Nói muộn vì sau cái chết đau đớn của cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh vào tháng 5 vừa qua ở Thái Bình thì vấn đề quy chuẩn về loại xe này mới được đặt ra nghiêm túc. Càng muộn hơn là trường hợp tử vong tương tự cũng đã từng xảy ra vào năm 2020 ở Hà Nội nhưng suốt thời gian qua vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Đến nay cả nước có hơn 12.300 trường tiểu học (theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nên mỗi ngày có hàng triệu học sinh được đưa đón đến trường. Ở các đô thị, nhu cầu đưa đón học sinh càng cấp bách bởi phần lớn bố, mẹ làm việc cố định, rất khó sắp xếp thời gian đưa con đến trường. Tổ chức xe đưa đón học sinh là nhu cầu bức thiết, thế nhưng lĩnh vực này chưa được quan tâm và quản lý đúng tầm.
Trong số các trường có xe đưa đón hiện nay, hầu hết vẫn là thuê cả xe và tài xế bên ngoài. Có nghĩa loại xe này không được thiết kế chuyên dụng, tài xế không được đào tạo đúng và đủ kỹ năng về việc đưa đón học sinh, lại càng không có kinh nghiệm ứng xử cho các tình huống đặc biệt phát sinh. Hãy hình dung lại trong vụ việc cháu bé tử vong ở Thái Bình, chỉ cần tài xế nhìn kỹ lại xe mình trước khi đóng cửa, hoặc xe có còi báo động, hoặc cô giáo nghi vấn về việc học sinh vắng mặt… thì bi kịch đã không xảy ra. Có nghĩa rằng dù là một công việc đặc thù nhưng việc tổ chức đưa đón học sinh đã bị đánh đồng như các dịch vụ đưa rước khách bình thường khác. Tình trạng này phải được chấm dứt vì nó tiềm ẩn quá nhiều hiểm nguy đối với học sinh.
Cũng thật ngạc nhiên, khi lấy ý kiến về bộ quy chuẩn về xe đưa đón học sinh lại gặp không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng thiết kế và tổ chức xe đưa đón học sinh riêng biệt sẽ tốn kém, gây khó khăn đối với đội ngũ tài xế, ảnh hưởng đến ngân sách của các trường… Nhưng nếu lấy sự an toàn của học sinh để so sánh thì những ý kiến trên chỉ là ngụy biện. Hoạt động về ngành nghề nào thì tuân thủ quy định chặt chẽ của ngành nghề đó và vấn đề an toàn với con người phải được đặt lên hàng đầu.
Trong thời điểm hiện tại không quá khó khăn để thiết lập bộ quy chuẩn về xe đưa đón học sinh. Các nước phương Tây đã có kinh nghiệm này gần cả trăm năm; ngay khu vực châu Á, nhiều nước đã thực hiện vài thập kỷ rồi. Tại Mỹ, mỗi ngày có 26 triệu trẻ em đến trường bằng xe bus chuyên dụng. Giáo viên, tài xế và học sinh đều được đào tạo các kỹ năng ứng phó trong tình huống cấp bách. Họ bắt buộc những cơ sở và cá nhân liên quan phải áp dụng những quy trình giám sát chủ động để hạn chế tối đa các trường hợp rủi ro xảy ra trên đường đưa đón học sinh… Hãy học hỏi họ vì những kinh nghiệm này đã được đúc kết qua nhiều năm và chúng ta có thể sử dụng cho hiện tại và cả tương lai.
Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu thì con đường đến trường cũng phải là con đường an toàn nhất, vui tươi nhất. Điều này phải làm và làm cho bằng được, bởi đó là trách nhiệm của xã hội, của từng gia đình và từng ngôi trường.