(GLO)- Nhờ giọng hát đẹp cùng khả năng sáng tạo lời hát trên nền nhạc dân ca Jrai, nghệ nhân Kpă Bum (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được đi biểu diễn nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, đặc biệt là những người anh hùng như Bok Núp, Kpă Klơng.
Kỷ vật của Anh hùng Núp
Nghệ nhân Kpă Bum. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Gần 45 năm, chiếc radio nhỏ vẫn phát sóng rất tốt, giờ pin đã hư, ông cắm trực tiếp vào ổ điện nơi góc cột. Nghệ nhân Bum kể, chiếc radio đã theo ông suốt những năm tháng hoạt động ở đội văn công huyện, giúp ông nắm tin tức thời sự, cuộc sống của đồng bào khắp nơi trong tỉnh. Ông kể thêm: “Mình tham gia đội văn công từ những năm 60 của thế kỷ trước nên thường xuyên được đi biểu diễn cho đồng bào các làng, được đến các vùng chiến sự để thực tế sáng tác bài hát bằng tiếng Jrai, về hát tuyên truyền lại cho bà con. Sau chiến thắng Pleime tháng 11-1965, mình cùng một số người trong đội văn công được đưa lên tham quan trận địa để sáng tác bài hát, sau đó mình đi biểu diễn cho người dân khắp các buôn làng bằng tiếng Jrai, Bahnar, Ê Đê để họ biết bộ đội đã chiến thắng Mỹ như thế nào. Đó cũng là một kênh thông tin, tuyên truyền rất hiệu quả giúp bà con hiểu tình hình chiến trường, đồng thời huy động sức dân ủng hộ công cuộc đánh Mỹ đang diễn ra trên mặt trận Tây Nguyên. Trong một lần hát động viên thanh niên trước ngày lên đường làm nhiệm vụ, mình được gặp Anh hùng Kpă Klơng, đó là một người thông minh, gan dạ nhưng có phần gầy gò”. Ông Bum chia sẻ, người Jrai rất tự hào vì có người Anh hùng Kpă Klơng. Gương người anh hùng truyền cảm hứng tự hào mạnh mẽ cho lớp lớp thanh niên lên đường ra trận, bằng những bài hát ngẫu hứng do ông nghĩ ra trên nền dân ca.
Nghệ nhân với di sản
Trong ánh hoàng hôn lộng lẫy bên bờ sông Ba, có cảm giác hình ảnh nghệ nhân Kpă Bum bên những đứa cháu trong trang phục Jrai truyền thống như bước ra từ sử thi. Ông đang tham gia quay video cho chương trình bảo tồn dân ca Jrai của huyện. Đó là một trong những hoạt động ông đóng góp cho văn hóa tại địa phương trong nhiều năm qua. Ông Bum có hơn 10 đứa cháu nội ngoại, đứa nào cũng thuộc nhiều bài dân ca lời cũ, lời mới. Nghệ nhân cho biết: “Dân ca Jrai không cố định phần lời, có thể nhiều nội dung khác nhau trên cùng một điệu nhạc. Mình dạy cho các cháu biết về âm nhạc dân gian hơn là chú ý đến phần lời để sau này chúng hát về đời sống hiện tại của mình nhưng không quên đi mạch nguồn âm nhạc truyền thống”.
Dưới mái nhà sàn “dài như một tiếng chiêng” của Kpă Bum, truyền thống văn hóa được nối tiếp qua các thế hệ. Không chỉ có ông, vợ ông cũng từng là hạt nhân của đội văn công năm xưa. Họ có chung niềm yêu thích với âm nhạc truyền thống. Ông bà có 6 người con đều sống quây quần cạnh ngôi nhà dài của bố mẹ. Những đứa cháu lần lượt lớn lên dưới những làn điệu dân ca của ông bà. Nguồn mạch văn hóa ấy cứ được tiếp nối, trao truyền một cách rất tự nhiên. Em Nay Chí, Nay H’Lam-cháu nội nghệ nhân Bum là hai trong số đó có năng khiếu thuộc và hát nhiều bài dân ca nhất. Cả hai đang học lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền (xã Ia Rmok), thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ tại địa phương. Nay Chí cho biết: “Nghe ông hát dân ca, em nhớ rồi thuộc hồi nào không hay, thuộc nhiều bài lắm”. Còn Nay H’Lam kể: “Em thích được mặc trang phục truyền thống cùng ông tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ, hát dân ca giữa các làng với nhau. Em rất thích văn hóa của người Jrai mình”.
Nghệ nhân Kpă Bum dạy các em nhỏ hát dân ca Jrai. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Là một nghệ nhân đa tài, Kpă Bum còn chơi đàn giỏi và biết chế tác đàn goong. Ngón đàn tài hoa của ông đã khiến bao người mê đắm, ngọt ngào như dòng suối quê xuyên suốt hơn nửa thế kỷ ở vùng đất này. Ông còn ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công truyền thống. Nhiều vật dụng trong nhà từ chiếc ghế ngồi, cái gùi đi rẫy, nong nia giần sàng… đều do bàn tay tài hoa, khéo léo của ông làm ra. Những chiếc nong, nia hình trái tim vừa rất thẩm mỹ, vừa tăng công năng sử dụng.
Ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa-nhận xét: “Nghệ nhân Bum rất tích cực tham gia các sự kiện văn hóa của huyện. Cùng với tài năng, ông rất tâm huyết với văn hóa truyền thống. Những đóng góp của ông góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng” ở vùng đất hạ lưu sông Ba”.
HOÀNG NGỌC