Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Nghị quyết Trung ương 4 với công tác nhân sự nhiệm kỳ mới - Bài 1: Không nhân nhượng trong cuộc đấu tranh làm trong sạch Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ đều thực hiện nhiều giải pháp phòng chống bệnh quan liêu, tệ tham nhũng, góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt, trong 2 nhiệm kỳ gần đây, nhiệm vụ này được đặc biệt coi trọng, với việc Đảng ta đã ban hành và kiên quyết thực hiện thường xuyên những nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

 

Từ “một bộ phận” đến “một bộ phận không nhỏ”

Ngày 16-1-2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó xác định một trong 3 vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây cũng được xác định là “vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất”.

Sau 4 năm thực hiện, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã dành riêng một báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI với nhiều ưu điểm nhưng về cơ bản vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Do đó, đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong những năm tới với “trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI”. Nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ cũng được xác định là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.


 

Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII (lớp thứ 5), gồm 40 học viên là lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ ngành, địa phương trên cả nước, khai giảng vào ngày 20-7-2020 tại Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG
Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII (lớp thứ 5), gồm 40 học viên là lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ ngành, địa phương trên cả nước, khai giảng vào ngày 20-7-2020 tại Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG


Xuất phát từ mục tiêu đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW (ngày 30-10-2016) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nghị quyết này cùng với Chỉ thị số 05-CT/TW (ngày 15-5-2016) của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là 2 nội dung lớn, xuyên suốt, bao trùm lên công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng suốt nhiệm kỳ.

Theo nhận định tại các kỳ đại hội Đảng gần đây, số đảng viên mất tư cách hoặc yếu kém về tư cách có xu hướng tăng, từ “một bộ phận” trở thành “một bộ phận không nhỏ”, diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề nhức nhối, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả điều hành của Nhà nước. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; cũng như đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng này.

Qua những vụ việc, vụ án được xử lý từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay cho thấy, hầu hết sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước, nhiệm kỳ trước do cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tròn trách nhiệm, có nơi buông lỏng kiểm tra, giám sát; thiếu động cơ, mục đích trong sáng khi thực thi nhiệm vụ.

Nhận thức sâu sắc về động cơ, nguyên nhân, hậu quả của tình trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên, từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương và các cấp ủy đảng tập trung cao độ cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực, tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên.

Rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nhất là cấp Trung ương đem lại tác dụng rõ rệt, được đảng viên và nhân dân ủng hộ cao. Nét mới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng nhiệm kỳ qua là Đảng ta đã chú trọng kiểm tra, xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay đã nghỉ hưu.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đây là bước đột phá lớn trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, góp phần chủ động ngăn ngừa vi phạm của cán bộ cao cấp và cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe chung đối với mọi cán bộ, đảng viên. Kết quả đó còn góp phần xóa bỏ “vùng cấm”, sự “ngoại lệ”; khẳng định không có nhân nhượng, không có điểm dừng trong cuộc đấu tranh làm trong sạch Đảng, ngăn chặn “tư duy nhiệm kỳ”, “hạ cánh an toàn” đối với mọi cán bộ, đảng viên.

Thống kê cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ XII đến cuối tháng 7-2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy, cấp có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 24 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương, 2 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 26 sĩ quan cấp tướng. Hàng loạt vụ án lớn với những lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao ở Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Thông tin - Truyền thông, TPHCM, Đà Nẵng... đã được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật, đồng thời thu lại cho công quỹ Nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng sai phạm trong các vụ việc.

Phát biểu tại phiên họp 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 25-7-2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Vừa qua, chúng ta đã làm rất nhiều việc, từ công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh, kỷ luật nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ sai phạm, cả cán bộ cấp cao, cán bộ đương chức, nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự đại hội Đảng, không loại trừ ai. Nhưng trong khi làm, chúng ta vẫn có ý thức bảo vệ cán bộ và mang tính nhân văn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn”.

Dưới góc độ nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận định, công tác cán bộ luôn được Đảng đặc biệt xem trọng, chỉ tính trong nhiệm kỳ XII, Đảng đã ban hành thêm nhiều quy định, quy chế và chỉ đạo quyết liệt về công tác xây dựng Đảng (hơn 45 văn bản các loại). Đặc biệt, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng được đẩy mạnh hơn và rất quyết liệt.

PGS-TS Nguyễn Viết Thông cho biết thêm, trong dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII đã chỉ rõ công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, như: tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương, bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, cánh hẩu…

Vì vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII sắp tới, Đảng tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn. Tất cả để tiến tới loại bỏ “một bộ phận không nhỏ” đảng viên, cán bộ suy thoái, biến chất; phát triển và xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các cấp thực sự vì dân, vì nước, trung thành với lý tưởng của Đảng.

Theo TRẦN LƯU - QUỐC KHÁNH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm