Trước thềm Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 được tổ chức từ ngày 8-10.9.2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch AIPA 41, có bài viết quan trọng với tiêu đề ''Đại hội đồng AIPA lần thứ 41: Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng''.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch AIPA 41. Ảnh Q.H |
Báo Lao Động trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam khi lần đầu tiên, nước ta cùng đảm nhận ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN và Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và uy tín trên trường quốc tế, đồng thời cũng đòi hỏi nước ta phải đóng góp tích cực hơn nữa vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực cũng như trên thế giới.
Từ ngày 8 - 10.9.2020, lần thứ ba Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA và đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử AIPA, một kỳ Đại hội đồng được tổ chức theo hình thức trực tuyến để vừa thích ứng với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID–19, vừa đáp ứng yêu cầu kịp thời thảo luận các biện pháp hợp tác giữa nghị viện các nước thành viên phát huy vai trò của Nghị viện, đại diện cho tiếng nói của người dân nhằm đồng hành, hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN tiếp tục thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.
Trong bối cảnh như vậy, Đại hội đồng AIPA 41 và các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA 2020 vừa thể hiện sự chủ động, trách nhiệm và đóng góp thực chất của Quốc hội Việt Nam đối với AIPA, vừa góp phần quan trọng củng cố tình đoàn kết và dẫn dắt những nỗ lực chung để AIPA hỗ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID–19, duy trì sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.
Sự ra đời của AIPA đã tạo lập môi trường hòa bình cho hợp tác, phát triển toàn diện trong khu vực
Ngày 2.9.1977, trước nhu cầu thành lập một tổ chức hợp tác của nghị viện các nước thành viên ASEAN hướng tới mục tiêu chung của khu vực về hòa bình, ổn định và thịnh vượng, Nghị viện 5 nước gồm Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore và Thái Lan đã tuyên bố thành lập Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO), đánh dấu sự ra đời của diễn đàn nghị viện khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN.
Số lượng thành viên của AIPO đã tăng lên cùng với số lượng thành viên của ASEAN. Trong giai đoạn từ những năm 90 đến đầu năm 2000, Quốc hội/Nghị viện của Việt Nam, Campuchia, Lào, Brunei Darussalam và Myanmar đã lần lượt tham gia vào tổ chức AIPA. Năm 2007, nghị viện các nước thành viên đã thống nhất chuyển đổi AIPO thành AIPA với tính chất là một tổ chức liên nghị viện khu vực ASEAN chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đại hội đồng lần thứ 33 tổ chức tại Lombok, Indonesia năm 2012 đã đánh dấu AIPA trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện của các nước ASEAN khi Quốc hội/Nghị viện của 10 quốc gia thành viên ASEAN đều trở thành thành viên chính thức của AIPA.
Sau 43 năm thành lập và phát triển, AIPA ngày nay đã thực sự trở thành diễn đàn cởi mở và hiệu quả để nghị viện, nghị sỹ các nước trong khu vực bày tỏ quan điểm, trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà các bên cùng quan tâm. Sự hiểu biết, tôn trọng và tin cậy ngày càng được tăng cường đã góp phần tạo tiền đề vững chắc cho hợp tác khu vực. AIPA đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng được các nước ASEAN cùng quan tâm, từ đó xây dựng lòng tin và đóng góp quan trọng vào việc tạo lập môi trường hòa bình cho tiến trình hợp tác, phát triển về mọi mặt giữa các nước trong khu vực. Phạm vi các vấn đề được AIPA thúc đẩy rất đa dạng, từ tăng cường hội nhập ASEAN, toàn cầu hóa, tác động của các quá trình này đối với ASEAN đến hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực. Cùng với ASEAN, AIPA chủ động đề ra nhiều biện pháp thúc đẩy việc thực thi các cam kết, thỏa thuận về xây dựng Cộng đồng ASEAN; hỗ trợ Chính phủ các nước thực thi các quyết định của ASEAN thông qua việc xây dựng thể chế và nâng cao năng lực của các nghị viện thành viên.
Với vai trò là tổ chức hợp tác của các cơ quan đại diện cho người dân trong khu vực, AIPA dành sự quan tâm và chú trọng thúc đẩy hợp tác nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa, xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm. Khuyến khích việc giữ gìn bản sắc văn hóa ASEAN trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc trong khu vực. Đẩy mạnh hợp tác vì những lợi ích chung nhưng vẫn tôn trọng bản sắc riêng của mỗi nước là quan điểm xuyên suốt trong các nghị quyết và trong các hoạt động của AIPA.
Là tổ chức hợp tác liên nghị viện của các quốc gia nằm ở khu vực có vị trí chiến lược trên sườn Đông Nam châu Á và ngay trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, AIPA đặc biệt coi trọng việc tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài ASEAN. Từ năm 1979, AIPO đã thiết lập cơ chế đối thoại với các nghị viện Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay, AIPA đã thiết lập cơ chế đối thoại thường niên với 12 Nghị viện thành viên Quan sát viên từ Australia, Belarus, Canada, Trung Quốc, Nghị viện châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Papua New Guinea, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Đông Timor. Phát huy tinh thần “thống nhất trong đa dạng”, AIPA trân trọng tình đoàn kết, sự bình đẳng, phối hợp hành động trên các diễn đàn quốc tế bảo vệ chủ quyền, độc lập quốc gia và lợi ích chung của khu vực. Chính điều này đã giúp AIPA vừa giữ được tính độc lập và bản sắc trong tiến trình hội nhập, vừa tránh được sức ép từ các nước lớn. Với vai trò, vị thế không ngừng được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế, ngày càng có nhiều nghị viện mong muốn trở thành Quan sát viên của AIPA. Đại hội đồng AIPA 41 đã nhận được hồ sơ của Nghị viện 4 nước xin trở thành Nghị viện quan sát viên của AIPA là: Norway, Morocco, Pakistan và Georgia.
Những dấu ấn quan trọng của Quốc hội Việt Nam
Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên chính thức của AIPO vào ngày 19.9.1995. Sự kiện quan trọng này đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ đối ngoại đa phương của Quốc hội nước ta. Đây cũng là kết quả của quá trình thúc đẩy quan hệ đối ngoại Quốc hội, vượt lên những vấn đề lịch sử, sự khác biệt về thể chế chính trị, xóa bỏ những nghi kỵ và từng bước củng cố niềm tin với các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như trên thế giới.
25 năm là thành viên của AIPO/AIPA, Quốc hội Việt Nam đã hai lần là nước chủ nhà Đại hội đồng AIPO/AIPA. Đại hội đồng đầu tiên (AIPO 23) được tổ chức vào năm 2002, đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập AIPO. Trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng này có tới 20 nghị quyết do Quốc hội Việt Nam đề xuất và nhận được sự hoan nghênh, đánh giá cao của Đại hội đồng. Việc tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO -23 đã tạo “dấu ấn Việt Nam” sâu đậm trong lịch sử AIPO và trong lòng bạn bè quốc tế. Đây cũng là đóng góp lớn của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động ngoại giao nghị viện ở khu vực, góp phần củng cố khối đoàn kết trong ASEAN và góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Đại hội đồng thứ hai (AIPA 31) vào năm 2010 với chủ đề “Đoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN” đã thể hiện tầm nhìn của Quốc hội Việt Nam đối với các hoạt động hợp tác nghị viện hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững trong ASEAN. Thành công của Đại hội đồng khẳng định tiếng nói ngày càng quan trọng của AIPA với các hoạt động của ASEAN, hỗ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời, đánh dấu một bước tiến mới trong thúc đẩy hợp tác AIPA - ASEAN vì mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của AIPO/AIPA, Quốc hội Việt Nam không chỉ tham gia đầy đủ các hoạt động trong khuôn khổ AIPA mà còn đóng góp nhiều ý tưởng, sáng kiến thiết thực nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động, chương trình nghị sự của AIPO/AIPA, thúc đẩy vai trò của AIPO/AIPA và sự kết nối với ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực.
Về an ninh, chính trị, các sáng kiến, đề xuất của Quốc hội Việt Nam đều hướng tới đề nghị AIPA quan tâm đến các vấn đề cụ thể trong đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung của ASEAN, phối hợp triển khai các Chương trình, Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân về ASEAN. Phát huy vai trò của sự đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực, Quốc hội Việt Nam khẳng định các nguyên tắc then chốt trong xây dựng Cộng đồng ASEAN vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên cơ sở đoàn kết, thống nhất, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau đồng thời hài hòa với lợi ích chung của ASEAN. Với AIPA, Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy AIPA phát huy vai trò là tổ chức của các nghị viện khu vực, tăng cường sự bổ trợ của ngoại giao nghị viện giữa các thành viên ASEAN cũng như với các cơ chế hợp tác liên nghị viện của khu vực và trên thế giới.
Về kinh tế, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất và đồng bảo trợ nhiều dự thảo Nghị quyết được Ủy ban Kinh tế của Đại hội đồng AIPA thông qua; đồng thời tập trung thúc đẩy vai trò của các nghị viện thành viên AIPA trong việc tăng cường liên kết kinh tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN; kêu gọi các Nghị viện AIPA tăng cường rà soát pháp luật trong nước nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại và đầu tư, bảo đảm cơ chế minh bạch, hiệu quả vì một ASEAN năng động và hội nhập.
Về xã hội, Quốc hội Việt Nam đã tham gia đóng góp và đồng bảo trợ các nghị quyết ủng hộ bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, hỗ trợ người khuyết tật và vì môi trường bền vững trong AIPA; đề xuất nhiều sáng kiến nhằm phát huy vai trò của phụ nữ nói chung và các nữ nghị sĩ nói riêng. Đặc biệt, trong 5 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tích cực ủng hộ và thúc đẩy AIPA, cũng như các nghị viện thành viên triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại mỗi quốc gia cũng như trên toàn khu vực.
Về các vấn đề tổ chức của AIPA, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều sáng kiến cụ thể, đóng góp vào quá trình sửa đổi Điều lệ của AIPA, củng cố bộ máy, tổ chức, thủ tục quy trình để nâng cao hiệu quả hoạt động của AIPA.
Đặc biệt, trong việc kết nối và thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ AIPA - ASEAN, Quốc hội Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất với rất nhiều sáng kiến ghi dấu ấn. Trong đó, ngay khi đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 23, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã làm việc với Tổng Thư ký ASEAN và nêu rõ nhu cầu thiết lập mối quan hệ giữa hai tổ chức AIPA và ASEAN, trao đổi văn kiện giữa hai tổ chức một cách thường xuyên và có cơ chế tham dự các kỳ họp cấp cao của nhau. Tại Đại hội đồng lần thứ 28 năm 2007, Nghị quyết tăng cường hợp tác giữa AIPA và ASEAN do Đoàn Việt Nam đề xuất tại Ủy ban Tổ chức đã nhận được sự ủng hộ của các đại biểu tham dự. Năm 2010, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16, theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên, phiên đối thoại cấp cao giữa các nhà lãnh đạo AIPA với người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN đã chính thức được tổ chức. Từ đó đến nay, phiên đối thoại được tổ chức định kỳ trong khuôn khổ Năm ASEAN, Năm AIPA và trở thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo nghị viện, chính phủ các nước trao đổi thẳng thắn về những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trong khu vực, những vấn đề cần sự chung tay hành động giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp...
Cùng nhau vượt qua thách thức và đi tới tương lai
Đại hội đồng AIPA 41 diễn ra trong bối cảnh ASEAN tiếp tục khẳng định mục tiêu gắn kết chặt chẽ, tăng cường tiếng nói trung tâm trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á. Các quốc gia ASEAN cũng đang nỗ lực triển khai các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19, thực thi các gói chính sách nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch, duy trì cam kết mở cửa thị trường thương mại và đầu tư, kết nối chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực, ngăn chặn khả năng suy thoái kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Các nước ASEAN cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức gay gắt từ nhiều phía, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID–19. Cùng với đó là những chuyển biến nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới, sự điều chỉnh chính sách và quan hệ giữa các nước lớn đang có xu hướng gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực. Các điểm nóng như Biển Đông, những diễn biến mới trong tình hình chính trị nội bộ một số nước có thể ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của ASEAN trong duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Trong bối cảnh hiện nay, AIPA cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề của khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, hợp tác cùng phát triển. Tiếp tục phát huy vai trò, chức năng lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách và các nguồn lực cần thiết, đồng hành với các Chính phủ trong ASEAN vì Cộng đồng ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng, hướng tới phát triển bền vững vì lợi ích của mọi người dân trong khu vực.
Với tinh thần đó, Đại hội đồng AIPA 41 tập trung xem xét và thông qua các Nghị quyết về: Thúc đẩy vai trò của Nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ; Ngoại giao Nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững ASEAN; Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19; Tăng cường vai trò của AIPA xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN chủ động thích ứng với đại dịch COVID-19. Đại hội đồng cũng sẽ tổ chức Phiên đối thoại AIPA - ASEAN về những tác động của đại dịch COVID–19 đối với việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột.
Chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA 41 và chủ đề tại các Ủy ban, Hội nghị Nữ Nghị sỹ, Hội nghị không chính thức của Nghị sỹ trẻ AIPA và các Nghị quyết tại Đại hội đồng đã bám sát chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng”, tiếp nối các kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, thể hiện sự đồng hành và hỗ trợ của AIPA đối với ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến, ưu tiên của ASEAN trong năm 2020 và các nỗ lực phòng, chống, khắc phục hậu quả của đại dịch, thúc đẩy khôi phục an toàn các hoạt động kinh tế, duy trì sự ổn định, phát triển ở khu vực. Đồng thời, phát huy vai trò dẫn dắt của Quốc hội Việt Nam trong AIPA nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận cao với các nghị viện thành viên và nghị viện Quan sát viên AIPA với các vấn đề thuộc mối quan tâm chung của ASEAN.
Tại Đại hội đồng AIPA 41, Quốc hội Việt Nam đề xuất 2 sáng kiến quan trọng. Một là, tổ chức Hội nghị không chính thức Nghị sỹ trẻ AIPA. Quốc hội Việt Nam mong muốn sau Đại hội đồng lần này, Hội nghị không chính thức Nghị sỹ trẻ AIPA sẽ trở thành cơ chế chính thức trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA, tạo diễn đàn để các nghị sỹ trẻ có tiếng nói mạnh mẽ và đóng góp hiệu quả hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực. Hai là, kết nối, gắn kết hoạt động của AIPA với hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), gắn với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.
Cụ thể hóa sáng kiến này, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến “Đối tác Nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” vào ngày 30.7.2020 với sự tham gia của Tổng Thư ký IPU và đại diện Liên Hợp Quốc. Đây là lần đầu tiên, AIPA tổ chức một hội nghị chuyên đề nhằm thúc đẩy sự phát triển quan hệ đối tác nghị viện trong triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung, về hợp tác giáo dục và văn hóa nói riêng. Với sáng kiến và thành công bước đầu của Hội nghị, Việt Nam mong muốn tạo diễn đàn mang tính thường niên của AIPA để cùng trao đổi, tìm ra các biện pháp thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực ASEAN.
Đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA trong bối cảnh đại dịch COVID–19 bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường nhưng Quốc hội Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch, chuyển các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA 2020 sang hình thức trực tuyến. Đây là sự chủ động và linh hoạt của Quốc hội Việt Nam để vừa thực hiện trách nhiệm của Chủ tịch AIPA vừa đóng góp cho sự đổi mới phương thức hoạt động của AIPA.
Nhiều hoạt động đã được triển khai tích cực trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA 2020, thể hiện quyết tâm của Quốc hội Việt Nam trong việc đảm nhận trọng trách Chủ tịch AIPA. Trong đó, ngày 30.3.2020, với tư cách Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã có Thư gửi các Chủ tịch Nghị viện thành viên AIPA, kêu gọi các nghị viện đoàn kết, tăng cường hành động, đồng hành với Chính phủ trong đối phó với đại dịch COVID-19.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, ngày 26.6.2020, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ tổ chức thành công Phiên đối thoại cấp cao giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN và AIPA theo hình thức trực tuyến, góp phần thực hiện các nhiệm vụ trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Năm Chủ tịch AIPA 2020 của Việt Nam, được Chính phủ và Nghị viện các quốc gia thành viên ASEAN đánh giá cao.
Với vai trò là Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã tham dự và nêu Thông điệp của Chủ tịch AIPA tại Hội nghị cấp cao ASEAN 36, trong đó nêu bật các ưu tiên hành động của AIPA, khẳng định cam kết của AIPA trong việc tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng đã dự và nêu nhiều đề xuất quan trọng tại Phiên đối thoại đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 36 về chủ đề “Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn".
Quốc hội Việt Nam cũng đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Hội đồng Tư vấn AIPA về hiểm họa ma túy lần thứ 3 (AIPACODD3); cử đại diện tham dự nhiều hội nghị trực tuyến với các Nghị viện thành viên AIPA, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) nhằm thúc đẩy vai trò của nghị viện trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
Lịch sử đã cho thấy, trong mỗi giai đoạn phát triển, khu vực ASEAN có những khó khăn, thách thức khác nhau, nhưng AIPO/AIPA và nghị viện các quốc gia thành viên sẽ luôn tìm được cách thức phù hợp thúc đẩy tình đoàn kết, gắn bó, hợp tác chặt chẽ giữa các nước để cùng nhau vượt qua thách thức và đi tới tương lai.
Với vai trò Chủ tịch AIPA, Quốc hội Việt Nam cam kết làm hết sức mình và cùng với sự ủng hộ, đồng lòng của các Nghị viện thành viên AIPA tổ chức thành công các hoạt động của Năm Chủ tịch AIPA, Đại hội đồng AIPA 41, đóng góp thiết thực vào việc nâng tầm quan hệ đối tác AIPA – ASEAN đi vào chiều sâu, tăng cường sự phối hợp hành động giữa kênh lập pháp và kênh hành pháp để giữ vững đà liên kết, đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, an toàn, thịnh vượng và hạnh phúc cho mọi người dân.
NGUYỄN THỊ KIM NGÂN - UỶ VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ,
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM, CHỦ TỊCH AIPA
(Dẫn nguồn LĐO)