Vào cuối năm, các gia đình chuẩn bị những mâm cơm Tất niên tươm tất để cả gia đình sum họp, tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị đón Tết.
Tất niên (hay còn gọi là tiệc tất niên, lễ tất niên…) là một nghi thức được diễn ra nhằm ghi nhận việc hoàn tất các công việc năm cũ và chuẩn bị bước sang năm mới.
Ở Việt Nam, Tất niên thường được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm tính theo lịch Âm (tức là ngày 30 tháng 12 Âm lịch, hay còn gọi là ngày 30 Tết). Một số năm thiếu như năm 2022 thì Tất niên sẽ được tổ chức vào ngày 29 tháng 12 Âm lịch.
Bữa cơm Tất niên chiều 30 tết là bữa cơm gắn kết mọi thành viên, thế hệ trong gia đình. Theo quan niệm xưa, những gia đình nào càng đông đủ con cháu, các thế hệ cùng dùng bữa cơm này chứng tỏ gia đình ấy nhiều phúc, lộc và may mắn.
Đây cũng là thời điểm các thành viên trong gia đình đoàn tụ sau một năm khó có thời gian gặp gỡ, chuyện trò. Tuỳ vào mỗi vùng miền mà mâm tất niên có mời thêm khách là hàng xóm hay bạn bè thân thiết đến dự.
Mâm cơm Tất niên ngày của người Việt. Ảnh: TL |
Mọi người sẽ cùng nhau ôn lại kỷ niệm, bỏ qua những hiểu lầm, xích mích, những chuyện không vui của năm cũ, hứa hẹn tương lai tốt đẹp và cùng nhau chào đón năm mới, đặc biệt là khoảnh khắc Giao thừa thiêng liêng, khi đất trời giao hòa, vạn sự bừng lên sức sống mới. Có thể ở bên gia đình, người thân vào lúc này chắc chắn sẽ là điều tốt đẹp nhất, không gì sánh bằng.
Không chỉ mang ý nghĩa sum họp gia đình, bữa cơm tất niên còn là nghi thức để kết thúc năm cũ, đón năm mới, mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản bếp núc. Sau bữa cơm tất niên, gia đình sẽ sửa soạn để cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón chào năm mới. Đây cũng là dịp để con cháu tri ân tổ tiên đã phù hộ mình trong năm qua.
Mâm lễ cúng Tất niên tùy theo điều kiện gia đình cũng như phong tục tập quán mỗi vùng mà thịnh soạn hay thanh đạm. Thế nhưng, một số thành phần bắt buộc phải có khi cúng theo phong tục của người Việt Nam gồm: hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng… được bầy biện trang nghiêm.
Ngày Tất niên là ngày quan trọng đối với người dân Việt Nam, nơi những người con, người cháu xa quê lập nghiệp về với ông bà, cha mẹ. Do đó, dù có làm gì, đi đâu thì mọi người ai cũng nhớ cùng ngồi dùng bữa cơm 30 Tết cùng gia đình.
Theo Diễm Quỳnh (LĐO)