Phóng sự - Ký sự

Nghề livestream - Kỳ 4: Tìm một lối đi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi thị trường livestream bán hàng ngày một cạnh tranh hơn, những người trẻ mới vào nghề buộc phải tìm cho mình một hướng đi mới và hướng đi ấy không tách rời giá trị cộng đồng.

Dự án của cuộc đời

TikToker Nguyễn Thượng Nhân (được biết đến trên TikTok với tên Marko Nguyễn) mới 21 tuổi và hành trình khẳng định bản thân của Nhân có thể truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ.

Nguyễn Thượng Nhân trở thành “ngôi sao chốt đơn” sau thời gian dài làm vị trí trợ live

Nguyễn Thượng Nhân trở thành “ngôi sao chốt đơn” sau thời gian dài làm vị trí trợ live

Với gần 1 triệu người theo dõi trên TikTok, Nhân được biết tới nhiều hơn sau khi vào nhóm của Phạm Thoại rồi trở thành á quân của chương trình The Shoppertainer - "Ngôi sao chốt đơn" năm 2024.

Trên kênh TikTok của mình, Nhân thường duy trì đăng tải các video livestream "daily" (tức các clip chia sẻ dạng nhật ký hằng ngày để duy trì lượt tương tác của người xem và tăng lượt theo dõi) và nhận livestream bán hàng cho các nhãn quảng cáo. Cách nói chuyện của Nhân ngoài đời lẫn trên TikTok nhỏ nhẹ và người dùng thường khen Nhân ăn nói dễ thương, hoạt bát, vui vẻ, truyền nhiều năng lượng tích cực cho cộng đồng.

Trước đây, Nhân làm trợ live (những người chuyên hỗ trợ kỹ thuật, tương tác cho người dẫn dắt chính của buổi livestream bán hàng) và nhiều người rất thích xem khi Nhân có khả năng giữ cho bầu không khí của buổi livestream luôn tích cực, kết nối với khán giả.

Tốt nghiệp lớp 12, chàng trai trẻ quê ở Đồng Nai không dám mơ tới đại học vì gia đình khó khăn. Nhân có đi học trung cấp nghề bếp nhưng được một học kỳ thì phải dừng lại do kinh tế khó khăn. Đi làm kiếm tiền, Nhân bắt đầu trợ live cho các KOC (Key Opinion Consumer, người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực cụ thể nào đó) nổi tiếng trong các buổi livestream bán hàng từ năm 2022. Sở dĩ Nhân biết tới công việc này vì cậu từng tập tành cộng tác viết nội dung cho một MCN (Multi-channel Network, mạng lưới liên kết giữa TikTok và người sáng tạo nội dung). Sau một lần tình cờ tham gia cuộc thi ngắn về livestream và đội của mình đoạt giải nhất, Nhân thấy yêu thích và muốn phát triển ở lĩnh vực này.

Nguyễn Thượng Nhân mong gắn kết ngành nghề của mình với giá trị cộng đồng và người nông dân

Nguyễn Thượng Nhân mong gắn kết ngành nghề của mình với giá trị cộng đồng và người nông dân

Ban đầu, công việc trợ live, theo Nhân kể, là rất ít. "Trong một buổi livestream thì tôi thường phụ một host - người livestream chính. Mấy tháng đầu, thu nhập của tôi chắc tầm 1,5 triệu đồng/tháng. Rồi sau đó là 2 triệu đồng/tháng. Nhưng có tháng chỉ được 800.000 đồng. Số tiền này do người làm chính trả cho tôi, dựa trên khoản lợi nhuận quảng cáo của nhãn hàng. Có vài lần tôi tính về quê, nhưng nghĩ lại nếu về thì mình sẽ sống thế nào. Thế là tôi quyết trụ lại thành phố", Nhân kể.

Trợ live hơn 1 năm, sau khi được dìu dắt bởi nhiều người làm nghề đi trước như Phạm Thoại và đặc biệt sau thành công từ cuộc thi "Ngôi sao chốt đơn", Nguyễn Thượng Nhân chính thức dấn thân thành một người livestream. Tuy nhiên, Nhân kể, không phải dễ dàng tổ chức livestream. Việc đạt được doanh số còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ và đòi hỏi người livestream phải có độ nhận diện thương hiệu cá nhân.

"Nhiều khi người dùng mua sản phẩm chỉ để ủng hộ một KOC nào đó. Cá nhân tôi đôi lúc tự đánh giá rằng giá trị mình để lại chưa nhiều. Đây là điều tôi muốn cải thiện. Chưa kể, để tổ chức được một phiên mega live (những phiên livestream lớn và quy mô) thì cần rất nhiều kinh phí, quay dựng teaser, thuê studio quay phim, nhân sự, thiết bị, giải quyết với các nhãn hàng…", Nhân giải thích.

Ngoài các kỹ năng cơ bản, KOC buộc phải có chuyên môn sâu hơn và có con đường riêng khẳng định bản thân mình

Ngoài các kỹ năng cơ bản, KOC buộc phải có chuyên môn sâu hơn và có con đường riêng khẳng định bản thân mình

Sau thời gian lăn lộn trong thị trường livestream, đi từ những phiên nhỏ cho tới những phiên livestream lớn, giá trị lên tới 42 tỉ đồng, Nhân đã có một vị trí nhất định trong ngành, dù cậu tự nhận mình mới chỉ là người bán hàng "ra số" (tạo ra doanh thu) chứ chưa phải cấp trung hay cao.

Đến giờ, Nhân có thu nhập khá ổn định, có tiền dọn đến một chỗ ở khang trang hơn, mua một chiếc xe máy để tiện đi lại và còn dư dả để thuê thêm một trợ lý bán thời gian cho mình. Nhân cho biết dành tiền thuê trợ lý vì đã thật sự quyết tâm theo ngành này. Với cậu, livestream là công việc, dự án của cuộc đời chứ không phải để làm cho vui, để trải nghiệm hay chỉ dừng lại ở việc bán lẻ thông thường nữa. Nhân không ngại chia sẻ về dự định cá nhân khi cậu đặt tiêu chuẩn sẽ định hướng công việc gắn với những giá trị cụ thể của cộng đồng, nhất là mặt quảng bá văn hóa - du lịch, hỗ trợ nhà nông phát triển.

"Tôi đã có cơ hội trải nghiệm quá trình làm chuối sấy. Người dân phải dậy từ 2 giờ sáng, chịu nhiệt độ cao từ cái chảo dầu và liên tục đảo chuối cho tới 17 giờ. Nhưng giá bán ra lại quá thấp. Có những ngày bán được, có ngày thì không. Chưa kể còn khó khăn về thời tiết nên thương lái mua cũng ép giá. Những TikToker có thể giúp họ mà?", Nhân nói và cố gắng định hình thật rõ ràng mong muốn gắn nghề nghiệp của mình vào sự phát triển chung của xã hội. Nhân cũng truyền tải hy vọng những nhà làm chính sách lưu tâm tới thị trường livestream và có giải pháp hiệu quả tận dụng nó nhằm thúc đẩy sản phẩm của người Việt.

Tạm gác livestream để đi học thêm

Cũng là một TikToker nổi trội, Nguyễn Hoàng Nguyên (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM) có 2 kênh "Te tò te" và "Te tò te thấy cái này hay nè" với tổng lượt theo dõi hơn 800.000. Nguyên hay đăng các clip ngắn nói về làm đẹp - một trong những mối quan tâm đặc trưng của gen Z.

KOC Nguyễn Hoàng Nguyên (trái) bán hàng trong "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Chợ di sản Bến Thành"

KOC Nguyễn Hoàng Nguyên (trái) bán hàng trong "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Chợ di sản Bến Thành"

Nguyên là một người đánh giá sản phẩm đa ngành hàng, đặc biệt là mỹ phẩm. Ngoài livestream bán hàng trên TikTok, Nguyên còn phát sóng các buổi bán hàng trên nhiều nền tảng khác như Facebook, Shopee, Lazada. Công việc này của cậu mới chỉ bắt đầu mạnh mẽ hơn 1 năm qua sau thời gian xây dựng kênh cá nhân. Tháng 12.2023, khi TP.HCM tổ chức "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Chợ di sản Bến Thành" (Ho Chi Minh City Shoppertainment 2023 - Ben Thanh Heritage Market), Nguyên là một trong 100 KOC được mời tới livestream.

Nguyên chia sẻ một người livestream bán hàng cũng giống như "đại lý" hoặc "sale". Thu nhập của họ nhờ khoản hoa hồng, từ 10 - 20% tùy vào thỏa thuận với nhãn hàng. Nếu nguồn nhãn hàng là do một MCN cho thì tỷ lệ hoa hồng sẽ tiếp tục được chia với phía công ty.

"Nghề này có cạnh tranh không?", chúng tôi hỏi. Nguyên đáp ngay: "Cực kỳ khốc liệt".

"Bây giờ nhiều người làm và muốn làm. Nhiều người lao vào đây vì thấy làm dễ và hầu như ai cũng có khả năng làm vì họ thấy chỉ cần mở điện thoại lên rồi bắt đầu nói, rồi ghim sản phẩm… Nhưng mọi người không biết câu chuyện đằng sau đó, rằng có cả ê kíp phía sau, chưa kể phải xây dựng thương hiệu cá nhân, tệp tương tác, người dùng theo dõi ra sao…", Nguyên nói và chia sẻ thêm có lúc cậu cảm thấy rất nản chí vì không phải live lúc nào cũng tạo ra doanh thu.

Dù thu nhập của Nguyên - một sinh viên chưa ra trường - đã cao hơn chục lần so với lương tối thiểu vùng ở TP.HCM nhưng Nguyên nhận thấy bản thân vẫn chưa khai thác hết những giá trị mà mình muốn thể hiện.

"Vì thị trường cạnh tranh nhiều nên nguy cơ đào thải là rất cao. Do đó, tôi đang tạm ngừng công việc livestream một thời gian để tập trung định hướng lại con đường của mình, trong đó là nâng cao kiến thức của bản thân về ngành hàng mà mình theo đuổi", Nguyên nói và cho biết thêm: "Tôi rất khó tính khi chọn sản phẩm livestream. Tôi thường chọn sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đa số là tôi đã dùng qua rồi mới đem ra live. Nên là tôi dự định tạm dừng livestream để đi học kiến thức chuyên ngành, hiểu thêm về sản phẩm làm đẹp. Có kiến thức thì mình mới tư vấn sản phẩm sâu hơn nữa cho khách hàng và đó cũng là cách để nâng tầm giá trị của mình lên". (còn tiếp)

Theo Phạm Thu Ngân - Uyển Nhi (TNO)

Có thể bạn quan tâm