Phóng sự - Ký sự

Nghề livestream - Kỳ 2: Đi tìm bản sắc cá nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
"Te tò te, tui là Hoàng Nguyên đây!". Đó là câu mở đầu quen thuộc của Nguyễn Hoàng Nguyên (22 tuổi, ở TP.HCM) cất lên mỗi khi Nguyên bắt đầu livestream (phát sóng trực tiếp) trên nền tảng TikTok.

Hiện tại, Nguyên là chủ sở hữu 2 kênh TikTok "te tò te" (có hơn 560.000 người theo dõi) và "te tò te thấy cái này hay nè" (246.000 người theo dõi). Người dùng biết tới Nguyên như một beauty blogger (người chuyên đánh giá, chia sẻ về chủ đề làm đẹp).

Sau thời gian xây dựng kênh TikTok, Nguyên có thu nhập nhờ livestream bán hàng và số tiền trung bình Nguyên kiếm được mỗi tháng gấp 10 lần lương tối thiểu vùng năm 2024 tại TP.HCM. Nhưng để đạt được những thành tựu đó, Nguyên nói, người livestream cần rất nhiều kỹ năng, từ cơ bản cho tới nâng cao.

Những kỹ năng nền tảng

Theo Nguyên, để có thể làm tốt một phiên livestream bán hàng, điều đầu tiên kể đến là tiktoker phải có kỹ năng sales, giao tiếp để thuyết phục được khách hàng xem livestream chốt đơn. Ngoài ra, tiktoker phải có nhiều kỹ năng khác như làm việc nhóm, có hiểu biết về marketing và đặc biệt là phải có hiểu biết về sản phẩm.

Livestream đòi hỏi nhiều kỹ năng như cách ăn nói, thu hút khách hàng chốt đơn...

Livestream đòi hỏi nhiều kỹ năng như cách ăn nói, thu hút khách hàng chốt đơn...

"Hãy tưởng tượng tới việc bạn sắp tổ chức một phiên livestream bán hàng, nhưng trong phiên live bạn không biết phải nói gì, không biết gì về sản phẩm, thì lúc này bạn thua rồi", Nguyên nêu ví dụ.

Kể lại quá trình của mình, Nguyên nói khi xu hướng dùng TikTok bùng nổ ở Việt Nam và đặc biệt là thời điểm TikTok Shop ra mắt vào năm 2022, thì nhiều người có mong muốn được livestream bán hàng. Là người trẻ, đón đầu xu thế, Nguyên cũng đến nhiều buổi workshop, khóa học mà TikTok Shop hay các bên liên quan trực tiếp hướng dẫn. Theo Nguyên, hiện nay rất nhiều KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) tham gia hoặc là đối tác của một MCN (Multi-channel network, mạng lưới liên kết giữa TikTok và người sáng tạo nội dung) để được cung cấp các cơ hội đào tạo phát triển.

"TikToker buộc phải biết, từng học qua các kỹ năng và chủ yếu là từ chia sẻ tại các workshop, các phiên livestream lớn. Chưa kể còn nhiều cái cần phải tích lũy như tư duy hình ảnh, video, xây dựng kịch bản…, đặc biệt là chuyên môn hóa về sản phẩm bán hàng. Như tôi, phải bổ sung kiến thức, học nhiều về da, cơ thể người. Mình phải tự cải thiện, phát triển các kỹ năng, kiến thức để người tiêu dùng có được những sản phẩm tốt nhất", Nguyên chia sẻ.

"Nhưng làm thế nào để xây dựng thương hiệu của bản thân?", chúng tôi hỏi. Nguyên liền lấy ví dụ bản thân là "xây dựng cho cộng đồng thấy giá trị tích cực, tràn đầy năng lượng của mình. Tôi muốn mỗi video đều có một giá trị nhất định. Ví dụ hôm nay tôi sẽ mang câu chuyện gì đến cho mọi người; tôi có voucher, mã giảm giá nào cho người dùng… Tất cả để tạo lòng tin, kết nối cảm xúc giữa nhãn hàng và khán giả".

Một phiên livestream của TikToker Hoàng Nguyên

Một phiên livestream của TikToker Hoàng Nguyên

Bản sắc trong livestream

Những điều Nguyên đang trăn trở chính là làm sao để xây dựng thương hiệu cá nhân, định vị được mình với một hình ảnh và giá trị riêng biệt trong dòng chảy của thị trường.

Đây cũng là điều mà TikToker Phạm Thoại (tên thật Phạm Văn Thoại, 28 tuổi, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng), một trong những cái tên hàng đầu trên thị trường livestream bán hàng hiện nay, chia sẻ.

Phạm Thoại nói: "Với nghề này, ngoài kỹ năng ăn nói thì người bán cần phải có kỹ năng tìm hiểu sản phẩm, thị trường và kỹ năng đàm phán với nhãn hàng, đối tác để có mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Từ thời đại học đến nay, tôi luôn cố gắng tích lũy kinh nghiệm về sales và thật lòng mong muốn làm sao đó giới thiệu những sản phẩm chất lượng cho khách hàng. Còn về bí quyết thu hút người mua, tôi nghĩ nó tùy mỗi người và chiến lược kinh doanh riêng. Ví dụ như người ta thường nói tôi "ồn ào", tôi xem đây là điểm nhấn của mình. Tôi cũng hay bày trò khiến cho khán giả cảm thấy mới mẻ, hứng thú. Nó có thể là tích cực hay tiêu cực tùy cảm nhận mỗi người, nhưng tôi nghĩ đó là cách khán giả nghĩ đến tên mình hơn, mình được thu hút hơn".

"Ồn ào", "live hấp dẫn", "có nhiều deal tốt cho khách"... là những câu nhận định nhiều nhất dành cho Phạm Thoại khi chúng tôi khảo sát nhanh 10 người trong độ tuổi dưới 30 và mua hàng trên TikTok Shop thường xuyên. Ngoài ra, người ta còn nói Phạm Thoại ấn tượng vì tích cực làm việc cộng đồng, thiện nguyện, hiếu thảo với mẹ…

Đây là "bộ nhận diện" của Phạm Thoại, và tiktoker này nhấn mạnh để đạt được thành công trong livestream chính là định hình được thương hiệu cá nhân.

Phạm Thoại được cộng đồng nhớ tới là có khả năng “ồn ào”, cung cấp nhiều voucher... khi livestream

Phạm Thoại được cộng đồng nhớ tới là có khả năng “ồn ào”, cung cấp nhiều voucher... khi livestream

"Tức là mỗi người phải có một bản sắc, đặc trưng không ai có", Phạm Thoại nhấn mạnh và nói rằng như bản thân là một người đam mê nghệ thuật và sẽ làm nhiều cách để đưa tính sáng tạo, tính nghệ thuật vào công việc.

Phạm Thoại giải thích: "Đây cũng là điểm khác biệt mà tôi hướng tới. Bình thường mọi người sẽ bán hàng một cách rất thuần, tập trung vào khả năng đánh giá sử dụng sản phẩm. Nhưng tôi sẽ lồng ghép tính nghệ thuật vào bằng việc sáng tạo các video teaser, video quảng bá. Và tôi đầu tư rất mạnh vào việc này, quay rất nhiều. Tất cả nhằm để người xem thấy thoải mái, nhìn vào biết đây là 1 video quảng cáo bán hàng và nhớ tới mình nhiều hơn".

Tất cả những kỹ năng, cách định vị phong cách cá nhân của Phạm Thoại cho đến nay đều là do tự tìm hiểu mà ra. Do đó, khi được hỏi về việc đào tạo livestream hiện nay, Phạm Thoại kể rằng khi TikTok xuất hiện và xu hướng livestream bán hàng bùng nổ thì nền tảng này trở thành một sân chơi khiến nhiều người ào ào đến để kiếm tiền nhanh hơn, chứ không phải ai cũng thật sự đam mê.

Từ đó, các khóa đào tạo nở rộ. Nhưng theo Phạm Thoại, rất nhiều khóa học hiện đang tự phát theo kiểu "lùa gà", mở ra để thu tiền người học, người đứng lớp dạy vài buổi theo kiểu giao lưu, còn kiến thức được truyền tải chỉ dừng ở mức cơ bản chứ chưa bài bản, chuyên sâu.

"Tôi luôn ủng hộ việc đi học. Nếu nhà nước hay bất kỳ ai mở khóa học và đào tạo kỹ năng mới và chuyên sâu thì tôi sẽ tham gia. Còn ngoài ra cơ bản tôi đã đủ kinh nghiệm để mở lớp học rồi, và nếu tôi có mở thì cũng không dạy đại trà, tôi chỉ hướng đến những người thật sự có đam mê. Bản thân tôi mong muốn rằng khi làm việc, học hành với nhau thì ai cũng thành công chứ không chỉ dạy rồi thu tiền", Phạm Thoại khẳng định. (còn tiếp)

Sales trên thị trường số

Phạm Trường Duy (24 tuổi, ở TP.HCM), một người chuyên vận hành buổi livestream cho các KOC (những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) trên TikTok Shop, nói rằng ngành livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử đang đà phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bất kỳ ai, nhất là người livestream bán hàng, có theo được ngành nghề này hay không tùy thuộc rất lớn vào chính bản thân họ, do tính cạnh tranh, đào thải nguồn nhân lực.

"Với những người cung cấp dịch vụ vận hành livestream như tôi coi công việc hiện giờ là công việc chính và có ý định gắn bó lâu dài. Phía nhà nước có thể cân nhắc về việc mở lớp đào tạo, thúc đẩy ngành nghề này vì nó đang đi lên. Khi nào còn dịch vụ thì những công việc mang tính chất cầu nối, bán hàng sẽ luôn tồn tại. Nhìn lại hai năm qua khi công nghệ và các sàn điện tử phát triển, nhà nhà, cho tới người nổi tiếng cũng đi livestream. Các nhãn hàng đẩy mạnh buôn bán trên thị trường số, như TikTok Shop. Do đó, về cơ bản, việc nắm các kỹ năng livestream không khác mấy với việc trở thành một người sales trên thị trường số", Duy nói.

Theo Phạm Thu Ngân - Uyển Nhi (TNO)

Có thể bạn quan tâm