Người dân xứ đảo này đã phát hiện ra những đặc tính có một không hai của cây Ngô Đồng để sử dụng khi đan gùi, võng, làm dây thừng và nhiều thứ vật liệu khác.
Ở Cù Lao Chàm có một loài cây ngô đồng đỏ đặc biệt |
Cây Ngô Đồng được xem như là một biểu tượng của Cù Lào Chàm. Đặc biệt, loài cây Ngô Đồng đỏ tại Cù Lao Chàm đã được Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là cây di sản. Những cây đưa vào danh mục bảo vệ để có chế độ chăm sóc thích hợp đường kính thân lớn hơn 1,3m và hơn 50 năm tuổi. Cây được đưa vào danh mục bảo tồn có giá trị lịch sử văn hóa, liên quan đến tín ngưỡng và có tên gọi rõ ràng.
Cuối Hạ đầu Thu là thời điểm hoa cây ngô đồng ở Cù Lao Chàm nở rộ. Nếu lỡ dịp này, du khách phải chờ đợi cả năm mới có cơ hội quay lại. Tháng 6 cho đến tháng 8, cây ngô đồng trổ hoa đẹp khi trên cành đã trút hết lá. Khi ánh nắng chiếu xuống, cả sườn núi là từng vệt màu đỏ tươi rực rỡ đẹp đến mê mẩn.
Những con đường trên đảo rợp bóng ngô đồng |
Cây Ngô đồng ở Cù Lao Chàm có thân vỏ màu xám, nứt dọc; cây vừa có lá nguyên, vừa có lá xẻ thuỳ chân vịt; lá vàng rụng hết trước khi cây ra hoa và nở đồng loạt trên cành; quả hình lá phát tán khắp nơi theo gió khi chín. Nhìn lên sườn núi lúc này, ta thấy từng vệt màu đỏ tươi rực rỡ, chính là hoa Ngô đồng nở rộ, toàn cây như được bao phủ bởi hoa. Tháng 9 cây ra lá non và kết quả vào tháng 10 khi mùa khô kết thúc. Mùa mưa đến, quả Ngô đồng chín đều và phát tán khắp nơi, hạt tiếp đất có độ ẩm cao sẽ nảy mầm thành cây con.
Ngô đồng đỏ là một loài cây đặc biệt chỉ có ở hòn đảo xinh đẹp miền trung này, với thân màu xám, nứt dọc, vừa có lá nguyên, vừa có lá xẻ thùy chân vịt. Trước khi đơm bông, lá cây rụng hết chỉ còn cánh hoa đỏ tươi trên những tán cành khẳng khiu khiến nhiều người liên tưởng tới cây gạo.
Ngô đồng nở rộ vào mùa du lịch, nên rất nhiều người thích thú với loài cây này |
Mặc cho nắng gió, bão biển, những rễ cây vẫn bám chặt vào đá, vươn mình dẻo dai thách thức với sự khắc nghiệt của đại dương như chính bản tính của người miền Trung cần mẫn, kiên cường.
Trong tâm tưởng của nhiều người dân Cù Lao Chàm, cây ngô đồng đã trở thành ký ức gắn với những kỷ niệm đẹp một thời con trẻ của bao thế hệ nơi đây. Đó không chỉ là sắc màu đỏ thắm của hoa trong những chiều cuối hạ mà còn là hương vị ngọt bùi của hạt ngô đồng, là hình ảnh những bà những mẹ cần mẫn bóc tách vỏ cây ngâm nước để tước sợi đan võng bên bờ biển chờ tàu cá về.
Từ phía biển, người ta đã thấy vẻ đẹp của ngô đồng đỏ |
Nhiều người khi đến với Cù Lao Chàm, đều sửng sốt khi thấy có một giống Ngô Đồng đặc biệt, lá màu xanh, hoa màu đỏ, hoa chỉ nở khi lá đã rụng hết. Ở đảo đó, có những người phụ nữ "lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm". Mùa mưa gió, dẫu được yên ấm bên chồng con, họ vẫn lặn lội lên núi vào rừng, chặt những cành ngô đồng mang về đập sợi. Họ tỉ mỉ đan những chiếc võng ngô đồng bền chắc để chồng con mang theo ra biển. Họ yên tâm tình yêu của mình có một giấc ngủ ngon giữa mặn mòi gió nắng, như mình đang ở bên săn sóc.
Mùa hè, họ đứng trên đảo xa dõi theo bóng thuyền thấp thoáng. Tình yêu, bồn chồn cháy lửa, hoá thành những nhánh ngô đồng đỏ. Người trai ngoài khơi xa, nhớ vợ thương mẹ, ngoái đầu trông về đảo nhỏ, thấy những đốm hoa để ấm lòng.
Hoàng hôn trên sườn tây của đảo, ngô đồng đỏ rực rỡ |
Từ trên các triền núi, từng vệt màu đỏ tươi ửng lên rực rỡ men xuống tận những đám ruộng khum khum bên dưới. Chắt chiu nắng gió, khí trời nơi xứ đảo, những tán hoa mang đến cho vùng đất này một vẻ đẹp mới vừa sinh động lại vừa huyền hoặc.
Võng ngô đồng được làm từ sợi của thân cây ngô đồng, là một loài cây chỉ mọc ở trên những mỏm núi cao, hay vách đá cheo leo. Khoảng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, khi những chiếc lá cuối cùng để lại trơ trọi cành, cũng là lúc cây đâm chồi, nở rực một màu hoa đỏ ngập tràn Cù Lao.
Ngô đồng đỏ được vinh danh là loài cây Di sản Việt Nam |
Người dân xứ đảo này đã phát hiện ra những đặc tính có một không hai của loài cây đặc biệt để sử dụng khi đan gùi, võng, làm dây thừng và nhiều thứ vật liệu khác. Để làm ra một chiếc võng ngô đồng phải mất chừng ba tháng ròng rã. Phải lấy sợi từ trên núi, nơi những thân cây ngô đồng to chừng bắp chân người. Sau đó dùng búa đập nát theo thớ của thân cây, rồi đem ngâm trong nước tù của ruộng chừng 7 ngày, cho lớp vỏ cứng mềm mục, nhả dần ra, lộ sợi xơ thì đem vớt lên.
Tiếp tục dùng tay tước lớp vỏ cứng đã mục lấy lớp xơ màu trắng đục, đem giặt sạch bằng nước suối trong rồi đem ra phơi nắng thật khô, đến khi chuyển thành màu trắng ngà tinh mới, có độ óng là lúc xơ đã sẵn sàng để đan võng. Người đan không những khéo léo mà còn phải kiên trì, bền bỉ. Khi đan võng tuyệt đối không được đan lỗi, vì khi đã bị lỗi thì không gỡ ra được nữa…
https://thoidai.com.vn/ngo-dong-do-o-xu-cu-lao-119199.html
Theo MINH NGỌC (baothoidai)