Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ngày 26-10 Quốc hội khóa XV thảo luận về 2 dự thảo luật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 26-10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về quan điểm, chủ trương, sự cần thiết xây dựng Luật Cảnh sát cơ động nhằm cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, khắc phục một số bất cập, hạn chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới. 
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị làm rõ 3 nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng Cảnh sát cơ động; làm rõ vị trí, vai trò của Cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân để thuyết phục tính cần thiết phải ban hành đạo luật riêng cho lực lượng này. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung nội dung để làm rõ thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của Cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách. Trường hợp nào được hiểu là cấp bách, tính chất, mức độ, phạm vi huy động người, phương tiện, thiết bị của Cảnh sát cơ động…
Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến tại đầu cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đa số đại biểu cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn những bất cập, vướng mắc. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; hướng tới thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua việc tăng cường khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tiến bộ của thế giới.
Các đại biểu cũng thống nhất giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo các đại biểu, việc bỏ biện pháp xử lý hành chính có khả năng làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này để duy trì trật tự công. Việc chuyển nhóm hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp này sang giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm