Phóng sự - Ký sự

Ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch - Kỳ 2: “Từ bóng tối ra ánh sáng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Từng tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, trở thành cốt cán trong tổ chức phản động FULRO, hoạt động “Tin lành Đê ga” nhưng giờ nhiều người đã nhận ra hành vi sai trái.

Trong hành trình “từ bóng tối ra ánh sáng” ấy, họ đã nỗ lực bước qua mặc cảm tội lỗi, quyết tâm làm lại cuộc đời và trở thành “hạt nhân” đoàn kết ở buôn làng.

"Lấy cuộc đời mình làm dẫn chứng"

Sau những tháng ngày lầm lỗi, trở về làng sống bình yên bên gia đình, ông Ksor Krok (buôn Tul, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) nhận ra một điều rằng: “Nếu như trước đây, mình không dại dột nghe theo lời dụ dỗ thì bây giờ cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Từ cốt cán trong tổ chức FULRO ông Ksor Krok (buôn Tul, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) trở thành hạt nhân đoàn kết tại buôn, làng. Ảnh: Vũ Chi

Từ cốt cán trong tổ chức FULRO ông Ksor Krok (buôn Tul, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) trở thành hạt nhân đoàn kết tại buôn, làng. Ảnh: Vũ Chi

Ông Krok kể: Đầu tháng 4-2004, dưới sự chỉ đạo của anh trai cùng mẹ khác cha là Ksor Kơk (tự xưng “tổng thống” của cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị”, kẻ cầm đầu tổ chức phản động FULRO lưu vong tại Mỹ, hiện đã chết), ông đã lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số ở Ia Pa, Ayun Pa, Phú Thiện tổ chức biểu tình, gây rối. Cái giá phải trả cho hành vi sai trái này là mức án 7 năm tù, biến ông từ một trí thức, từng là Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xã Ia Broắi thành kẻ tù tội.

Trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, lòng vị tha của dân làng, được chính quyền, ngành chức năng địa phương quan tâm động viên, giúp đỡ, ông Krok quyết tâm đoạn tuyệt với FULRO, “Tin lành Đê ga”, cải tạo tốt và trở thành hộ khá giả tại địa phương.

Không những vậy, ông còn lấy chính cuộc đời mình làm dẫn chứng, phân tích rõ hành vi sai trái, thuyết phục các đối tượng: Siu The, Siu Yun, Siu Del, Nay Tlú và Siu Phiah (xã Ia Mrơn) có nguy cơ sa vào lầm lỗi cam kết từ bỏ “Tin lành Đê ga”.

Ông Krok dẫn chứng: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Còn kẻ xấu chỉ dụ dỗ, lợi dụng, lừa gạt chúng ta mà thôi. Chỉ vì nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, tôi phải chịu cảnh tù tội để trả giá cho hành vi sai trái của mình”.

Còn với ông Puih Hiơng-Già làng Trol Đeng (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ), các đối tượng FULRO lưu vong cũng nhiều lần liên lạc, móc nối, thuyết phục ông quay lại hoạt động cho tổ chức nhưng ông trả lời dứt khoát: “Tôi đang bận làm lại cuộc đời”.

Ông Hiơng kể: Thời điểm nóng bỏng, nhất là vào các năm 2001, 2004, họ tâng bốc quá khứ của ông, gọi ông là “anh cả” và hứa hẹn nhiều lợi ích nghe rất bùi tai. Thế nhưng, từng nếm mùi cơ cực và đau khổ vì theo FULRO, ông không cho phép mình mắc mưu nữa mà chọn cách đồng hành cùng cán bộ Công an, chính quyền thuyết phục bà con không tham gia biểu tình, gây rối, ngăn người dân trong làng, xã không nghe theo kẻ xấu lôi kéo hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga”, vượt biên.

Bản án hơn 16 năm tù cũng giúp ông Hiơng nhận ra sai lầm của mình. Vì thế, từ một cốt cán trong tổ chức phản động FULRO, ông trở thành người có uy tín tiêu biểu của huyện Đức Cơ, tham gia tuyên truyền giúp bà con không mắc mưu các thế lực thù địch.

Ông Hiơng hồi tưởng: Năm 2015, Rơ Mah Quýt, Ksor Thái và Kpuih Tuyl (làng Trol Đeng) bị lôi kéo trốn sang Thái Lan. Qua đến nơi, họ sống chui lủi, đói khát nên tự tìm đường về và lẩn trốn ở khu vực giáp biên giới Việt-Campuchia. Hay tin, ông phối hợp cùng lực lượng Công an trực tiếp vào rừng đón 3 người lầm đường trở về.

“Mềm mỏng có, kiên quyết có, tôi lấy bài học của bản thân để ra sức ngăn nhiều trường hợp tránh bước vào sai lầm mà tôi từng trải qua, không để điều xấu độc làm hại buôn làng”-ông Hiơng tâm sự.

Bước về phía con đường sáng, ông Puih Hiơng (già làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) trở thành người có uy tín tiêu biểu, tích cực tuyên truyền giúp bà con không mắc mưu kẻ xấu. Ảnh: Nguyễn Hữu

Bước về phía con đường sáng, ông Puih Hiơng (già làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) trở thành người có uy tín tiêu biểu, tích cực tuyên truyền giúp bà con không mắc mưu kẻ xấu. Ảnh: Nguyễn Hữu

Từng lầm đường, lạc lối tham gia hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga”, ông Ksor Yung (buôn Chư Krik, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) đã bước qua mặc cảm tội lỗi, trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy, sống có ích cho gia đình và cộng đồng.

Ông kể: Năm 2004, vì mù quáng tin theo FULRO, nuôi ảo vọng được đi nước thứ 3 để có cuộc sống sung sướng, ông vượt biên sang Campuchia nhưng rồi sớm vỡ mộng trên đất khách. Thời gian đầu khi về nước, ông sống khép mình, vẫn mù quáng hoạt động “Tin lành Đê ga” với hình thức tu tại gia.

Nhờ kiên trì khuyên giải, chính quyền và lực lượng Công an đã từng bước cảm hóa, thức tỉnh, giúp ông Yung bước về phía con đường sáng. Không những tự nguyện quay về sinh hoạt tại Chi hội Tin lành Việt Nam (miền Nam) buôn Chư Krih mà ông còn tích cực phối hợp với các trinh sát Đội An ninh (Công an huyện Krông Pa) vận động hơn 100 người tham gia hoạt động “Tin lành Đê ga” quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

Ông Yung chia sẻ: “Thông qua sinh hoạt tôn giáo, tôi thường xuyên tuyên truyền để bà con nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không mắc lừa kẻ xấu phá hoại cuộc sống bình yên của dân làng”. Với việc làm thiết thực của mình, ông Yung đã vinh dự được Công an tỉnh lựa chọn là một trong những người uy tín tiêu biểu ra thăm quê Bác và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không những vượt qua tự ti, mặc cảm, ông Nay Thuy (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) còn được tín nhiệm bầu làm mục sư điểm nhóm Tin lành Báp-tít Việt Nam buôn H’Lang. Những năm qua, ông Thuy tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động hơn 250 người núp bóng tu tại gia trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

“Tôi lấy bài học của bản thân và những năm tháng tù tội để chứng minh lời hứa, lời phỉnh dụ của các đối tượng phản động FULRO chỉ là dối trá, viển vông. Từ đó, tuyên truyền, vận động bà con cảnh giác, không nghe kẻ xấu lôi kéo hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga” mà chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”-ông Thuy trải lòng.

Khắc chế “Tin lành Đê ga”

Ngăn chặn tái hoạt động phục hồi FULRO, “Tin lành Đê ga” là cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” của Công an tỉnh ra đời đã kịp thời giúp những người từng lầm lỡ quay về sinh hoạt tại các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Cán bộ Đội An ninh (Công an huyện Krông Pa) gặp gỡ, tiếp xúc với ông Nay Thuy (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Ảnh: Nguyễn Hữu

Cán bộ Đội An ninh (Công an huyện Krông Pa) gặp gỡ, tiếp xúc với ông Nay Thuy (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Ảnh: Nguyễn Hữu

Phú Thiện từng là một trong những huyện trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị của tỉnh, nhất là tình trạng hoạt động của tổ chức FULRO, “Tin lành Đê ga”. Đáng chú ý, nhiều hộ bị các đối tượng FULRO lưu vong lôi kéo, lén lút hoạt động nhóm họp “Tin lành Đê ga” với hình thức núp bóng tu tại gia.

Theo ông Bùi Văn Khiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Ake: Giữa năm 2023, qua rà soát, toàn xã có 89 hộ nghe theo kẻ xấu nhóm họp “Tin lành Đê ga”. Đến nay, chính quyền và lực lượng Công an đã vận động được 48 hộ núp bóng tu tại gia từ bỏ “Tin lành Đê ga” để quay lại sinh hoạt tôn giáo hợp pháp.

“Cùng với việc phối hợp với các chức sắc tôn giáo giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ quay về tham gia sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận, Đảng ủy xã cũng phân công, giao nhiệm vụ cán bộ, đảng viên quản lý, giáo dục đối với từng hộ thông qua việc theo dõi diễn biến tư tưởng, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm để kịp thời hỗ trợ họ vươn lên, ổn định cuộc sống”-Chủ tịch UBND xã Ia Ake nêu giải pháp.

Thiếu tướng Hầu Văn Lý-Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) bày tỏ mong muốn mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” được nhân rộng hơn nữa, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng công tác phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hệ thống chính trị cơ sở, người dân đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia, hưởng ứng các nội dung thực hiện mô hình.


Trong khi đó, với phương châm “Lấy tôn giáo để giải quyết vấn đề tôn giáo”, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện đã vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo, người uy tín phối hợp cùng với chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm đường lạc lối quay trở lại sinh hoạt tôn giáo hợp pháp.

Ông Rcom Xuân-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho biết: Mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” được nhân rộng ở 8 xã, thị trấn của huyện với mục tiêu huy động hệ thống chính trị cơ sở giúp đỡ 100% người có niềm tin tôn giáo tham gia hoạt động tôn giáo hợp pháp.

“Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện, xã đến thôn, làng đã giúp bà con nhận diện rõ bản chất của “Tin lành Đê ga” thực chất là một tổ chức phản động do các đối tượng FULRO lưu vong lập nên để chống phá Đảng, Nhà nước. Từ đó, bà con nhận ra hành vi sai trái của mình mà từ bỏ “Tin lành Đê ga”, trở về sinh hoạt trong tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận, sống hòa nhập với dân làng”-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Thiện thông tin.

Mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” ra đời tại huyện Phú Thiện và được nhân rộng tại 12 xã của các huyện: Phú Thiện, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Sê. Từ tháng 5-2022 đến nay, mô hình đã hình thành 70 tổ vận động với hơn 800 thành viên tham gia. Sau hơn 1 năm triển khai, các lực lượng đã vận động được 575 trường hợp lầm lỡ tin theo FULRO, “Tin lành Đê ga” quay về sinh hoạt các tôn giáo được Nhà nước công nhận.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh-khẳng định: Mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” đã giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đúng về niềm tin tôn giáo, từ đó cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng FULRO lưu vong và bọn phản động.

Đồng thời, mô hình cũng phát huy được vai trò của người uy tín, chức sắc tôn giáo và hệ thống chính trị ở cơ sở để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, tạo điều kiện cho những người từng lầm lỡ theo “Tin lành Đê ga” quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy, không nghe, không tin các đối tượng FULRO tuyên truyền, xuyên tạc, âm mưu phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.

Có thể bạn quan tâm