Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nghĩ vui về ong và mật...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những cái đang viết, nói, hiểu về Tây Nguyên giờ vẫn còn nhiều cái đúng nhưng cũng nhiều cái chưa chính xác. Có những cái sai do nhận thức, do suy diễn, do sự hiểu biết có hạn, nhưng cũng có những cái sai do mặc định, do thói quen.

Ví dụ, cứ nói tới tháng 3 Tây Nguyên là người ta lại nói “Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật”.

Hình như có gì đấy sai sai theo cách nói bây giờ?

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đấy là một câu trong bài hát “Tháng ba Tây Nguyên” của nhạc sĩ Văn Thắng, phổ thơ Thân Như Thơ. Bài hát một thời cực kỳ nổi tiếng, cứ nhắc tới Tây Nguyên là người ta nhắc tới nó và nhắc tới nó thì người ta nhớ “mùa con ong đi lấy mật”.

Nhưng hóa ra có mấy điểm bị “mặc định”.

Thứ nhất là ong không đi lấy mật, mà nó đi lấy phấn hoa về làm mật. Nếu ong đi lấy mật được rồi thì nó còn làm mật làm gì nữa? Từ phấn hoa thành mật là một chu trình tuyệt vời của loài ong để loài người phải xuýt xoa kinh ngạc, về khả năng... chế biến thực phẩm, khả năng kiến trúc (làm tổ, nghe nói các kiến trúc sư học bò ra để... bắt chước ong xây tổ).

Và như thế thì tất cả các mùa có hoa nở thì ong đều đi lấy phấn hoa chứ không chỉ tháng 3.

Ai chịu khó tìm hiểu thì biết, khí hậu Tây Nguyên chia làm 2 mùa rất rõ rệt, chỉ 2 mùa thôi, là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô thường từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau. Và, cũng là một điều hết sức dễ hiểu, chỉ mùa khô thì hoa mới nở được, dù nó khá khô khát, còn mùa mưa thì chịu. Loài hoa mà ong lấy về và làm mật ngon nhất, quý nhất là hoa cây sâm Ngọc Linh. Nó chỉ có ở đỉnh Ngọc Linh quanh năm mây phủ. Giờ đã rất hiếm loại này bởi sâm Ngọc Linh giờ cũng cực hiếm. Hoa trắng là thứ cũng được ong ưa chuộng và nghe nói mật thứ hoa này cũng tốt. Nó là một loài cây có bông hoa trắng nở đầy thảo nguyên, lá cây hăng và hơi giống cây cộng sản, người ta hay dùng để cầm máu và chữa đau bụng.

Người Tây Nguyên bản địa không nuôi ong, mà họ đi lấy ong rừng. Gọi bắt ong cũng không đúng, vì ong không bị bắt. Họ đi lấy mật ở các tổ ong trong rừng, bằng cách đuổi ong đi, rất nhẹ nhàng. Và ong sẽ đi làm tổ ở nơi khác. Thường khi vào rẫy, vào rừng, họ gặp các tổ ong trên cây. Ai gặp đầu tiên thì tức là của người ấy. Chỉ cần đánh dấu lại bằng những ký hiệu thô sơ, báo rằng đã có người thấy nó rồi, là tổ ong ấy không bị ai lấy nữa. Đợi đến khi tổ ong ấy đầy mật thì người phát hiện ra đầu tiên đến lấy. Rất nhẹ nhàng, họ leo lên dùng khói xua ong. Leo cây là sở trường của người Tây Nguyên. Mới đây nhất, tôi chứng kiến 2 người đàn ông Jrai được một bà chủ quán mì Quảng ở đường Nguyễn Du (TP. Pleiku) thuê lấy tổ ong trên cái cây trước cửa quán. Họ làm rất gọn ghẽ, nửa tiếng là xong, dù cái cây rất cao và tổ ong bằng cái thúng trên tận ngọn cây. Giờ thì có áo mưa hoặc màn trùm người, chứ ngày xưa họ chỉ có cái khố, mà có khi cũng... tụt luôn ra cho dễ leo, thế mà chả làm sao. Mỗi ngày họ leo và lấy hàng chục tổ mật như thế, đựng vào những quả bầu khô, mang về cất dùng dần.

Giờ thì mật ong rừng rất hiếm bởi nhiều lý do. Một là... rừng đang mất dần. Rừng hết thì hoa rừng cũng không còn, thậm chí chỗ cho ong làm tổ cũng chả có. Thứ 2, thấy tổ nào, dù mới nhu nhú, dù mới có vài giọt mật, thì cũng lo mà lấy, bởi mọi sự đánh dấu công nhận sở hữu giờ đây đều vô nghĩa khi mà ngay cửa nhà khóa mấy lớp cũng vẫn bị mất tài sản. Thế nên mật ong rừng nếu có, cũng là mật non; chưa kể, rất nhiều mật ong rừng mà... không phải rừng, được bán tràn lan, không biết đường nào mà lần.

Chỉ người Kinh mới biết nuôi ong lấy mật. Thực ra thì mật ong đều tốt. Tuy thế mật ong rừng thì chất lượng tốt hơn. Dân dùng mật giờ chỉ thích mua mật ong rừng và đặt những người ở “gần rừng” mua loại mật ong hảo hạng này. Chính vì tâm lý ấy nên tôi đã từng thấy những người dân Tây Nguyên gùi mật ong rừng đi bán, nhưng lại là... ong nuôi, họ lấy của những người Kinh nuôi ong thả.

Nói thêm về bài hát. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì nhạc sĩ Văn Thắng chả lấy một chữ nào trong bài thơ “Tháng ba Tây Nguyên” của nhà thơ Thân Như Thơ cả, mà ông lấy ý, lấy hồn trong cả chùm thơ của Thân Như Thơ. Thế nhưng ông vẫn rất trân trọng ghi rõ từ đầu và cho đến giờ là “nhạc Văn Thắng, thơ Thân Như Thơ”. Một sự trung thực và tôn trọng nhau đáng nể.

Và bài hát ấy vẫn hay, vẫn đúng, chỉ có điều người dẫn lại và mặc định “Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật” là hình như lại chưa chuẩn...

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm