Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ngày làm việc thứ 3 Đại hội XIII của Đảng: Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 27-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục ngày làm việc thứ 3. Đại biểu tập trung thảo luận các văn kiện gồm: dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025); dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030).

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã bám sát các văn kiện trình Đại hội, nhất là bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và 23 tham luận liên quan đến các vấn đề: tài chính, đối ngoại, tư pháp, dân vận, quốc phòng-an ninh, nông nghiệp, đối ngoại… đã được trình bày tại Đại hội.

Khẳng định những thành tựu quan trọng

Tham luận tại Đại hội với chủ đề “Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Nhiệm kỳ vừa qua, nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển tương đối toàn diện ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào các thành quả của đất nước. Đặc biệt, kết quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 đã củng cố tiềm lực nền tài chính quốc gia theo hướng an toàn, bền vững; đồng thời tạo dư địa huy động thêm nguồn lực để phòng-chống đại dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế tránh suy thoái, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn tới.

 Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Phương Dung
Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Phương Dung


Đề cập đến công tác cải cách tư pháp, đại biểu Lê Hồng Quang-Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao-thông tin: 15 năm gần đây, các tòa án luôn phải giải quyết khối lượng công việc năm sau cao hơn năm trước từ 8 đến 10%. Mặc dù số lượng biên chế cơ bản không thay đổi, song tòa án các cấp luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Hàng năm, tòa án giải quyết, xét xử 95-98% số vụ việc thụ lý.

Đánh giá một số kết quả nổi bật về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GD-ĐT cơ bản được hoàn thiện; chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ 99,9%; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Bộ cũng ban hành và tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

“Lần đầu tiên, toàn ngành GD-ĐT đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và triển khai tại 63/63 Sở GD-ĐT, thu thập được 22 triệu hồ sơ học sinh, 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý từ 53 ngàn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học”-đại biểu Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Bên cạnh đó, các đại biểu trong lực lượng Quân đội, Công an cũng đã tham luận các nội dung liên quan đến việc chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và bảo vệ cuộc sống Nhân dân. Đại tướng Tô Lâm-Bộ trưởng Bộ Công an-nhấn mạnh: Lực lượng Công an nhân dân đã chủ động, thường xuyên nắm chắc và dự báo sát, đúng tình hình từ xa, từ sớm, từ cơ sở, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra và lãnh đạo thực hiện thắng lợi chủ trương, quan điểm có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài về bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Qua đó tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội mở rộng đối ngoại, nâng tầm vị thế đất nước.

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Đề cập đến tầm quan trọng của phát triển tri thức trong định hướng chiến lược phát triển, đại biểu Nguyễn Thành Phong-Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh-cho biết: Thành phố khai thác có hiệu quả lợi thế của một đô thị đặc biệt vào phát triển kinh tế tri thức, hình thành những nền tảng của kinh tế tri thức gồm: đội ngũ trí thức đông đảo, đô thị thông minh, khu công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các tập đoàn lớn về công nghệ, các trung tâm nghiên cứu phát triển, hạ tầng công nghệ thông tin trên nền tảng mạng 5G.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số; ban hành chương trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh mới với 4  trụ cột. “Thành phố thông minh không chỉ tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn là một “sản phẩm” thúc đẩy sáng tạo, “số hóa” phát triển công nghệ cao và làm “đầu kéo” cho tăng trưởng nhiều ngành”-đại biểu Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Phương Dung
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Phương Dung


Cùng với đó, các tham luận cũng nêu rõ vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: 5 năm qua, việc đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân đã được toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương vào cuộc quyết liệt, đồng bộ với nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Điều này thể hiện rõ 15/15 chỉ tiêu của ngành giai đoạn 2016-2020 đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; Chương trình OCOP mới được triển khai nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực với trên 3.200 sản phẩm OCOP được công nhận; đến ngày 15-1 có 4 tỉnh trên toàn quốc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tương tự, đại biểu Trần Đức Quận-Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng-cũng cho rằng: Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu là giải pháp có ý nghĩa chiến lược quan trọng để nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đại biểu Trần Đức Quận, đến nay, Lâm Đồng đã hình thành 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích khoảng 3.900 ha; có 13 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Lâm Đồng đã xây dựng một nền nông nghiệp với trình độ sản xuất khá cao, có thương hiệu, năng suất, chất lượng tốt. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nâng tầm ngành nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày 28-1, Đại hội tiếp tục thảo luận các nội dung liên quan đến các văn kiện trình Đại hội. Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đại biểu Lê Kim Giàu. Ảnh: Phương Dung
Đại biểu Lê Kim Giàu. Ảnh: Phương Dung

Đại biểu Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Tôi rất tâm huyết với các nội dung liên quan đến công tác quốc phòng-an ninh được đề cập trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng. Đó là việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030, một số binh chủng ngành phải tiến thẳng lên hiện đại. Phấn đấu từ năm 2030 trở đi phải xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc cũng tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

 


 PHƯƠNG DUNG
 

Có thể bạn quan tâm