Phóng sự - Ký sự

Ngõ không chồng trên đồi C5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một cái ngõ cao và sâu, cheo leo trên sườn đồi C5 của công ty cà phê 705, mùa mưa thì trơn trượt, mùa nắng ít người qua lại nên bụi đỏ không trùm lên nhưng nóc nhà xiêu vẹo. Ở đó là xóm những người phụ nữ chưa một lần được mặc áo cưới, âm thầm lặng lẽ nuôi con một mình…

Tuổi xuân bỏ lại nông trường

Nói là xóm nhưng đếm cả thảy chỉ có 6 nóc nhà. Có 1 nhà “đại đoàn kết’ 1 “nhà tình thương” là tươm tất, còn lại 4 nóc nhà nhỏ xíu, ọp ẹp. Cánh cửa đóng bằng bạt gió đập phành phạch, tả tơi. Cả xóm có 6 người phụ nữ và 11 đứa trẻ. Đứa lớn nhất cũng gần chớm “thanh niên” rồi. Đứa nhỏ nhất đang học lớp 3. Vắng lặng! vì họ đi làm thuê cả. Chỉ có ngôi nhà  “tình thương” đứng cheo leo kia là mở cửa. Chúng tôi ghé vào, đây chính là ngôi nhà của chị Trần Thị Bóng được Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai mới xây tặng hồi giữa năm 2012. Có một đứa trẻ đang nằm trên chiếc chiếu manh cũ, rách, trải trên nền nhà với những sợi cói tưa ra. Thấy người lạ đến thằng bé bật dậy như “lò xo” khiến sợi cói quấn vào cả ngón chân lôi theo cái chiếu dúm lại. “Cô chú gặp mẹ cháu ạ! để cháu ra lô gọi mẹ cháu về”. Theo thằng bé, chúng tôi đi bộ khoảng hơn cây số đến chỗ các chị đang hái cà phê thuê. Thằng bé đứng ở đầu lô hai tay để lên miệng như thể chiếc “tù và” gọi to “ mẹ ơi, các dì ơi! có người gặp mẹ và các dì này lên đây nhanh đi” có tiếng hú đáp trả lại rồi chị Bóng và chị Dựng tập tễnh bước ra từ lô cà phê…
 

Từ trái qua phải chị Dựng, chị Ngoan, chị Hồng, chị Bóng. Ảnh: P.L
Từ trái qua phải chị Dựng, chị Ngoan, chị Hồng, chị Bóng. Ảnh: P.L

Thật may chúng tôi đã gặp tâm sự với cả 6 chị: Chị Bóng, chị Dựng, chị Thảnh, chị Ngoan, chị Hương, chị Hồng. Nỗi buồn lặng, buồn lâu dường như các chị đã chôn kín trong lòng, hôm nay chúng tôi gợi lại khiến các chị có phần bối rối. Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo công nhân đã sờn vai, ở cái tuổi đang hồi xuân mà gỡ cái khăn bịt mặt ra nom các chị ở tuổi bà mới đúng, “nếp nhăn đã hằn xuống cổ”. Ngồi dưới tán cà phê các chị  ngẫm lại đời mình. Cả 6 chị đều quê Hải Dương, năm 1986 các chị xung phong đi làm công nhân quốc phòng cho Sư đoàn 359 bây giờ là công ty 705. Tuổi xuân các chị bỏ lại nông trường, khai hoang vỡ đất trồng cà phê. Bao khó khăn vất vả của những ngày đầu khai phá vùng đất mới. Cơm độn, rau rừng, mưa rừng, muỗi, vắt khiến thân “liễu yếu” đánh vật với những cơn sốt rét ai nấy đều xanh xao vàng vọt. Những năm cây cà phê mới cho thu hoạch đa số các chị đều nợ khoán nông trường vì vậy đến năm 1993, Nông trường cho các chị thôi việc mà không được hưởng chế độ gì. Quá lứa nhỡ thì ở vùng đất “khỉ ho cò gáy” cũng khó kiếm được tấm chồng. Kết quả của mối tình “chóng vánh” với những gã đàn ông đã có gia đình, cho các chị được làm mẹ với những đứa con thơ. Không “tấc đất cắm dùi”, nén tiếng thở dài, tránh lời thị phi, các chị cùng nhau lên tìm chỗ đất trống trên đồi cà phê C5 nay thuộc thôn 3, xã Ia Krái dựng những ngôi nhà tạm mà tá túc, lặng lẽ vượt cạn nuôi con một mình. Thế rồi trở thành cái “xóm không chồng”…

“Chỉ mong đời con khá hơn”

Chị Trần Thị Bóng tâm sự về cảnh đời của mình: Chị sinh được 2 con trai, nhưng thằng lớn bị bệnh động kinh từ bé, đang yên đang lành cứ nằm vất ra, giật giật co rúm. “Rõ khổ, không có 300 ngàn đồng mỗi tháng mua thuốc thì khó mà sống nổi”. Những lúc trời mưa gió, cảnh nhà dột nát, con cái đau ốm, không có nổi nắm gạo nấu cháo, ngẫm đời mình sao mà khổ đến thế. Bản thân chị Bóng cũng đau ốm quanh năm, bị thoái hóa cột sống, với lại lúc sinh nở không có điều kiện kiêng khem, đẻ được ngày trước ngày sau lo dậy mà đi làm kiếm sống. Vậy nên bây giờ sức khỏe yếu, chị vẫn phải lăn ra đi làm thuê lo miếng cơm manh áo, thuốc thang cho mẹ, cho con. Chị Bóng cho biết thêm: “Khổ nhất là thời gian chúng tôi thôi công nhân, chính tay tôi làm hồ sơ để xin nông trường cho làm lại nhưng họ trả lời thẳng thắn là các chị già rồi không làm được để thanh niên làm…”.
 

Ngõ không chồng. Ảnh: P.L
Ngõ không chồng. Ảnh: P.L

Ở cái ngõ này các chị đều cùng chung cảnh ngộ nên họ thương nhau, coi nhau như ruột thịt. Họ giúp nhau có tinh thần, nghị lực để cùng sống. Chứ ai cũng khó  tiền bạc đâu mà giúp. Chị Nguyễn Thị Dựng nào có khá hơn. Nói gở, tưởng ngày 15-10 năm nay là ngày giỗ đầu của chị rồi. Năm ngoái đang lúc đi hái cà phê thuê chị thiếu máu và bị lao lực nên nằm vật ra đất bất tỉnh mấy chị em hoảng quá đưa chị ra bệnh viện tỉnh cấp cứu, bác sĩ truyền cho vài bình máu chị mới tỉnh lại mà nuôi con. Chị Dựng ứa nước mắt nghẹn ngào: “Chúng tôi vào đây là do nông trường đưa vào chứ có tự đi đâu, vậy mà họ bỏ chúng tôi nửa chừng, biết làm sao được. Sống một mẹ một con nghĩ cũng khổ nhưng chúng tôi cố gắng sống nuôi con chứ đời chúng tôi chỉ liều thuốc là xong. Mong con cái học hành nên người. Đời chúng tôi quá khổ rồi, mong đời con khá hơn”.

Xa quê hương cả mấy chục năm trời, các chị không dám ngó mặt về quê. Nhớ quê hương lắm, nhớ cha mẹ người thân, nhưng tiền đâu mà về. Chị Dựng đau đớn kể lại “Mẹ tôi mất cách đây 10 năm, lúc ấy tôi đi vay mượn khắp mà cũng không có đủ tiền về, mà chị em ai cũng nghèo, cũng rách thương nhau nhưng đành chịu”. Chị gạt nước mắt…

Mây đen giăng kín, cơn mưa chiều kéo nhanh phủ khắp cả sườn đồi cà phê. Các chị vội vã kéo bạt hốt cà phê bốc lên xe cho chủ rồi tất tưởi về nhà. Chúng tôi cũng kịp theo về thăm nhà các chị. Ghé qua nhà chị Dựng, chị nói: “Các em chạy qua nhà chị Bóng cho khỏi bị ướt chứ nhà chị thì…”. Ngó bộ cả ngôi nhà chả có nổi một chỗ lành lặn để tiếp khách.  

Kế bên nhà chị Dựng chung một khoảnh sân đất là nhà chị Ngoan cũng chung một “kiểu nhà” gió thốc lồng lộng, có thể sập bất cứ lúc nào. Giá kể có đàn ông họ trèo lên xiết chặt những miếng tôn lỗ chỗ thủng kia cũng cản được nước mưa không chảy thành dòng. Chị Ngoan không sinh nở, chị xin đứa trẻ về làm con nuôi. Chị có dáng người hơi đậm, chị nói cười rổn rảng như thể xua đi cái buồn tuổi đầy nước mặt của chị Dựng. Chị Ngoan bộc bạch: “Chúng tôi chỉ mong sao có được mái nhà lành lặn, cả ngày đi làm tối về có giấc ngủ yên, vậy thôi không mơ ước gì nhiều.

Có lẽ, mong ước có được mái nhà lành lặn để có được giấc ngủ yên của chị Ngoan sẽ sớm thành hiện thực vì hàng xóm của chị Ngoan là chị Hồng và chị Bóng đã được MTTQ huyện và Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai hỗ trợ xây tặng nhà “Đại đoàn kết” và nhà “mái ấm tình thương” vào năm 2011 và 2012. Nhìn chị Hồng, chị Bóng có nhà xây kiên cố chị Ngoan, chị Dựng, chị Thảnh, chị Hương thấy vui lây và thầm mong ước đến lượt mình. Cái khó cho chính quyền và các đoàn thể ở đây là cả 6 chị đều nghèo, như nhau nên khi xét chọn đối tượng được thụ hưởng các chương trình làm nhà nếu làm đồng loạt thì “hơi khó coi” nên các chị đành phải chờ. Ông Nguyễn Đức Tấn-Chủ tịch MTTQ xã Ia Krái cho biết: “Số phụ nữ trước đây là công nhân của Công ty 706. Cả xã có khoảng 30 chị không có chồng và đa số có cuộc sống nghèo khó”.

Chia tay cái ngõ cao sâu và cheo leo ấy, cái ngõ của những người phụ nữ ở cái tuổi xế chiều  thân cò vò võ nuôi con một mình, ở đó những đứa trẻ chưa một lần được gọi tiếng cha, chúng tôi tự hỏi không biết tương lai chúng rồi sẽ ra sao? Khi chúng biết rõ chỉ có hai mùa “mưa, nắng”. Mùa nắng mẹ đi làm thuê, chúng đi nhặt hạt rơi hạt vãi, cũng kiếm được miếng ăn, có đồng thuốc men. Mùa mưa không có việc làm trong căn nhà dột nát thiếu thốn trăm bề. Những đứa trẻ con và người lớn ở cái ngõ này mong cho mùa nắng đến sớm hơn.

Phương Loan-Phương Lộc

Có thể bạn quan tâm