Kiểm soát mật độ chăn nuôi
Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 15-2-2022 của UBND tỉnh, một số địa phương có dư địa lớn về lĩnh vực chăn nuôi như: Chư Prông dự kiến mật độ chăn nuôi còn khoảng 100 ngàn con heo thịt, 10 ngàn con heo nái, 16 ngàn con bò thịt; Mang Yang 195 ngàn con heo thịt, 44 ngàn con heo nái, 3 ngàn con bò thịt; Đak Đoa 115 ngàn con heo thịt, 17 ngàn con heo nái, 2 ngàn con bò thịt; Chư Sê 110 ngàn con heo thịt, 10 ngàn con heo nái, 4 ngàn con bò thịt; Kông Chro 90 ngàn con heo thịt, 10 ngàn con heo nái, 5 ngàn con bò thịt...
Nếu tất cả 205 dự án chăn nuôi được phê duyệt đi vào hoạt động thì toàn tỉnh chỉ có 9 địa phương mật độ chăn nuôi còn trong ngưỡng cho phép gồm: Ayun Pa, Chư Păh, Đức Cơ, Ia Grai, Đak Đoa, Kbang, Chư Sê, Chư Prông, Mang Yang; 5 địa phương mật độ chăn nuôi hết ngưỡng cho phép là: Pleiku, An Khê, Kông Chro, Đak Pơ, Krông Pa. Và hiện có 3 địa phương mật độ chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép là: Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh. Bởi vậy, việc kiểm soát nhằm đảm bảo mật độ chăn nuôi phù hợp, góp phần phòng-chống dịch bệnh và kiểm soát tình trạng gây ô nhiễm môi trường là điều vô cùng cần thiết.
Trang trại nuôi bò của Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai. Ảnh: Lê Nam |
Với nhiều tiềm năng, thế mạnh như diện tích đất rộng, khí hậu ôn hòa, vị trí địa lý đắc địa cùng chính sách hợp lý, huyện Chư Pưh đang là điểm sáng của tỉnh về thu hút nguồn lực đầu tư vào các dự án nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Theo đó, huyện đã thu hút nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn với tổng mức đầu tư cả ngàn tỷ đồng như 2 trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư chăn nuôi Bách Mộc Hợp; tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn...
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Tứ cho hay: Từ năm 2018 đến nay, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp, hợp tác xã để kêu gọi đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn mới có 1 dự án đi vào hoạt động là Trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư chăn nuôi Bách Mộc Hợp tại xã Ia Hla; còn Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai tại xã Ia Le của Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn cũng như trang trại nuôi heo của Công ty TNHH Chăn nuôi Thuận Duyên đang tiến hành xây dựng.
“Quan điểm của huyện làm sao khống chế không để mật độ chăn nuôi vượt quá 2 đơn vị nuôi/ha. Do đó, huyện rà soát và quy hoạch khu chăn nuôi tập trung phải thật sự xa khu dân cư, có khoảng cách tối thiểu 1-1,5 km; quy hoạch những khu vực có quỹ đất cằn cỗi, sỏi đá không phù hợp phát triển trồng trọt nhưng lại phù hợp với phát triển chăn nuôi tập trung như: Ia Le, Ia Blứ, Ia Hla. Đồng thời, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết với người dân phát triển chăn nuôi, góp phần giúp người dân chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh khẳng định.
Trang trại bò thịt của Công ty Diên Hồng ở xã Tơ Tung, huyện Kbang. Ảnh: Thảo Nguyên |
Tương tự, huyện Kbang cũng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn triển khai dự án chăn nuôi. Có thể kể tới Dự án chăn nuôi heo công nghệ cao ở xã Sơ Pai, nuôi gà trứng giống công nghệ cao tại xã Lơ Ku, Đak Smar với tổng mức đầu tư 215 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin; Dự án chăn nuôi bò Úc sinh sản tại các xã phía Nam của huyện với mức đầu tư gần 100 tỷ đồng của Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai…
Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Sơn cho hay: “Hiện nay, mật độ chăn nuôi của huyện mới chỉ đạt khoảng 0,3 đơn vị nuôi/ha, trong khi theo quy định đến năm 2030 là 0,6 đơn vị nuôi/ha. Vì vậy, thời gian đến, huyện tiếp tục kêu gọi, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại. Tuy nhiên, huyện có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng rất lớn nên việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn, trang trại cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Nhân rộng mô hình liên kết
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79 được xem là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi tại Gia Lai. Đi vào hoạt động năm 2021 với tổng mức đầu tư gần 75 tỷ đồng, Dự án trang trại chăn nuôi heo thịt Ricky Farm 79 (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) có quy mô 32.000 con heo thịt mỗi năm đang hoạt động rất hiệu quả.
Ông Hoàng Thanh Tùng-Giám đốc Công ty-cho hay: “Dự án của chúng tôi được xây dựng cách khu dân cư trên 4 km theo đường chim bay và được trang bị hệ thống xử lý chất thải hiện đại, khép kín nên luôn đảm bảo về vấn đề môi trường. Là nhà đầu tư, tôi nhận thấy Gia Lai triển khai công tác hậu kiểm khá chặt chẽ. Huyện Phú Thiện cũng làm rất kỹ công tác giám sát môi trường. Vào ngày 25 hàng tháng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đều yêu cầu Công ty báo cáo tình trạng hoạt động bảo vệ môi trường của dự án và cứ 3 tháng/lần phải nộp các báo cáo giám sát môi trường. Hội đồng nhân dân huyện cũng chỉ đạo UBND huyện định kỳ hàng năm tổ chức giám sát độc lập”.
Huyện Ia Pa cũng thu hút được nhiều dự án chăn nuôi heo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Toàn huyện có 6 dự án chăn nuôi heo của Công ty cổ phần Chăn nuôi xanh GIC, Công ty TNHH Nhất Trần, Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm, Công ty TNHH Chăn nuôi Bảo An, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Thanh Trang và 1 hộ gia đình được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích hơn 100 ha.
Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: Đến nay, toàn huyện đã có 4 dự án chăn nuôi heo đi vào hoạt động, 2 dự án đang tiến hành xây dựng trang trại. Hiện tại các trang trại này đang hoạt động khá hiệu quả. Ngoài ra, mỗi trang trại chăn nuôi đã tạo việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.
Dự án trang trại chăn nuôi heo thịt Ricky Farm 79 (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện). Ảnh: Hà Duy |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa: Để phát triển chăn nuôi tập trung, UBND huyện đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy cho chủ trương khoanh những vùng đất rộng, xa khu dân cư, xa nguồn nước, ít có khả năng ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân để thu hút doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi. Hiện mật độ chăn nuôi của huyện mới chỉ đạt trên 0,33 đơn vị nuôi/ha, trong khi quy định đến năm 2030 là 1,5 đơn vị nuôi/ha nên địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi công nghệ cao.
“Quan điểm của huyện là quy hoạch phát triển chăn nuôi từng bước theo hướng chuyển dần từ nhỏ lẻ sang quy mô gia trại, trang trại, công nghiệp tập trung, kiểm soát an toàn dịch bệnh, quản lý môi trường. Hàng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch định kỳ kiểm tra các trang trại chăn nuôi, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh”-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Định hướng của tỉnh là phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, cân đối với trồng trọt và làm nền tảng cho phát triển chế biến phân hữu cơ, phân khoáng có giá trị để góp phần cải tạo đất, phục vụ thâm canh trồng trọt, phấn đấu đưa Gia Lai vào nhóm các tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển ở khu vực Tây Nguyên và cả nước.
Cùng với đó, chuyển dịch theo hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chăn nuôi tuần hoàn bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường; hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn.
Hệ thống xử lý nước thải khép kín hiện đại tại Trang trại chăn nuôi heo thịt Ricky Farm 79 (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện). Ảnh: Hà Duy |
“Thời gian đến, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình liên kết tổ chức chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng và thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, GMP), nông nghiệp hữu cơ (Organic); hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi; củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã làm trung gian liên kết doanh nghiệp và người dân, từ đó tạo niềm tin, khuyến khích người chăn nuôi tham gia các liên kết, hợp tác nhằm sản xuất ổn định, bền vững, tạo ra các sản phẩm có giá trị. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các trang trại, dự án chăn nuôi theo chuỗi sản xuất tuần hoàn kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và nguồn thức ăn chăn nuôi, trong đó, nguồn chất thải chăn nuôi được sản xuất thành phân vi sinh để tái sử dụng cho trồng trọt, sản phẩm của ngành trồng trọt sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho ngành chăn nuôi; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân vi sinh nhằm góp phần tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi phục vụ cho ngành trồng trọt trên địa bàn tỉnh”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.