Phóng sự - Ký sự

Nghề không bao giờ... cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nhu cầu mặc đẹp ngày một tăng, thợ sửa quần áo, giày dép không dừng lại ở việc làm cho những chiếc áo, chiếc quần, đôi giày đã cũ sờn trở nên lành lặn mà còn “hô biến” chúng thành những món đồ đẹp hơn, phù hợp hơn với người mặc. Vì vậy, có thể gọi đây là nghề không bao giờ cũ.
Lấy công làm lãi
Giữa trưa nắng, chị Huỳnh Thị Thúy Hằng-thợ sửa quần áo trước shop thời trang 44 Trần Phú (TP. Pleiku) kéo chiếc dù ngay phía trên đầu xuống thật thấp để vừa che nắng, vừa chắn bớt những đợt gió bụi cứ thông thốc thổi vào mặt. Xong xuôi, chị quay trở lại bàn máy may, tiếp tục cắt và lên lai chiếc quần kaki nam để kịp đầu giờ chiều giao cho khách. Vì ngồi ngay vỉa hè, phía trước shop thời trang nên ngoài chiếc máy may, đồ đạc còn lại của chị Hằng đều gọn nhẹ hết mức có thể; tất cả kim, chỉ, phấn... chị đều bỏ hết vào trong một chiếc hộp nhỏ ngay bên cạnh.
 Chị Hằng tranh thủ làm cả buổi trưa để kịp giao đồ cho khách. Ảnh: P.D
Chị Hằng tranh thủ làm cả buổi trưa để kịp giao đồ cho khách. Ảnh: P.D
Trước khi chọn công việc sửa quần áo, chị Hằng từng là thợ may. “Mỗi ngày mình cũng kiếm được khoảng 100 ngàn đồng nhưng đi may cho tiệm không được thoải mái về thời gian, cuối tháng mới nhận lương 1 lần. Vì vậy, mình xin nghỉ, mua máy ra đây ngồi sửa quần áo, vất vả một chút nhưng bù lại có thể tranh thủ đưa đón con đi học, thu nhập không cao nhưng có đồng ra đồng vào mỗi ngày để chi tiêu trong gia đình”-chị Hằng trải lòng. Không có máy vắt sổ, lại làm một mình nên chị Hằng thường chỉ nhận sửa những chi tiết đơn giản như: lên lai, thay dây kéo, may lại những chỗ bị rách... Giá tiền cho mỗi lần sửa dao động từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng. “Nghề này chủ yếu lấy công làm lãi thôi, có nhiều khách quen mang quần áo đến nhờ may có vài đường chỉ, ít quá mình còn chẳng nỡ lấy tiền. Với lại, nghề này có muốn lấy giá cao cũng khó, vì nhiều chiếc áo, chiếc quần người ta mua đồ second-hand chỉ vài chục ngàn đồng, nếu mình sửa mà lấy giá cao hơn cả giá mua thì chẳng ai có nhu cầu”-chị Hằng nói.
Đa phần những người làm nghề sửa quần áo, giày dép đều chọn ngồi ở những vị trí đông người qua lại như: siêu thị, trường học, chợ, shop thời trang... để dễ thu hút khách và tiện đường. Gần 20 năm gắn bó với góc ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Hai Bà Trưng, vợ chồng anh Hoàng Văn Quynh-chị Trần Thị Thoa có lượng khách hàng khá đông ở TP. Pleiku. Nói như chị Thoa: “Vợ chồng tôi làm công việc này từ lúc cậu con trai đầu còn nhỏ, giờ nó đã 25 tuổi, lấy vợ, sinh con và cũng nối nghề luôn rồi”. Nhà ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai), cách chỗ làm gần 8 km song đúng 7 giờ sáng mỗi ngày anh chị đã có mặt ở góc ngã tư rồi kê máy móc bắt đầu làm việc. Tranh thủ làm việc cả buổi trưa, đến tận 7 giờ tối anh chị mới mang 2 chiếc máy may, 1 máy vắt sổ cùng bàn, ghế, kim, chỉ... đem đi gửi ở nhà dân gần đó rồi trở về nhà.
Anh Quynh cho hay, nghề sửa quần áo không có trường lớp đào tạo, nhưng do xác định gắn bó lâu dài nên anh từng dành ra 4 tháng vào TP. Hồ Chí Minh “tầm sư học đạo”. Anh tìm đến những thợ sửa quần áo lâu năm, học hỏi kinh nghiệm, những bí quyết để có thể sửa được nhiều loại quần áo khác nhau và “trị” được cả những “ca khó”. Chị Thoa bộc bạch: “Thời điểm đó, quần áo may đo đang được ưa chuộng, với lại nhu cầu mặc đẹp của người dân chưa cao như hiện nay nên quần rộng một tí hoặc dài một chút cũng được, không cần sửa. Vì vậy tháng đầu tiên, mỗi ngày vợ chồng tôi ngồi sửa, tiền công chỉ đủ mua đúng 1 đĩa cơm trưa”. Nhờ sự kiên trì, chỉ vài tháng sau, lượng khách mang đồ đến sửa tăng dần, anh chị mua thêm máy may, máy vắt sổ. Hiện tại, vợ chồng chị và cả cậu con trai lớn cùng làm cũng không hết việc. Nói như thế không có nghĩa là tất cả các nơi sửa quần áo cũ đều đông khách. “Nếu chỉ sửa dây kéo, lên lai quần... thì đơn giản nhưng với những chiếc áo phải sửa lại phần nách hoặc chiếc quần bóp lại phần lưng, phần đùi, ngoài lấy số đo, mình còn phải quan sát kỹ dáng người của khách thì mới có thể sửa cho phù hợp”-chị Thoa cho biết.
Chọn cho mình một góc nhỏ ngay ngã tư Võ Thị Sáu-Đoàn Thị Điểm (TP. Pleiku) để mưu sinh, anh Phạm Văn Thắng lại theo nghề sửa giày dép. Đồ nghề của thợ sửa giày chủ yếu là keo dán, miếng cao su, máy mài, quạt điện, chiếc tủ nhỏ để kê vài đôi giày và cũng là.... bảng hiệu. Trong lúc chờ keo dán đế giày khô, anh Thắng quay qua bật công tắc chiếc máy mài và thoăn thoắt đôi tay mài từng miếng cao su cho vừa với chiếc đế giày còn lại. Vừa làm, anh vừa chia sẻ: “Mình học nghề đóng giày nhưng vì không có mặt bằng, không có vốn liếng nên phải đi làm thợ sửa giày dép. Mình làm cũng 10 năm nay rồi nên chủ yếu là khách quen đến ủng hộ, thỉnh thoảng cũng có khách là các cầu thủ bóng đá, khách từ huyện lên. Có lúc cả khách nước ngoài cũng tìm đến”.
Đưa cho chúng tôi xem một đôi giày thể thao vừa làm xong đế, anh Thắng giải thích: “Đôi giày này khách hàng rất thích, mọi thứ còn khá mới, chỉ có đế giày bị mòn. Mình mất khoảng 2 giờ đồng hồ để làm mới lại, từ việc đo đế, cắt cao su, mài cho vừa vặn sau đó bo viền để không bị thô, rồi ngồi tỉ mỉ tạo từng rãnh nhỏ trên đế để khi đi không bị trơn trượt”. Mất khá nhiều thời gian và cũng tốn tiền điện, tiền keo dán nhưng theo anh Thắng, giá tiền làm mới đế một đôi giày thể thao nam cũng chỉ dao động khoảng 70-80 ngàn đồng, còn đế giày nữ khoảng 30-35 ngàn đồng.
Không sợ thiếu việc
Được xem là nghề lượm bạc lẻ song với người thợ, nếu chịu khó thì nghề cũng mang lại thu nhập ổn định. Trước đây thợ chủ yếu sửa đồ cũ nhưng hiện nay do nhu cầu mặc đẹp nên ngay cả quần áo, giày dép mới mua cũng được khách hàng mang đi sửa cho vừa vặn hơn, do vậy không sợ thiếu việc. Chị Thoa dẫn chứng, có nhiều người mua chiếc áo, chiếc quần vì thích kiểu dáng, màu sắc nhưng khi mặc vào bị rộng quá hoặc chật quá sẽ mang đi sửa cho vừa; cũng có người chân nhỏ quá không lựa được đôi giày, đôi dép vừa cỡ đành phải mua dép mới rồi đi cắt bớt quai hoặc dán thêm miếng lót phía sau gót cho khỏi bị rớt. “Mỗi ngày anh chị sửa được bao nhiêu chiếc áo, chiếc quần?”. Trả lời câu hỏi ấy, anh Quynh cười nói: “Không thống kê được vì có cái sửa đơn giản khách chờ lấy ngay, có cái sửa nhiều, thậm chí khách yêu cầu tháo hoàn toàn ra rồi may lại thì phải hẹn sang hôm sau. Thông thường khách yêu cầu sao thì mình sẽ sửa như thế, nhưng nhiều khi mình cũng tư vấn để khách mặc đẹp hơn”. Ông Nguyễn Văn Kỳ (tổ 3, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho hay: “Mới đây, tôi được con gái mua tặng 1 chiếc áo khoác qua mạng. Áo mặc khá đẹp nhưng ống tay hơi rộng nên phải đem đi sửa. Sau khi thợ tháo hết ống tay, bóp lại cho vừa vặn, tôi mặc thấy rất hài lòng”.
Nói thêm về bí quyết để luôn làm không hết việc, chị Thoa cho rằng, ngoài cẩn thận, tỉ mỉ để tạo ra các đường may chắc, đẹp thì giá cả phải chăng, giữ quần áo cẩn thận và giao đúng hẹn cũng rất quan trọng. “Thợ may nếu chẳng may làm mất hoặc hư vải chỉ phải đền vài trăm ngàn đồng, chứ quần áo, túi xách của khách mang đến sửa có cái vài triệu đồng, nếu để thất lạc thì mất chữ tín, lại phải đền tiền. Vì vậy, với những chiếc túi xách đắt tiền, nếu sửa đơn giản thì mình thường chọn làm trước; còn quần áo mình phải ghi tên khách rõ ràng và cất giữ cẩn thận”-chị Thoa chia sẻ. Chính vì luôn cẩn thận nên trong suốt thời gian làm nghề, vợ chồng chị Thoa chưa khi nào giao nhầm hay làm thất lạc đồ của khách.
 Anh Thắng đang tập trung mài đế giày bằng cao su. Ảnh: P.D
Anh Thắng đang tập trung mài đế giày bằng cao su. Ảnh: P.D
Anh Thắng cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nghề nào cũng cần giữ chữ tín mới bền lâu. Do vậy mỗi khi nhận giày dép của khách, anh đều kiểm tra kỹ, báo giá nếu khách đồng ý thì hẹn thời gian giao cụ thể, tránh việc khách hàng phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, nhất là những khách ở xa. “Nhưng cũng có nhiều khách mang giày đến sửa rồi vì lý do gì đó không đến lấy. Mỗi năm mình phải vài ba lần đem giày đi bỏ, mỗi lần khoảng 20-30 đôi do bị mốc hoặc bong tróc hết”-anh Thắng kể. Anh cũng cho biết thêm: “Công việc này không có biên nhận, chủ yếu là khách hàng và thợ tin tưởng lẫn nhau. Để tránh gây ra hiểu nhầm và cũng tránh việc giao nhầm giày phải đền tiền, mình đã tập thói quen ghi nhớ khách hàng, ghi nhớ cả những đôi giày, vị trí cần phải sửa theo yêu cầu”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy khách vừa dừng xe để nhận giày dép mang đi sửa trước đó thì anh Thắng đã nhanh chóng lấy đúng món đồ và trao tận tay. Có lẽ chính sự tận tâm ấy cũng là một “thương hiệu” giúp anh Thắng hiếm khi nào chịu cảnh thất nghiệp.  
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm