Một trong các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam là cho nước ngoài hoặc các thế lực khác sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến- Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ảnh T.Vương |
Sáng nay (16.6), tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.
Theo tờ trình của Bộ Quốc phòng, hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung. Tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai...
Các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di dịch cư tự do diễn biến phức tạp…
“Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và tư duy mới về hoạt động biên phòng để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, Tờ trình của Bộ Quốc phòng nêu rõ.
Tờ trình của Bộ Quốc phòng khẳng định việc xây dựng dự án luật nhằm mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.
Theo Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Luật Biên phòng Việt Nam nếu được Quốc hội thông qua là mong mỏi không chỉ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng bộ đội biên phòng mà là mong mỏi của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong đó đặc biệt là hơn 9,4 triệu đồng bào ở biên giới.
Các nội dung cụ thể của Luật sẽ giải quyết được các vấn đề về chính sách, nguyên tắc, biện pháp, nghiệp vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và các cơ chế phối hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững biên cương bờ cõi của Tổ quốc, tạo điều kiện xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và thật sự phát triển.
Dự thảo luật gồm 7 chương, 33 điều. Trong đó, điều 4 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Sử dụng khu vực biên giới, cho nước ngoài hoặc các thế lực khác sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới;
Mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn; Giả danh lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng...
Theo T.VƯƠNG - C.NGUYÊN (LĐO)