Phóng sự - Ký sự

Ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch - Kỳ 1: Cái giá phải trả cho những kẻ ảo vọng chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- U mê, ảo vọng quyền lực và tin vào lời hứa viển vông, một số đối tượng tham gia tổ chức phản động lưu vong đã thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.

Tòa án đã tuyên những bản án nghiêm minh đối với các đối tượng lợi dụng không gian mạng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để dụ dỗ, lừa phỉnh và lôi kéo người khác thực hiện các hoạt động phá hoại sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.

U mê với ảo tưởng viễn vông

Thực hiện mục đích chống phá nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, từ tháng 2-2017 đến khi bị Công an tỉnh Gia Lai bắt vào ngày 23-6-2022, Phan Thị Thảo (SN 1957, thường trú tại Hà Nội, tạm trú tại tổ 8, thị trấn Đak Đoa) đã tham gia tổ chức phản động lưu vong “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân cầm đầu, đồng thời lôi kéo nhiều đối tượng khác ở các tỉnh thành, thành phố tham gia.

Bị cáo Phan Thị Thảo cùng nhóm đồng phạm đã bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt tổng mức án 100 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ảnh: M.N

Bị cáo Phan Thị Thảo cùng nhóm đồng phạm đã bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt tổng mức án 100 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ảnh: M.N

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Thảo và đồng bọn thông qua một số website, mạng xã hội YouTube, Facebook để tuyên truyền, phát tán “Hiến pháp đệ tam Việt Nam cộng hòa”, kêu gọi, hướng dẫn người dân về cách “trưng cầu dân ý” cũng như các hồ sơ, thủ tục đăng ký làm thành viên tổ chức phản động này.

Đáng chú ý, sau khi là thành viên tổ chức phản động, nhóm đối tượng này thường xuyên đăng tải các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình kinh tế-xã hội, chính trị của đất nước; bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội; kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, lôi kéo, tập hợp những thành phần có tư tưởng bất mãn chế độ tham gia hoạt động biểu tình, gây rối, chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh chính trị, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Trong đó, Phan Thị Thảo và Tạ Văn Triệu (trú tại tỉnh Bến Tre) đóng vai trò quan trọng, tích cực giúp sức cho tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện các thành viên khác nhằm xây dựng, phát triển tổ chức; lôi kéo, tuyển lựa, phát triển thành viên trong nước cũng như hỗ trợ thành viên khác thực hiện ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước.

Đáng nói, Thảo từng là sinh viên Đại học An ninh nhân dân và công tác nhiều năm tại Công an TP. Hà Nội, có trình độ, am hiểu pháp luật nhưng vẫn mụ mị, hoang tưởng về quyền lực nên tham gia tổ chức phản động chống phá chế độ, chính quyền. Năm 2017, Thảo từng bị Công an TP. Hà Nội mời làm việc và đã cam kết không tham gia tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”.

Nhưng thực tế, Thảo vẫn tích cực hoạt động cho đến khi bị bắt vào ngày 23-6-2022. Chỉ vì ảo tưởng với nhiều chức vụ do tổ chức phản động tự phong như: Viện trưởng Viện Chiêu hiền, Giám đốc Nha tổng Thanh tra quân lực Việt Nam cộng hòa; thành viên Viện Nghiên cứu chính trị… Thảo đã trở thành đầu mối “trưng cầu dân ý” trong nước và thực hiện hoạt động móc nối, lôi kéo nhiều người tham gia.

Tương tự, Rlan Thih (làng Pang, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) từng tham gia biểu tình bạo loạn tại Gia Lai vào năm 2001 và 2004. Tuy cơ quan Công an kiểm điểm, gọi hỏi răn đe nhiều lần nhưng Thih vẫn ngoan cố, không từ bỏ hành vi chống phá Đảng, Nhà nước. Tiếp tục nghe theo lời xúi giục của các đối tượng FULRO lưu vong, Thih lén lút tuyên truyền, lôi kéo và dụ dỗ nhiều người dân tộc thiểu số ở xã Ia Glai tham gia nhóm họp “Sang pơpu ană cữ”-biến tướng của “Tin lành Đê ga” với âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên”.

Còn trước đó, các đối tượng Rah Lan Rah, Siu Chõn, Rah Mah Thêm (cùng trú tại xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) đã có hành vi móc nối, liên lạc với đối tượng FULRO lưu vong, kẻ cầm đầu tổ chức “Hội người Thượng tỵ nạn” ở nước ngoài để tuyên truyền, lôi kéo người dân ở các làng Pa Pết 1, Pa Pết 2 (xã Bờ Ngoong) tham gia nhóm họp tổ chức “Blung Hlơu” (thay thế “Tin lành Đê ga”) với mục đích gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại Nhà nước.

Cũng từng có tiền án 4 năm 6 tháng tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, Cao Văn Tỉnh (trú tại TP. Cần Thơ) vẫn không nhận ra hành vi sai trái của mình mà tiếp tục móc nối với FULRO lưu vong và các đối tượng trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, thực hiện hoạt động chống phá.

Đáng lên án hơn, trong nhóm đồng phạm bị kết án về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” này, các bị cáo: Oih, Anhơl, Nên (cùng trú tại huyện Đak Đoa), Chrơh (trú tại huyện Mang Yang) từng hoạt động FULRO, tham gia biểu tình bạo loạn vào năm 2001 và 2004 tại Gia Lai; còn đối tượng Bưng (trú tại huyện Mang Yang) có 1 tiền án về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.

Mặc dù được cơ quan Công an và chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục nhưng chúng vẫn ngoan cố, không từ bỏ hành vi sai trái, lén lút nhóm họp, hoạt động “Tin lành Đê ga” với âm mưu phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, đồng thời lôi kéo một số hộ gia đình vượt biên.

Bản án nghiêm khắc

Căn cứ mức độ, hành vi phạm tội của các đối tượng, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 23-4-2024, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Phan Thị Thảo cùng nhóm đồng phạm với tổng mức án 100 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Theo đó, bị cáo Thảo và Tạ Văn Triệu cùng bị tuyên án 13 năm tù; Trần Thiện (trú tại TP. Hồ Chí Minh), Vũ Đình Lan (trú tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Huỳnh Thị Khánh Trang (trú tại tỉnh Kiên Giang) mỗi bị cáo 12 năm tù; Cao Thị Ngọc Diễm và Trần Huệ Chân Vương (cùng trú tại TP. Hồ Chí Minh) mỗi bị cáo 9 năm tù; Trần Thị Kim Loan (trú tại TP. Hồ Chí Minh) và Trần Thọ (trú tại tỉnh Thừa Thiên-Huế) cùng mức án 8 năm tù; Cao Cương (trú tại tỉnh Thừa Thiên-Huế) 4 năm tù.

Nhiều bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải, mong muốn được sự khoan hồng của Nhà nước để giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: Minh Nguyễn

Nhiều bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải, mong muốn được sự khoan hồng của Nhà nước để giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: Minh Nguyễn

Khi nghe tòa tuyên án, bị cáo Huỳnh Thị Khánh Trang cúi đầu nhận tội, bày tỏ ăn năn, hối hận trước hành vi sai trái của mình. Bị cáo Trang giàn giụa nước mắt nói lời sau cùng: “Trước khi tham gia tổ chức phản động, bị cáo từng có ý định xin về xã làm việc để phục vụ người dân.

Nhưng khi gia đình xảy ra tranh chấp đất đai, bị cáo nhận thấy chính quyền giải quyết không thỏa đáng nên dẫn đến việc bản thân bất mãn, có hành vi, suy nghĩ lệch lạc về chế độ và có việc làm gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.

Thượng tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh): “Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống Đảng, Nhà nước của tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, tổ chức FULRO lưu vong, không để các thế lực thù địch, bọn phản động lôi kéo tham gia.

Đồng thời, phải nắm vững và tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng để sử dụng internet, mạng xã hội tỉnh táo, văn minh; tiếp thu các thông tin đúng sự thật, đã được kiểm chứng từ các website chính thống; kịp thời phát hiện, phản bác các thông tin sai sự thật và không bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ hoặc ủng hộ, chia sẻ, tuyên truyền những thông tin sai sự thật, độc hại, phản động trên mạng xã hội”.

Đánh giá về hành vi phạm tội này, Kiểm sát viên Võ Văn Cường (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) nhấn mạnh: “Các bị cáo đều nhận thức được hành vi, việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình tham gia tổ chức phản động, tuyên truyền lôi kéo và thực hiện các hoạt động phá hoại, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị trên cả nước, gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân.

Có bị cáo đã được giáo dục nhiều lần, hứa sẽ rời bỏ tổ chức phản động và cam kết không tái phạm nhưng sau đó vẫn lén lút hoạt động với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn, thể hiện sự coi thường pháp luật nên cần xử lý nghiêm minh”.

Trong khi đó, triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn không để đồng bào dân tộc thiểu số bị dụ dỗ, lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Thái Lan, năm 2023, Công an tỉnh Gia Lai đã xử lý 4 đường dây tổ chức trốn, điều tra 4 vụ án với 18 bị can liên quan có hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và trốn ở lại nước ngoài.

Đáng chú ý, với hành vi gây ảnh hưởng đến khối đoàn kết dân tộc và an ninh trật tự tại địa phương, tháng 9-2023, Rlan Thih bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án 8 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Cũng bị tuyên án về tội danh này, nhóm bị cáo Rah Lan Rah, Siu Chõn cùng chịu mức án 6 năm tù và Rơ Mah Thêm 5 năm tù.

Còn bị cáo Cao Văn Tỉnh và đồng phạm lãnh án tổng cộng 45 năm tù về tội danh “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, trong đó, Cao Văn Tỉnh 10 năm tù, Anhơl 9 năm tù; Nên, Oih, Chrơch mỗi bị cáo 8 năm tù; Bưng 2 năm tù.

Vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các tổ chức phản động, Thượng tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh) khẳng định: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng tham gia tổ chức phản động đã đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn như: Tham gia tổ chức phản động sẽ có cuộc sống ấm no, được cấp đất, nhà ở miễn phí, được hỗ trợ việc làm, phong chức tước, quân hàm để lừa phỉnh những người nhẹ dạ cả tin, lười lao động, ham giàu có tham gia và thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Tương tự, các đối tượng FULRO lưu vong ở nước ngoài sau khi xúi giục, dụ dỗ người dân tham gia vượt biên và lấy hết tiền sẽ bỏ rơi họ nơi đất khách dẫn đến đói khổ, bơ vơ vì không được ai giúp đỡ, không hiểu ngôn ngữ người bản xứ.

Có thể bạn quan tâm