỹ phẩm, dược phẩm, hương liệu. Và dĩ nhiên gỗ thông là nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm gia dụng và xây dựng. Các loại mỹ thẩm nổi tiếng, nước hoa hảo hạng phục vụ nhan sắc của các bà, các cô đều có thành phần dầu thông, chỉ riêng lá thông (tùng diệp) đã tham gia phục vụ giải quyết các triệu chứng rụng tóc, gàu, làm đen tóc, trị mất ngủ, ho và các bệnh liên quan đường hô hấp, các bệnh ngoài da, xương khớp...
Nhựa thông được chưng cất sẽ cho ra 2 sản phẩm là tùng hương và tinh dầu thông. Tùng hương (colophane) là nguồn nguyên liệu không thể thiếu đối với nhiều ngành công nghiệp như: chế biến cao su, sơn, chế biến giấy, vật liệu cách điện, nhựa hàn, keo dán, chất tạo bọt cho xà phòng, công nghiệp in, vẽ… Tinh dầu (turpentine oil) được dùng làm thuốc bôi, có tác dụng kích thích tại chỗ, lưu thông máu đối với bệnh viêm thấp khớp, cảm lạnh. Tinh dầu thông có tính sát trùng mạnh nên còn được dùng làm thuốc diệt khuẩn đường hô hấp (thuốc ho, thuốc xông họng). Đây cũng là nguồn nguyên liệu trong công nghiệp hóa mỹ phẩm, sản xuất thuốc trừ sâu thảo mộc, làm dung môi trong công nghiệp sơn, vecni và công nghiệp tuyển quặng. Đặc biệt, các loại nhạc cụ dây cần thanh kéo như violon, violoncell không có tùng hương thì không thể thánh thót được.
3. Cây thông thì có gì ăn được nhỉ? Chính là hạt đấy. Hầu hết các loài của giống Pinus-thông Pleiku là Pinus khasya-đều cho hạt ăn được. Tôi đã nhâm nhi hạt thông nhập khẩu có kích thước lớn gấp 2, gấp 3 hạt thông ba lá, rất ngon, ít béo và thơm là lạ, không thua hạt dẻ, hạt hướng dương. Người ta bảo cỡ hạt của thông Phố núi nhỏ nên khó khai thác để thương mại hóa. Thực ra, một loại hạt dù có kích thước tương đương hạt gạo cũng không phải là yếu tố hạn chế nếu đáp ứng và hấp dẫn khẩu vị của nhiều người.
Ở huyện Đak Glei (tỉnh Kon Tum) trước đây nhiều thông lắm, có làng Xô Man (hay Xốp Nghét) bất khuất nằm giữa bạt ngàn rừng thông tự nhiên. Xô Man nổi tiếng với nhân vật cụ Mết đã đi vào văn học trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Xà nu chính là cây thông đấy. Tên chính xác là Xinu theo tiếng Giẻ Triêng để gọi một bộ phận của cây thông ba lá, nơi tích tụ nhiều nhựa được sử dụng để thắp sáng. Trước đây, khi người ta dùng than củi để nấu nướng, Xinu cũng được dùng làm mồi nhen cho than củi bén lửa, ngoài chợ bán nhiều lắm, từng bó nhỏ, người Kinh gọi là ngo.
Cây thông ba lá, loài thực vật đặc hữu của Pleiku hữu dụng như vậy đấy.
 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm