Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ngày thành lập Đảng và phát huy nguyên khí quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”- câu nói của người xưa cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong suốt 92 năm qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, việc trọng dụng nhân tài luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ngày nay,  khi giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu, khi văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp kiến quốc đất nước thì hai từ “hiền tài” tiếp tục được đặt ra.
Tròn 580 năm trước, lịch sử khoa thi năm 1442 có khắc ghi những dòng chữ của Tiến sĩ triều Lê, Thân Trung Nhân: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”
Tư tưởng trọng dụng nhân tài xuyên suốt quá trình xây dựng Đảng
Tư tưởng trọng dụng nhân tài xuyên suốt quá trình xây dựng Đảng
Tư tưởng về trọng dụng nhân tài, phát triển nguyên khí quốc gia được Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần, vận dụng sáng tạo ngay từ khi thành lập Đảng khi quy tụ được nhiều đồng chí, ở nhiều tầng lớp khác nhau đi theo con đường cách mạng. Những nhân tố mới, sáng tạo đó được bén rễ phát triển trong thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang tiến dần đến giai đoạn cuối. Đây là nguyên nhân quan trọng và trực tiếp dẫn đến thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi trọn vẹn, giành lại độc lập dân tộc.
Sau Cách mạng tháng Tám, với tinh thần “cầu người hiền tài” cùng gánh vác nhiệm vụ kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên báo Cứu quốc về tình cảm và nhiệm vụ (của Chính phủ do Người đứng đầu) trọng dụng người tài: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”.
Tư tưởng về trọng dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được củng cố, phát huy. 
Cũng phải thừa nhận rằng, có những thời điểm, việc dùng người tài có lúc bị xem nhẹ. Chẳng hạn như những câu chuyện “bỏ người tài, dùng người nhà”, “con ông cháu tôi”, “nhất quan hệ, nhì tiền tệ cuối cùng mới là trí tuệ”… đã mang đến những suy nghĩ sai lệch. Trên thực tế, những tư tưởng này mang tính cục bộ và không đại diện cho cách dùng người của Đảng trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc rồi trở thành đảng cầm quyền, trước hết và cơ bản nhất là năng lực tìm tòi, sáng tạo để xác lập đường lối, chính sách đúng đắn giải phóng và phát triển đất nước.
Trong điều kiện thế giới đang diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quy mô lớn, tốc độ nhanh và chưa từng có tiền lệ, với những đột phá về công nghệ, tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia thì đổi mới sáng tạo là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia. 
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát huy sức mạnh dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững. Để hiện thực hóa khát vọng đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là đổi mới sáng tạo. Đối với đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu, Đảng đề ra yêu cầu “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”. 
Việc xác lập và đưa ra quan điểm về bảo vệ cán bộ “6 dám” chính là cách để thu hút người tài, bảo vệ người tài. Trong đó nêu bật lên yếu tố dám đổi mới sáng tạo được cho là xuất phát từ những đòi hỏi bức bách từ cuộc sống, thể hiện xu thế đổi mới tiến bộ trong bối cảnh mới đang tạo ra khả năng sàng lọc, kiểm chứng tính đúng đắn của đường lối và phương pháp hoạch định đường lối, chính sách của Đảng.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Dự báo, chúng ta phải đối mặt với những rủi ro thách thức cả từ bên ngoài và từ nội tại, nhưng cơ bản thì thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Trên thế giới, diễn biến đại dịch vẫn hết sức phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới, kinh tế thế giới phục hồi chưa vững chắc, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt... Ở trong nước, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với "kẻ thù vô hình - COVID-19", trong khi đó, sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân giảm sút, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề hơn...
Để vượt qua thách thức khó khăn, để sẵn sàng các phương án ứng phó hiệu quả, "vững tay chèo" đưa con thuyền đất nước vững vàng vượt qua sóng to, bão lớn điều tất yếu phải cần có nhân tài, những nhân tài không ngại hy sinh, gian khó, những nhân tài luôn tìm cách đổi mới sách tạo vì lợi ích chung.
Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm: “Chúng ta lâu nay đã đổi mới, sáng tạo thì tới đây càng phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa”.
Tận dụng, phát huy hiệu quả nguyên khí quốc gia chính là yêu cầu và là nhiệm vụ của Đảng trong quá trình dẫn dắt đất nước, dẫn dắt dân tộc tiến lên.
Theo LINH ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm