Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ngày mưa đọc những lá thư tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi vốn rất sợ những con dốc, mà ở Đà Lạt ra ngõ là gặp dốc, bởi   nếu không có những con dốc thì Đà Lạt chẳng là Đà Lạt.  Và để đến được Quán cà-phê của thời Thanh Xuân, tôi phải cho xe đi xuống con dốc chạy xuống lũng sâu. May mà ngay bên trên, có một ngôi nhà, tôi đã để xe ở đó đi bộ xuống, để... chạm lấy thanh xuân.

 
 “Thư tình” ở quán Thanh Xuân.
“Thư tình” ở quán Thanh Xuân.


Quán rất khó nhận ra trên đường đi, dẫu có tấm bảng ghi rõ ràng “Cà-phê Thanh Xuân” bằng gỗ gắn trên hàng rào với địa chỉ là số 9 Triệu Việt Vương, bởi khi vừa rẽ xe qua đường này rất dễ dàng bị trượt mất tầm nhìn, tấm bảng cũng không “huyên náo”, may mà có ông Google để tìm.

Tôi đến quán khi tuổi đời của nó đã 5 năm tuổi, và không hiểu đất trời run rủi sao mà chọn ngày mưa để đến, như một nhà thơ đã viết: “Anh chọn ngày mưa gió để yêu em”. Phải nói thêm rằng có lần đến Hội An, tôi cũng đã được một cô bạn rủ đến quán cà-phê của người khiếm thính trên đường Trần Phú, Reaching Out là quán trà im lặng, đẹp và thức uống đa dạng với những tấm thẻ để trên bàn để khách đưa cho nhân viên khi có yêu cầu, thú vị nhất là tấm gỗ ghi chữ “thank you” khi ra về.

Nhưng ở “Quán của thời Thanh Xuân” ở Đà Lạt cũng do các em khiếm thính phục vụ thì hoàn toàn khác, độc đáo chính là những mảnh giấy ghi tâm tư của người tìm đến. Cổng quán có tấm bảng quán nhỏ, ghi “Thanh Xuân” và những ký hiệu bàn tay, cách nói chuyện của người khiếm thính, tấm bảng giới thiệu quán và rất nhiều dòng chữ ghi chú, chẳng hạn nhắc nhở để viết vào chỗ cũ sau khi viết xong những dòng lưu niệm, dán lên tấm bảng mà 5 năm nay biết bao nhiêu mảnh giấy đã được dán lên. Những mảnh giấy ấy nhỏ như lòng bàn tay, để sẵn cho khách tới cà-phê, thích thì viết và dán lên, cứ thế mà ở lại.

Tôi tự do nhìn ngắm, và điều thích thú chính là mấy ngàn “lá thư tình” của các bạn trẻ để lại. Việc để nguyên mảng tường để gởi gắm những lời tình, và nhiều quá thì đã dán lên ngay cả cánh cửa của nơi bán những vật phẩm nhỏ do các bạn khiếm thính làm ra, rồi lấn sang bức tường bên trong, tạo cho “Thanh Xuân” một dáng vẻ đặc biệt, là một nơi truyền cảm hứng, và là nơi để những hoài vọng về tình yêu ở lại. Và dẫu mưa, cây cỏ ngoài kia bị ướt, sân đang sũng nước, nhưng những bức thư tình được bảo đảm khô ráo.

Quán có nhiều góc ngồi, có dãy bàn bên dưới để có thể ngắm  cỏ cây, có mấy chiếc bàn trong căn phòng ấm cúng, cả mấy chiếc bàn bên hiên nhà, bao quanh có hoa nở và trên trần là những trái thông khô treo lủng lẳng. Ngoài những lá thư tình gởi lại kia, trái thông khô rất được quán ưa chuộng, lấy làm điểm nhấn, ngay cả trên bàn để cà-phê cũng có mấy quả thông xinh xinh. Những quả thông khô ở “Thanh Xuân” có thể nói là may mắn khi được chọn trong bao nhiêu quả thông khô trên các ngọn đồi Đà Lạt, ở lại tạo ra một vẻ đẹp rất riêng.

Ngày mưa đó, tôi tới quầy kêu thức uống, chỉ là trà, cà-phê và yaour... những thức uống đơn giản.  Đưa thẻ loại nước mình muốn uống, một em in hóa đơn ra, ghi giá tiền “không đồng”- ở đây không có giá, chỉ là niềm vui của bạn, bỏ bao nhiêu cũng được vào chiếc thùng nhỏ bằng gỗ. Có lẻ ở “Thanh Xuân”, việc tự tính tiền nước ấy đã tạo cho con người một niềm tin mạnh mẽ về sự yêu thương.

Có hai vị trí đẹp nhất ở nơi này, một là chiếc bàn dài ngay bên dưới những lá thư, hai là chiếc bàn có hai ghế ngồi cũng ở bên dưới những lá thư bên kia, cách nhau cái cửa ra vào. Tôi chọn chiếc bàn bên kia vì chiếc bàn dài có hai bạn trẻ đã ngồi từ trước.  Cô con gái chắc là sinh viên năm nhất cho tôi biết cô ấy tới đây rất nhiều lần, và rất yêu nơi chốn này, cô tạo dáng cho tôi chụp một kiểu hình. Sau khi đi một vòng tham quan, mua ít đồ như tinh dầu, các dây đeo bằng gỗ... tôi ngồi cà-phê và tẩn mẩn đọc những lá thư tình.

 Không thể đọc những lá thư đã bị chồng lên nhau, tôi đọc những lá thư bên ngoài. “Ngày 30- 5 -2020 là ngày hai người gặp nhau. Và sau đó anh đã gởi lời mời kết bạn cho em tận ba lần nhưng tới lần thứ ba em đã chấp nhận kết bạn. Và chỉ cố tình cmt (comment) dạo avt (avatar) của anh thật sự lúc đó em không biết mình đã từng gặp nhau...” và “Hi Tramy.phantruc. Nếu một ngày My tìm được đến đây và đọc những dòng này thì My xứng đáng được biết là Tâm đã thích những điều nhỏ nhặt của My trong lần gặp đầu tiên rất nhiều...”...

Ở “Thanh Xuân” đó, chắc sau những giờ làm việc, các bạn trẻ khiếm thính chắc cũng tò mò đọc những bức thư dán vào, và nếu tấm nào dán bị sắp rơi, các bạn sẽ dán lại cho chặt. Còn tôi, khi rời quán, tưởng tượng những đôi lứa yêu nhau có thể đã đến đây, viết thư cho nhau, cứ thế mà nơi này đã có những cuộc tình, tôi tin điều đó.

Theo KHUÊ VIỆT TRƯỜNG  (cadn)

Có thể bạn quan tâm